Chi phí sinh hoạt tại Mỹ đang ở mức cao nhất trong hàng chục năm. Khủng hoảng Nga-Ukraine có thể khiến tình hình tồi tệ thêm.
Giá dầu đã vượt quá 90 USD/thùng trong những tuần gần đây khi rủi ro Nga tấn công Ukraine gia tăng. Theo phân tích mà hãng kiểm toán đa quốc gia RSM chia sẻ với CNN, nếu khủng hoảng Nga-Ukraine đẩy giá dầu lên khoảng 110 USD/thùng thì lạm phát ở Mỹ sẽ lên trên 10% tính theo cơ sở hàng năm. Theo số liệu chính phủ, kinh tế Mỹ chưa từng trải qua lạm phát 10% kể từ tháng 10/1981.
Ông Joe Brusuela, nhà kinh tế trưởng tại RSM nhấn mạnh: "Chúng ta đang nói về cú sốc ngắn hạn lớn".
Nga là nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới về cả dầu mỏ và khí đốt tự nhiên cũng như nguồn cung cấp dầu mỏ toàn cầu. Và cuộc khủng hoảng địa chính trị đang diễn ra đúng lúc thị trường năng lượng thế giới đang chật vật để đáp ứng nhu cầu. JPMorgan cảnh báo bất kỳ gián đoạn nào tới dòng chảy dầu của Nga "sẽ dễ dàng đẩy giá dầu lên 120 USD/thùng".
Ông Brusuelas cảnh báo: "Sưởi ấm nhà và đổ xăng vào bình sẽ trở nên đắt đỏ hơn ngay sau khi Nga tấn công". Ông nói thêm rằng sự kiện này sẽ tạo ra "cú sốc đến niềm tin tiêu dùng" và làm suy giảm đầu tư doanh nghiệp.
Lần đầu tiên kể từ 2014, giá dầu thô vượt 95 USD/thùng vào ngày 14/2. Nhưng dầu lại đảo chiều vào ngày tiếp theo, rớt xuống dưới 92 USD/thùng dựa trên hy vọng về căng thẳng giũa Nga và Ukraine giảm bớt.
Trong tháng 1, chỉ số giá tiêu dùng vọt lên 7,5% so với năm trước – mức cao nhất kể từ tháng 2/1982. Chi phí sinh hoạt đắt đỏ đè nặng lên tâm lý người tiêu dùng. Dữ liệu tháng 2 cho thấy chỉ số tâm lý tiêu dùng đã rớt xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ.
Ông Brusuelas ước tính giá dầu tăng khoảng 20% lên 110 USD/thùng sẽ kéo giá tiêu dùng tăng 2,8 điểm % trong 12 tháng tiếp theo, khiến lạm phát vượt ngưỡng 10%. Viễn cảnh này trái ngược với kỳ vọng hiện tại là lạm phát sẽ dần dần hạ nhiệt.
Tuy nhiên, tác động tới nền kinh tế có thể không nghiêm trọng đến vậy. Ông Brusuelas tính rằng giá dầu nhảy vọt lên 110 USD thùng sẽ chỉ lấy mất 1 điểm % tăng trưởng GDP Mỹ trong năm tiếp theo.
Tuy nhiên, lạm phát nhảy vọt nhiều khả năng sẽ gia tăng thêm áp lực buộc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đẩy mạnh cuộc chiến kiểm soát giá cả bằng cách tăng lãi suất đáng kể.
"Kịch bản này sẽ khiến Fed phải đẩy nhanh tốc độ bình thường hóa chính sách. Bạn sẽ phải nghe nhiều hơn về việc nâng lãi suất 50 điểm cơ bản chỉ trong một cuộc họp", ông nhận định.
Số liệu mới được công bố ngày 15/2 cho thấy chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 1 vừa qua tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước, thuộc nhóm cao nhất nhiều năm trở lại đây.
Xem thêm: mth.47100147061202202-01-touv-ym-tahp-mal-yad-eht-oc-eniarku-agn-tod-gnux/nv.zibmanteiv