"Chúng ta cần kiên định với con đường, mục tiêu đổi mới, những mục tiêu mang tính chiến lược của ngành. Chúng ta cần kiên trì thuyết phục và vận động phụ huynh, xã hội để cùng chia sẻ và đồng hành với chúng ta.
Chúng ta cần kiên quyết chống các biểu hiện lạc hậu, bảo thủ, tiêu cực; kiên quyết theo đuổi mục tiêu chiến lược phát triển con người. Chúng ta cần kiên trinh với nghề giáo, vinh quang của nghề nghiệp và vượt qua mọi khó khăn để thi đua dạy tốt, học tốt" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh tại phát biểu cuối phiên gặp gỡ buổi sáng (với giáo viên mầm non, phổ thông) và buổi chiều (với giảng viên đại học).
Sẽ tăng phụ cấp ưu đãi 10% cho giáo viên mầm non, 5% cho giáo viên tiểu học
Theo ông Nguyễn Ngọc Ân - chủ tịch Công đoàn giáo dục Việt Nam, trong số hơn 6.500 ý kiến gửi về Bộ GD-ĐT trước cuộc gặp, có tới trên 2.000 ý kiến đề cập chế độ lương, phụ cấp, chính sách đãi ngộ đối với giáo viên. Phần lớn ý kiến trực tiếp tại cuộc gặp với giáo viên mầm non, phổ thông xoay quanh vấn đề này.
Cô Lý Thị Trinh, giáo viên mầm non ở Long Mỹ (Hậu Giang), chia sẻ quy định chung giờ làm việc là 40 giờ/tuần, nhưng thực tế giáo viên mầm non phải làm việc từ 6h30 sáng tới 17h, thậm chí 18h. Buổi trưa giáo viên cũng phải quản lý trẻ, làm đồ dùng dạy học. Trung bình mỗi giáo viên mầm non làm việc 10-12 giờ/ngày.
Với đặc thù của bậc mầm non, giáo viên không chỉ phải dạy mà còn chăm sóc, phải làm công việc của chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia tâm lý, can thiệp sớm với trẻ có vấn đề tâm lý.
Nhưng lương giáo viên thấp, có những giáo viên hiện chỉ hưởng mức lương 5 triệu đồng/tháng, không đủ sống. Trong khi do bận rộn giáo viên cũng không có nhiều thời gian cho gia đình. Môi trường làm việc chăm sóc trẻ nhiều rủi ro áp lực, nhưng cũng bấp bênh.
Khá nhiều ý kiến tương tự như cô Trinh tại buổi gặp gỡ từ giáo viên ở Điện Biên, Hà Tĩnh. Các cô giáo còn cho biết ở vùng sâu, vùng xa, giáo viên mầm non còn phải vượt qua hiểm nguy trên nhiều cung đường khó khăn đến điểm trường.
Theo cô Dương Thị Thanh Hồng (Hà Tĩnh) chính sách đãi ngộ với giáo viên mầm non đang còn chênh lệch so với các bậc học khác. Nhiều ý kiến tại cuộc gặp kiến nghị về tuổi nghỉ hưu cho giáo viên mầm non chỉ nên dừng ở tuổi 55 với nữ.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ sự thấu hiểu. Ông đưa ra một thông tin mới là sẽ tăng thêm phụ cấp ưu đãi 10% cho giáo viên mầm non, 5% cho giáo viên tiểu học.
Đây là kết quả của sự làm việc giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ, hiện đang chờ Bộ Tài chính thống nhất để thông qua.
Những ý kiến liên quan triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 tập trung ở một số nội dung như: khó khăn trong dạy môn tích hợp, thiếu giáo viên, trang thiết bị dạy học, chưa có hướng dẫn về đổi mới thi tốt nghiệp THPT nên khó khăn cho việc định hướng cho học sinh THPT...
Trả lời về việc này, ông Sơn cho biết bộ sẽ tham vấn chuyên gia, nhưng khả năng cao sẽ có điều chỉnh chương trình ở các môn tích hợp nhưng sẽ thận trọng để không gây xáo trộn, khó khăn cho các nhà trường và giáo viên. Bộ trưởng cũng khẳng định sẽ công bố phương án thi tốt nghiệp sau năm 2025 vào quý 4-2023.
Giải tỏa điểm nghẽn thể chế cho tự chủ đại học
Trước nhiều ý kiến liên quan tự chủ đại học trong phiên gặp gỡ các giảng viên đại học vào buổi chiều, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết tự chủ đại học đã thực hiện từ hơn 30 năm trở lại đây với sự khởi đầu của hai đại học quốc gia, sau đó là các trường đại học khác.
Điểm vướng chính là thể chế, giữa các quy định vẫn có sự xung đột, chưa tương thích, sự chưa đồng bộ trong các hệ thống bộ luật của các cơ quan, bộ ngành, khiến quyền tự chủ của các trường đại học khó thực hiện một cách đầy đủ. Cần phải có một quá trình điều chỉnh.
Theo bộ trưởng, kế hoạch đến 2024, Chính phủ và Quốc hội dự kiến sẽ giao Bộ GD-ĐT xem xét, sửa đổi Luật 34, điều chỉnh thể chế để tiếp tục mở đường cho tự chủ đại học đúng hơn và có chiều sâu cho các cơ sở giáo dục đại học.
Ngoài ra, có một số khó khăn khi thực hiện tự chủ đại học từ những người triển khai, có cơ sở giáo dục hiểu chưa hết về tự chủ đại học nên không dám làm hết, có nơi hiểu theo nghĩa "tự chủ thích làm gì thì làm"..., những cách hiểu này tạo sự sai lệch trong quá trình thực hiện.
"Tự chủ không phải là tự túc, tự chủ không phải phó thác tự lo liệu về mặt kinh phí, tự chủ với giáo dục vẫn phải cần được đầu tư nhưng đầu tư như thế nào, đầu tư lúc nào, đầu tư theo cách gì, điều này tiếp tục phải kiến nghị chính sách" - bộ trưởng đặt vấn đề.
Theo ông, ngoài điểm nghẽn về thể chế, giáo dục đại học còn có điểm nghẽn về cơ sở vật chất, hạ tầng: "Hai đại học quốc gia được đầu tư mấy chục năm vẫn dang dở, một số đại học khác cơ sở vật chất vẫn thiếu thốn.
Hệ thống phòng thí nghiệm không đáp ứng được các nghiên cứu ở góc độ đỉnh cao. Bao giờ phải thoát nghèo về cơ sở vật chất thì các trường đại học mới có cơ hội phát triển mạnh".
Thu nhập chính nhờ... bán hàng online
Phát biểu tại cuộc gặp, TS Trần Trọng Đạo - chủ tịch công đoàn Trường đại học Nha Trang - cho biết thực tế công việc của viên chức, người lao động ngành giáo dục rất nhiều áp lực, tuy nhiên thu nhập lại thấp, đời sống khó khăn.
Điều này dẫn đến thực trạng không ít viên chức, người lao động xin thôi việc, chuyển công tác hoặc đi học và không quay trở về Việt Nam. Nhiều giáo viên phải làm thêm các công việc khác như buôn bán bất động sản, bán hàng online, dẫn đến "việc chính đem lại thu nhập phụ, việc phụ đem lại thu nhập chính".
Ông Đạo đề xuất nên có chính sách tiền lương, bảng lương riêng cho nhà giáo, đồng thời có chính sách cho vay vốn với các ưu đãi đặc thù (thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng) cho viên chức, người lao động trong ngành.
Thầy Trần Văn Luyện (hiệu trưởng Trường THCS Hồng Bàng, quận 5, TP.HCM):
Thêm niềm tin
Tham dự buổi gặp bộ trưởng Bộ GD-ĐT, tôi thấy có thêm nhiều niềm tin về việc người đứng đầu ngành giáo dục nước ta lắng nghe, tháo gỡ, giải quyết những tâm tư, nguyện vọng của người giáo viên nhằm nâng cao đời sống của nhà giáo.
Tôi cũng thấy rằng bộ trưởng đã có những hành động ban đầu nhằm giải quyết những vấn đề nổi cộm trong giáo dục nước ta như nâng cao đời sống giáo viên, chương trình tích hợp...
Được một người đứng đầu biết lắng nghe và đối thoại với giáo viên, với người lao động, tôi thực sự đã có niềm tin. Tôi mong bộ trưởng tiếp tục có những buổi đối thoại về định hướng dạy học trong điều kiện hiện nay và tương lai.
Thầy Hồ Hữu Ái (giáo viên Trường THCS Tô Ký, huyện Hóc Môn, TP.HCM):
Chờ những thay đổi trong dạy liên môn
Điều tôi quan tâm nhất là bộ trưởng nói sẽ có những thay đổi trong dạy tích hợp liên môn. Tôi mong chờ điều gì sẽ xảy ra tiếp trong dạy liên môn ở bậc THCS mà mình đang dạy, cũng không biết sự thay đổi tiếp theo thế nào.
Việc dạy liên môn sẽ theo hướng trả lại từng môn cho giáo viên dạy hay sẽ phân chia thế nào trong dạy học?
Tôi mong chờ và cảm thấy tin tưởng sẽ có những thay đổi phù hợp với thực tiễn chương trình 2018 và giúp học sinh học môn học này tốt hơn cũng như việc dạy học sẽ tốt hơn, đỡ vất vả hơn cho giáo viên.
Chiều 15-8, bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ trực tiếp và trực tuyến các giảng viên, cán bộ quản lý, nhân viên của các đại học, trường đại học, với hơn 400 điểm cầu.