vĐồng tin tức tài chính 365

3 tháng triển khai, vì sao Mobile Money vẫn “ỳ ạch”?

2022-02-18 12:42

Phát triển thị trường ngách, tập trung vào đối tượng không có tài khoản ngân hàng, với đặc thù địa bàn vùng sâu, vùng xa sẽ là lối đi mà Mobile Money hướng tới. Điều này có thể sẽ tạo nên sự khác biệt so với các dịch vụ thanh toán hiện nay.

Thế khó khi “sinh sau đẻ muộn”

Mới đây, theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, dịch vụ Mobile Money hiện có hơn 588.000 người dùng trên cả nước. Trong đó, nhà mạng Viettel có 402.000 khách hàng sử dụng dịch vụ này sau khi bắt đầu triển khai từ tháng 12.2021. VNPT đến đầu tháng 2 năm nay có 186.200 khách hàng Mobile Money. Trong khi đó, Mobifone chưa có số liệu về người dùng, điểm chấp nhận thanh toán.

Trong bối cảnh tính đến cuối năm 2021, số lượng thuê bao di động của Việt Nam ước đạt 123,76 triệu, con số nửa triệu thuê bao sử dụng Mobile Money như trên vẫn còn rất thấp và còn nhiều dư địa để tăng trưởng trong thời gian tới. 

Nhìn nhận về những con số sau gần 3 tháng thí điểm của Mobile Money, một chuyên gia về mảng thanh toán đánh giá, dịch vụ này đang ở vào thế khó khi “sinh sau đẻ muộn”. Bởi, Mobile Money từng được coi như một hình mẫu thành công, tạo nên cuộc cách mạng thanh toán ở một số quốc gia có mạng lưới ngân hàng chậm phát triển như Kenya, Zimbabwe, Indonesia... Tuy nhiên, tại Việt Nam, thanh toán không tiền mặt ngày càng tăng trưởng với các dịch vụ hiện đại như Internet Banking, ví điện tử, mã QR... Do vậy, theo đánh giá của chuyên gia này, Mobile Money khó tạo nên một cuộc cách mạng về thanh toán trong tương lai. 

Trong khi đó, phía Ngân hàng Nhà nước cho biết, số liệu về thanh toán trên thiết bị di động tại Việt Nam tăng trưởng mạnh hằng năm, 90% về số lượng và 150% về giá trị, nhiều ngân hàng đạt trên 90% giá trị giao dịch thực hiện trên kênh số. 

Nhiều ý kiến cũng nhìn nhận, các tiện ích thanh toán qua tài khoản ngân hàng hoặc ví điện tử đã phát triển đa dạng và ngày càng hoàn thiện, mang tới trải nghiệm tốt cho người dùng. Điều đó đồng nghĩa, Mobile Money tương đối khó khăn trong câu chuyện khẳng định ưu thế vượt trội.

Đặc biệt hiện tại, theo quy định trong thời gian thí điểm, hạn mức giao dịch của Mobile Money chỉ là 10 triệu đồng trong tháng. Con số này rất khó để thuyết phục những người đang có lượng giao dịch lớn chuyển sang sử dụng dịch vụ này.

Cần một lối đi riêng

Trên thực tế, trước khi được đưa ra thí điểm, Mobile Money đã hướng tới là một dịch vụ dành cho đối tượng chủ yếu không có tài khoản ngân hàng. Cụ thể, với Mobile money, chỉ cần có số điện thoại di động đã được xác thực thông tin người dùng, chủ thuê bao có thể thanh toán hầu hết các dịch vụ (tiền điện, tiền nước, viện phí, học phí...) có liên kết với nhà mạng mà không cần có tài khoản ngân hàng. Người dân sẽ được tiết kiệm cả thời gian, chi phí đi lại, nhất là đối tượng khách hàng ở vùng sâu, vùng xa, khi thực hiện thanh toán tiền điện, nước hoặc có thể chuyển tiền có giá trị nhỏ khi cần thiết. Đó cũng là quan điểm của VNPT, một trong ba đơn vị tham gia quá trình thí điểm.

Ông Nguyễn Sơn Hải - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền thông VNPT Media - cho biết, điểm quan trọng nhất ở đây là Mobile Money có tệp khách hàng riêng. Đối tượng chính mà dịch vụ này hướng tới là những người không có tài khoản ngân hàng. 

“Bản chất Mobile Money cũng là một ngăn chứa tiền, nhưng ngăn chứa tiền đó không liên kết với ngân hàng. Nó không phải trải qua các thủ tục với ngân hàng và cũng không phải ngân hàng nào cũng có khả năng và mong muốn phục vụ tất cả khách hàng. Vì thế, có những đối tượng người dùng chỉ có thể phục vụ bằng Mobile Money” - ông Nguyễn Sơn Hải nói. 

Theo ông Hải nhìn nhận, Mobile Money sẽ giúp không ai bị bỏ rơi trong công cuộc phát triển kinh tế số nhưng cũng sẽ đòi hỏi rất nhiều gian nan khi phát triển.

“Dịch vụ này kết nối về mặt tài chính để cho mọi người không ai bị bỏ rơi, không ai bị lạc lõng khỏi nền kinh tế số hiện nay. Đấy cũng là một cái phát triển hệ sinh thái. Nhưng làm cái này cũng rất vất vả nếu không gắn chặt vào hệ sinh thái, không gắn chặt vào hệ thống công tác, cơ sở dữ liệu khách hàng chuẩn hóa, mạng lưới network, môi trường, cơ sở kinh doanh không tốt”. 

Để tiếp tục thúc đẩy thí điểm trong thời gian tới, VNPT đã tiến hành đào tạo, phát triển hệ thống đại lý trên tinh thần đầu tiên là cửa hàng của VNPT, sau đó là đối tác ủy quyền. 

Trong khi đó, phía nhà mạng Viettel cũng cho biết, để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ, thời gian đầu thí điểm, đơn vị này đã tung ra chuỗi chương trình khuyến mãi với tổng giá trị lên đến 30 tỉ đồng cho tất cả khách hàng tham gia trải nghiệm. Khách hàng khi đăng ký tài khoản Viettel Money thực hiện giao dịch chuyển tiền hay tham gia sử dụng tiện ích sẽ được tặng tiền thưởng lên đến 10 triệu đồng/khách hàng cùng các gói quà tặng viễn thông như data tốc độ cao, miễn phí phút gọi/SMS...

Bên cạnh đó, Viettel đồng thời triển khai hơn 50 chương trình khuyến mãi và hợp tác tính năng trong nhiều lĩnh vực: Thanh toán hóa đơn điện, nước, học phí, mua vé máy bay, tàu xe, mua bảo hiểm, mua sắm trên các sàn thương mại điện tử...

Theo lộ trình, thời gian các đơn vị triển khai thí điểm Mobile Money là 2 năm. Kết quả thí điểm triển khai dịch vụ Mobile Money sẽ là cơ sở thực tiễn để cơ quan quản lý có thẩm quyền xem xét, xây dựng và ban hành các quy định pháp lý chính thức cho hoạt động cung ứng dịch vụ tại Việt Nam.

Xem thêm: odl.4225101-hca-y-nav-yenom-elibom-oas-iv-iahk-neirt-gnaht-3/et-hnik/nv.gnodoal

Comments:0 | Tags:No Tag

“3 tháng triển khai, vì sao Mobile Money vẫn “ỳ ạch”?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools