Trong buổi họp báo cùng Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại thủ đô Moscow hôm 15/2, Tổng thống Nga Putin nói: "Chúng tôi không muốn chiến tranh ở châu Âu".
Sau đó, Tổng thống Nga nhắc đến bình luận trước đó của Thủ tướng Đức rằng: "Những con người của thế hệ ngày nay khó có thể tưởng tượng được chiến tranh ở châu Âu".
Hai cuộc chiến tranh đẫm máu nhất lịch sử nhân loại là Thế chiến thứ nhất và Thế chiến thứ hai đều bùng phát ở châu Âu và do các cường quốc châu Âu tham gia chính.
"Chúng tôi đã đưa ra nhiều đề xuất, bắt đầu các cuộc thảo luận về việc đảm bảo an ninh bình đẳng cho tất cả các bên", ông Putin nói.
Về NATO, Tổng thống Nga cho rằng "các nước có quyền tham gia các liên minh quân sự như NATO vẫn thường tuyên bố, nhưng một điểm quan trọng là không thể gây tổn hại tới an ninh của nước khác để duy trì an ninh của nước mình".
"Chúng tôi cũng sẵn sàng tiếp tục các cuộc đối thoại", ông Putin cho hay.
Về khía cạnh kinh tế, ông Putin cho biết Đức "là một trong những đối tác quan trọng nhất của Nga" và Nga dự định tăng cường hợp tác với Đức. Tổng thống Nga nhấn mạnh mối quan hệ kinh tế khăng khít giữa hai nước và chỉ ra rằng Đức là đối tác kinh tế lớn thứ 2 của Nga chỉ sau Trung Quốc.
Theo hãng tin DW, Thủ tướng Olaf Scholz đến Moscow sau khi thăm Ukraine và thăm Thủ tướng Volodymyr Zelenskyy để củng cố sự ủng hộ mà Đức dành cho Ukraine trong bối cảnh quân đội Nga tập trung ở gần biên giới.
Tại Moscow, ông Scholz nói việc tập trung quân lính ở gần biên giới Ukraine "có thể bị coi là một hành động đe dọa". Tuy nhiên, "giờ đây chúng tôi nghe tin một số binh sĩ đang được rút đi, đây là một tín hiệu tích cực và chúng tôi hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều tin vui nữa".
Ngày 15/2, ông Igor Konashenkov, người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nga cho biết một số binh sĩ được điều động đến quân khu miền tây và miền nam (giáp biên giới với Ukraine) đã hoàn thành các cuộc tập trận và "bắt đầu lên tàu hỏa và các phương tiện đường bộ để trở về doanh trại".
Bà Julianne Smith, Đại sứ Mỹ tại NATO cho biết hiện chưa thể khẳng định căng thẳng đã hạ nhiệt.
"Chúng tôi hiện không có bằng chứng nào cho thấy [Nga đang rút quân khỏi biên giới Ukraine như tuyên bố]. Chúng tôi cần có thêm thời gian để xác minh tuyên bố đó", bà Smith nói với tờ DW.
Khi được hỏi về sự đoàn kết của NATO và vai trò của Đức trong vấn đề với Nga, bà Smith nói: "Ngay lúc này, nhìn vào sự hung hăng của Nga và những việc mà Nga đang làm để gây bất ổn cho an ninh châu Âu nói chung, tôi có thể khẳng định chắc chắn rằng chúng tôi đang đoàn kết như một liên minh".
Xem thêm: mth.4340658061202202-eniarku-ioig-neib-iohk-nauq-tob-tur-agn-ihk-uas-ig-ion-nitup-gno/nv.zibmanteiv