Long An - Từ việc mang lại giá trị cao, diện tích thanh long ở Long An tăng rất nhanh và đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế, xã hội của huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Tuy nhiên, thời gian qua, nhất là thời điểm nông sản bị ùn ứ ở cửa khẩu, trái thanh long đang gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Tuy nhiên, hỗ trợ tiêu thụ (giải cứu) chỉ là giải pháp tạm thời...
Điệp khúc “giải cứu”
Để phát triển, nâng cao chất lượng thanh long, phục vụ xuất khẩu, tỉnh Long An đã chọn thanh long là một trong những cây trồng ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, ở huyện Châu Thành đã được tỉnh quy hoạch vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao với diện tích 2.000ha.
Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - ông Nguyễn Văn Khải - cho biết, ở huyện có hơn 9.000ha thanh long, mỗi năm cho sản lượng trái 294.000 tấn. Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch nên sức tiêu thụ giảm, vì vậy việc tìm kiếm được đơn vị thu mua số lượng lớn rất khó.
Nổi cộm như trong tháng 8.2021, ở huyện có khoảng 15.000 tấn thanh long thu hoạch phải vất vả lắm mới tiêu thụ hết. Đợt này, người dân bán hết thanh long cũng nhờ có nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đặt mua để làm từ thiện, cấp phát cho người dân trong khu cách ly, vùng phong tỏa.
“Khi vừa giải cứu xong thì đến dịp Tết Nguyên đán vừa rồi, ở huyện tiếp tục có 26.000 tấn thanh long thu hoạch. Do Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu nên việc tiêu thụ rất gian nan bởi phải loay hoay tìm cách tiêu thụ, giải cứu thanh long ở thị trường trong nước” - ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An, thông tin thêm.
Để giúp tiêu thụ thanh long, giảm thiệt hại cho nông dân, Sở Công Thương đã có văn bản kêu gọi “giải cứu” thanh long giúp nông dân. Ngoài bán qua các trung tâm thương mại, chợ đã hỗ trợ đưa thanh long đến các khu vực đông công nhân, lao động để tiêu thụ.
Khi huyện Châu Thành - nơi trồng thanh long với diện tích lớn - đang gặp khó tiêu thụ thì diện tích thanh long lại còn được trồng ở một số địa phương khác với diện tích nhỏ lẻ. Như huyện Cần Đước có trên 25ha trồng thanh long, tập trung ở các xã: Phước Tuy, Tân Ân, Tân Trạch, Phước Đông và rải rác ở một số xã khác. Trước tết, khi thanh long chín rộ cũng là lúc thương lái không thu mua. Hàng chục tấn thanh long ùn ứ, mặc dù bán với giá thấp nhưng cũng không có người mua.
Trước thực trạng này, các hội, đoàn thể lại tham gia hỗ trợ thu hoạch, tiêu thụ thanh long của nông dân, vận động mỗi xã hỗ trợ tiêu thụ 500kg, tổ chức gian hàng hỗ trợ tiêu thụ thanh long tại chợ Cần Đước.
Cần giải pháp lâu dài
Theo ông Trần Thái Long - quản lý nhà kho thanh long Hồng Nguyên Long, công ty đã đầu tư xây dựng mở rộng nhà kho lên 10.000m2 để thu mua thanh long cho người dân ở Châu Thành. Thời gian qua, từ sự liên kết với HTX và nông dân nên công ty luôn cố gắng thực hiện tốt lời hứa, cam kết của mình. Như trong một tuần đầu tháng 8.2021, dù đầu ra tiêu thụ thanh long gặp nhiều khó khăn nhưng đơn vị vẫn cố gắng thu mua cho dân và trữ lại kho. Dù vậy, việc này cũng chỉ là giải pháp tạm thời không thể kéo dài hoặc áp dụng thường xuyên bởi như thế doanh nghiệp cũng “đuối sức”.
Thống kê cho thấy, diện tích thanh long trên toàn tỉnh Long An hiện có khoảng hơn 11.000ha, sản lượng khoảng 320.000 tấn. Thời gian qua, việc tiêu thụ thanh long thị trường chủ yếu là Trung Quốc, chiếm 70 - 80%. Xuất khẩu theo đường tiểu ngạch vẫn còn chiếm tỉ lệ khá cao.
Ngoài ra, phần lớn diện tích trồng thanh long ở Long An không được bao nhiêu, nông dân vẫn chủ yếu bán thanh long qua thương lái.
Ông Lê Minh Đức - nguyên Giám đốc Sở Công Thương Long An - cho hay, việc xuất khẩu nông sản, nhất là thanh long sang Trung Quốc có nhiều rủi do không hợp đồng cụ thể, chủ yếu do các đối tác thỏa thuận nhau. Về giải pháp lâu dài, bền vững cần thực hiện buôn bán chính ngạch, đồng thời phải tổ chức sản xuất theo hướng liên kết, an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc vào một thị trường chính Trung Quốc như hiện nay.
Trong thời gian tới, Long An tiếp tục khuyến khích nông dân sản xuất thanh long ứng dụng công nghệ cao để nâng cao chất lượng sản phẩm, tính cạnh tranh, phục vụ cho thị trường xuất khẩu. Huyện Châu Thành cũng tiếp tục củng cố, phát triển hợp tác xã, liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để có đầu ra ổn định, bền vững hơn.
“Địa phương rất mong muốn nhận được nhiều sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ngành, nhất là tìm kiếm, kết nối để trái thanh long ở huyện có đầu ra ổn định” - ông Nguyễn Văn Khải nói.
Xem thêm: odl.5515101-uuc-iaig-cuhk-peid-teh-oig-oab-teiv-nas-gnon/et-hnik/nv.gnodoal