vĐồng tin tức tài chính 365

Trung Quốc thống trị lĩnh vực hạ tầng của châu Phi như thế nào

2022-02-18 16:28

Economist nhận định khi nói đến hoạt động xây dựng các công trình lớn ở châu Phi, Trung Quốc không có đối thủ. Các công ty do Bắc Kinh hậu thuẫn đã vẽ lại bản đồ giao thông của lục địa này.

Nhờ các kỹ sư và ngân hàng Trung Quốc, bạn có thể bắt một chuyến tàu ở Lagos để đến Ibadan ở Nigeria, lái xe qua các khu vực phía đông Congo trong vài giờ thay vì vài ngày, hoặc bay đến hàng chục sân bay mới từ Zanzibar đến Zambia. Đó là chưa kể hàng loạt công trình khác, từ những tòa nhà chọc trời, những cây cầu, con đập hay bến cảng.

Trong quá khứ thì không như vậy. Năm 1990, các công ty Mỹ và châu Âu chiếm hơn 85% hợp đồng xây dựng trên lục địa này. Các công ty Trung Quốc thậm chí còn không được nhắc đến. Giờ đây, các công ty phương Tây lại đang phải vật lộn để kiếm hợp đồng tại thị trường đang phát triển nhanh chóng này.

Ngân hàng Thế giới dự báo nhu cầu chi tiêu cho cơ sở hạ tầng tại châu Phi sẽ đạt hơn 300 tỷ USD năm 2040. Dân số châu Phi đang tăng nhanh nhất thế giới và người dân nơi đây cũng đang di chuyển đến các thành phố để sinh sống với tốc độ nhanh hơn những nơi khác. Cả hai xu hướng này sẽ thúc đẩy nhu cầu cơ sở hạ tầng.

Năm 2020, các công ty xây dựng của Trung Quốc chịu trách nhiệm 31% dự án cơ sở hạ tầng ở châu Phi có giá trị từ 50 triệu USD trở lên, theo Deloitte. Con số này tăng từ 12% vào năm 2013. Các công ty phương Tây chỉ chịu trách nhiệm trực tiếp với khoảng 12%, giảm mạnh so với 37% năm 2013.

Sự đảo chiều này không chỉ khiến cổ đông của các công ty phương Tây mà còn cả chính phủ của họ lo lắng. Họ cho rằng sức mạnh kinh tế ngày càng tăng ở châu Phi đang củng cố ảnh hưởng chiến lược và ngoại giao của Trung Quốc.

Một kỹ sư Trung Quốc cùng công nhân địa phương tại công trường dự án đường sắt Mombasa-Nairobi ở Emali, Kenya, Ảnh: Reuters

Một kỹ sư Trung Quốc cùng công nhân địa phương tại công trường dự án đường sắt Mombasa-Nairobi ở Emali, Kenya, Ảnh: Reuters

Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) tài trợ cho các cảng, đường sá và các cơ sở hạ tầng khác, khiến các lãnh đạo phương Tây lo ngại Trung Quốc có thể mở căn cứ hải quân thứ hai trên lục địa này. Trong khi đó, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các mỏ ở châu Phi cũng sẽ giúp nước này kiểm soát các khoáng sản chiến lược, như coban dùng trong ôtô điện.

Không thể ngồi yên, những năm gần đây, Mỹ bắt đầu chạy đua với Trung Quốc trong chính sách đối ngoại. Châu Âu thì bận rộn chào mời các nước châu Phi các gói tài chính thay thế cho BRI. Tại Hội nghị thượng đỉnh EU-châu Phi ngày 17/2, các lãnh đạo châu Âu vạch ra kế hoạch rót 150 tỷ euro (170 tỷ USD) vào cơ sở hạ tầng châu Phi.

Các chính phủ phương Tây cũng đang cố gắng thúc giục doanh nghiệp của mình đầu tư và xây dựng nhiều hơn ở châu Phi. Nhưng nói thì dễ hơn là làm. Một số công ty phàn nàn họ gặp bất lợi ngay từ đầu, vì Trung Quốc là một nước sẵn sàng chi tiêu lớn. Giai đoạn 2007 - 2020, các ngân hàng Trung Quốc cung cấp 23 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng châu Phi, hơn gấp đôi so với 9,1 tỷ USD từ tất cả các ngân hàng phương Tây cộng lại, theo Trung tâm Phát triển Toàn cầu (Washington, Mỹ).

Các nhà băng Trung Quốc cũng chớp thời cơ nhanh hơn và đôi khi là liều lĩnh hơn. Khi Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta muốn có 4,7 tỷ USD để xây dựng một tuyến đường sắt mới mà Ngân hàng Thế giới cảnh báo sẽ không bao giờ thu được lợi nhuận, Trung Quốc chấp nhận cho ông vay.

Nhưng Trung Quốc cũng là nhà đàm phán cứng rắn, ví dụ như các thỏa thuận trị giá hơn 1,1 tỷ USD ở Ghana và Guinea. Các khoản vay này được thế chấp bởi các mỏ bauxite. Một nghiên cứu của AidData, thuộc Đại học William & Mary (Mỹ), cho thấy Trung Quốc thường áp các điều kiện khó khăn hơn nhiều để đảm bảo khoản vay của họ được trả.

Các công ty phương Tây cũng phàn nàn rằng chính phủ của họ ít ngoại giao mềm hơn. Năm ngoái, Trung Quốc cho biết sẽ chi tiền xây trụ sở bộ ngoại giao thông minh mới cho Congo và Kenya. Trước đó, nước này cũng tài trợ để xây dựng nhiều dự án, từ các khu phức hợp quốc hội ở Sierra Leone và Zimbabwe đến các dinh thự tổng thống ở Burundi, Guinea-Bissau và Togo.

Với sự hào phóng như vậy, không có gì ngạc nhiên khi một số chính phủ châu Phi có xu hướng ưu ái các công ty Trung Quốc. Ngược lại, các chính phủ phương Tây thường viện trợ cho những vấn đề mà giới chức các nước châu Phi thường không thích đề cập nhiều, như giáo dục trẻ em gái.

Đáng chú ý nhất là các công ty Trung Quốc nổi tiếng xây dựng nhanh chóng. Nguồn tài chính từ các ngân hàng nước này giải ngân rất nhanh. Cùng với đó, một số dự án ở châu Phi dường như cũng là bản sao của những dự án đã được xây dựng ở Trung Quốc, giúp tiết kiệm thời gian lên kế hoạch. Economist còn cho rằng, một số dự án triển khai rất nhanh có thể còn nhờ bỏ qua khâu đánh giá tác động môi trường.

Do đó, các công ty Trung Quốc thường có thể thực hiện một dự án lớn trong một nhiệm kỳ duy nhất, trao cho các nhà lãnh đạo đương nhiệm cơ hội cắt băng khánh thành dự án ngay trước khi người dân của họ bỏ phiếu cho nhiệm kỳ mới. Các công ty phương Tây hiếm khi nhanh nhẹn như vậy.

Theo một nghiên cứu của Brookings (Mỹ) về các dự án quốc tế do Ngân hàng Thế giới tài trợ, các công ty Trung Quốc thường giành được hợp đồng vì lý do đơn giản là họ có giá cạnh tranh hơn. Các công ty phương Tây đồn thổi rằng một số dự án của Trung Quốc được xây dựng kém chất lượng, kèm rất nhiều câu chuyện về những con đường xuống cấp sau một vài năm.

Nhưng một nghiên cứu khác về các dự án cơ sở hạ tầng do Ngân hàng Thế giới tài trợ, thực hiện bởi Đại học Johns Hopkins, họ không thấy sự khác biệt về chất lượng của các nhà thầu Trung Quốc và các nhà thầu phương Tây. Ngân hàng Thế giới là cơ quan quản lý chặt chẽ việc đấu thầu minh bạch và tiêu chuẩn xây dựng cao. Vì vậy các công ty tham gia có lẽ đã phô diễn hết năng lực tốt nhất có thể.

Và trong nhiều trường hợp, các công ty Trung Quốc thống trị đơn giản vì họ không có đối thủ cạnh tranh khi nhiều công ty phương Tây tránh xa do quá rủi ro. Một trong những ám ảnh là sở hữu đất. Một nhà quản lý phương Tây vẫn nhớ việc từng phát hiện ra rằng tập đoàn bản địa mà ông ta cố gắng đàm phán để mua đất lại không thực sự sở hữu những mảnh đất đó.

Các công ty phương Tây cũng bị khống chế ở khả năng "lót tay" dù quá khứ họ cũng từng làm vậy. Một khảo sát 4.000 công ty của Charles Kenny tại Ngân hàng Thế giới giai đoạn 1999-2000 cho thấy các công ty xây dựng đã chi 1-2% doanh thu cho khoản này. Ông cho biết thêm, vào năm 2005, 40% công ty xây dựng quốc tế nói rằng từng bị mất hợp đồng vì đối thủ cạnh tranh "lót tay".

Ngày nay, luật chống tham nhũng ở Mỹ và Anh đã khắt khe hơn, và được áp dụng mọi nơi. Do đó, các công ty phương Tây khó thực hiện việc này hơn. Một số chấp nhận rủi ro thì đã bị trừng phát khi sự việc vỡ lở. Halliburton, một công ty của Mỹ, đã bị phạt vì hối lộ ở Angola. Ngân hàng Thế giới đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với công ty con của Bouygues (Pháp), vì những bất thường trong hợp đồng.

Người đứng đầu một công ty khai thác mỏ phương Tây phàn nàn rằng ông bị trói tay so với các công ty Trung Quốc. Các công ty này có thể hoạt động mà không cần giấy phép hoặc thậm chí ở những nơi có phiến quân xâm lược như Cộng hòa Trung Phi, họ cũng có thể dễ dàng ngoại giao với các lãnh chúa địa phương.

Phiên An (theo The Economist)

Xem thêm: lmth.0188244-oan-eht-uhn-ihp-uahc-auc-gnat-ah-cuv-hnil-irt-gnoht-couq-gnurt/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Trung Quốc thống trị lĩnh vực hạ tầng của châu Phi như thế nào”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools