Chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam phấn đấu sánh vai các nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới.
Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Chiến lược) được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký bán hành đã giao ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NNPTNT) nhiều mục tiêu quan trọng, với những điểm mới mang tính đột phá. Trong đó, đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP nông nghiệp đạt bình quân từ 2,5-3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông nghiệp đạt bình quân từ 5,5-6%/năm; mở rộng và phát triển thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt bình quân từ 5-6%/năm…
Đến năm 2050, Việt Nam sẽ trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn Việt Nam không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống” văn minh, xanh, đẹp...
Sáng 17.2.2022, tại buổi họp báo công bố chiến lược, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Với mục tiêu trên, ngành nông nghiệp sẽ phải đổi mới tư duy sản xuất. Đó là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tập trung vào nâng cao giá trị, hiệu quả, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường. Chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ “đơn giá trị” sang “tích hợp đa giá trị”…
Ngành NNPTNT cũng phải hướng tới nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người. Hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường.
Theo đó, ngành nông nghiệp tiếp tục cơ cấu lại theo 3 trục sản phẩm: Quốc gia, cấp tỉnh và địa phương, theo lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp; cùng với đó là tăng cường chế biến, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới tổ chức thể chế của hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, hội, hiệp hội, ngành hàng...
Để hiện thực hóa Chiến lược phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, trước hết phải thống nhất từ nhận thức đến hành động và sự vào cuộc chủ động, tích cực, quyết liệt từ Chính phủ, các bộ, ban, ngành, đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã, bà con nông dân; đặc biệt là chính quyền địa phương các cấp. Cùng với đó là cơ chế chính sách phù hợp, mang tính đột phá.
Theo ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, để đạt được các mục tiêu trên, có rất nhiều việc phải làm. Trong đó, các chính sách về sử dụng đất đai sẽ cần được sửa đổi linh hoạt, phát triển thị trường giao dịch, thúc đẩy tập trung đất đai. Hạ tầng sẽ được đầu tư cơ bản cho vùng sâu vùng xa.
Điển hình như việc phát triển hạ tầng thủy lợi phải đảm bảo đa mục tiêu, cho thủy sản, lâm nghiệp. Hạ tầng thương mại như: Xây dựng hệ thống chợ, trung tâm đầu mối; hạ tầng logistics: Cầu cảng, trung tâm kết nối vùng, giao thông kết nối vùng chuyên canh... để phát triển nông nghiệp hiện đại, năng suất, bền vững, có trách nhiệm...
Xem thêm: odl.6594101-hnihc-mahp-nas-curt-3-oeht-ial-uac-oc-cut-peit-peihgn-gnon/et-hnik/nv.gnodoal