Một đoàn xe bọc thép của Nga di chuyển dọc theo đường cao tốc ở Crimea ngày 18-1-2022 - Ảnh: AP
Theo Hãng tin AFP, sáng 15-2, Bộ Quốc phòng Nga cho biết một số lực lượng quân đội nước này được triển khai gần Ukraine đã hoàn tất các cuộc tập trận và đang thu dọn đồ đạc để rời khỏi.
"Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các đơn vị của quân khu phía Nam và phía Tây của quân đội Nga đã bắt đầu vận chuyển thiết bị bằng đường sắt và đường bộ. Hôm nay 15-2, họ sẽ bắt đầu di chuyển đến các đơn vị đóng quân của mình" - người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov nói với báo giới.
Đoạn video do Bộ Quốc phòng cung cấp và Hãng thông tấn RIA công bố cho thấy một số xe tăng và các phương tiện bọc thép khác được chất lên các toa tàu. Bộ này cho biết sẽ sử dụng xe tải để vận chuyển một số khí tài.
Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu đơn vị rời khỏi khu vực biên giới và không rõ việc rút quân sẽ có tác động gì đến tổng số quân xung quanh biên giới với Ukraine. Tuy nhiên, đây là thông báo đầu tiên trong nhiều tuần qua của Nga về việc rút quân.
Hãng tin AFP nhận định nếu các quan chức phương Tây xác nhận quả thật Nga đang có các bước đi nhằm giảm bớt lực lượng của họ gần biên giới với Ukraine, điều đó sẽ làm giảm bớt lo ngại về một cuộc chiến tranh lớn ở châu Âu.
Theo Hãng tin Reuters, sau thông tin một số đơn vị Nga đang quay trở lại căn cứ, Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết Nga cần rút toàn bộ binh sĩ khỏi biên giới với Ukraine.
Có thể Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng phản ứng với tin tức trên. Ông Olaf Scholz đến Matxcơva vào ngày 15-2 để gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Tình trạng căng thẳng kéo dài nhiều tuần qua khi các nước phương Tây cáo buộc Nga điều hơn 100.000 quân đến quanh biên giới với Ukraine để chuẩn bị cho cái gọi là một cuộc "xâm lược" nhằm vào Ukraine. Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ cáo buộc này.
Bộ Ngoại giao Nga nói rằng các quốc gia phương Tây, với sự trợ giúp của truyền thông, đang lan truyền thông tin sai lệch khi cho rằng Nga đang lên kế hoạch tấn công quân sự Ukraine. Nga nói các nước phương Tây làm như vậy "để chuyển hướng sự chú ý khỏi những hành động gây hấn của chính họ".
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo một cuộc tấn công của Nga nhằm vào Ukraine "sẽ dẫn đến phản ứng xuyên Đại Tây Dương mang tính kiên quyết, với quy mô lớn và đoàn kết".
TTO - Ngày 14-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin chấp thuận đề nghị của Ngoại trưởng Sergei Lavrov về việc Nga cần tiếp tục theo đuổi con đường ngoại giao nhằm đạt được những đảm bảo an ninh từ phương Tây.
Xem thêm: mth.56522406151202202-eniarku-iov-ioig-neib-iohk-nauq-tur-oab-gnoht-agn/nv.ertiout