Tuần đầu sau nghỉ Tết nguyên đán, nhiều cửa hàng xăng dầu tại TP HCM và các tỉnh khu vực phía Nam treo biển nghỉ bán. Ngoài lý do nguồn cung khan hiếm, việc dừng bán một phần do nhiều doanh nghiệp kêu lỗ khi giá xăng trong nước lỡ kỳ điều chỉnh vào mùng 1 Tết và tăng không theo diễn biến thế giới.
Nhưng đến nay, 8 ngày sau kỳ điều chỉnh tăng giá xăng mới nhất hôm 11/2, khảo sát của VnExpress tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở Hà Nội và TP HCM vẫn cho thấy tình trạng thiếu hàng chưa chấm dứt.
Hai ngày nay, cây xăng tại phường Thạnh Xuân quận 12 (TP HCM) có thời điểm thông báo hết xăng và chỉ mở bán với số lượng có hạn. Nhân viên tại đây cho biết, lượng hàng được phân phối khá nhỏ giọt nên họ đành phải bán cho người tiêu dùng với định mức thấp.
Tương tự, nhiều cửa hàng xăng dầu trên quốc lộ 1A, quận 12 cũng liên tục bị gián đoạn nguồn cung khi các thời điểm trong ngày phải treo biển thông báo hết xăng và chờ xe bồn tiếp nhiên liệu.
Ngoài các cây xăng ở quận 12, một số cây xăng ở Gò Vấp, quận 7, Thủ Đức treo biển "tạm ngưng để nhập hàng" với tần suất nhiều hơn. Thay vì 3-4 ngày nhập một lần, gần đây nhiều cây xăng phải nhập vào bồn liên tục. Nguyên nhân là do lượng xăng được phân bổ mỗi lần giảm so với trước.
Ông Lê Văn Mỵ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thương mại Hóc Môn – đơn vị đang sở hữu 11 cửa hàng và 21 đại lý bán lẻ ở TP HCM cho biết, nguồn cung đang thiếu trầm trọng. Nếu trước đây, một cửa hàng bán lẻ xăng dầu của ông được phân bổ một ngày 5.000-10.000 lít, nay chỉ còn 1.000-2.000 lít, thậm chí có cây chỉ 700 lít.
Tại Hà Nội chưa xảy ra tình trạng treo biển "thiếu xăng" hoặc hạn chế số lượng. Thế nhưng theo ông Tùng, trưởng phòng bán hàng một doanh nghiệp sở hữu hơn 20 cây xăng, thay vì được phân bổ hàng một lần, vài ngày nay lượng được cấp bị chia nhỏ. Các đầu mối cũng chỉ cấp đúng theo số lượng đã ký trên hợp đồng chứ không cho mua vượt số lượng như trước đây.
Chia sẻ với VnExpress, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, dựa trên các báo cáo về kế hoạch nhập, bán hàng của doanh nghiệp gửi về Bộ, ông đánh giá tổng cung toàn thị trường không thiếu. Tuy nhiên, ông thừa nhận tình trạng thiếu hàng cục bộ chưa chấm dứt và đang có sự mất cân đối về lượng cung ứng giữa các doanh nghiệp đầu mối. Ông cũng dự báo nguồn hàng sẽ còn bị đứt đoạn trong thời gian tới.
"Theo kế hoạch, tuần này và tuần tới lượng hàng nhập khẩu của các doanh nghiệp đầu mối về nhiều hơn, bù đắp được phần cung thiếu hụt của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn. Khoảng 10 ngày nữa cung và cầu thực trên thị trường mới cân bằng", ông nói.
Theo vị này, Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã được cấp tài chính ngắn hạn để hoạt động trở lại, nhưng nguyên liệu dầu thô chưa về, nên công suất vẫn loanh quanh 55-60%. Theo kế hoạch, tới 15/3, nhà máy này mới có thể vận hành toàn bộ công suất.
Trong khi đó, hàng nhập khẩu của các doanh nghiệp đầu mối cũng mất 30-45 ngày mới có thể cập bến. Ngoài việc chờ thêm hàng về, ông cho hay, Bộ Công Thương vẫn đang làm việc với các đầu mối, để điều tiết giữa nơi có hàng tới nơi đang thiếu. Nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng đã tăng công suất từ 103% lên 105% từ sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Bộ cũng đề nghị nhà máy này tính toán để sản xuất ở mức công suất tối đa trong phạm vi kỹ thuật cho phép, có thêm hàng cho thị trường.
Đến ngày 17/2, hơn 205.000 m3, tấn xăng, dầu diesel được các đầu mối kinh doanh xăng, dầu nhập khẩu và hàng đã cập cảng. Trong đó, nhiều nhất là Petrolimex với 120.000 m3, tấn (40.000 m3 xăng, 80.000 m3 dầu diesel); Xuyên Việt Oil 40.000 m3, tấn; Dương Đông 19.000 m3, tấn xăng và dầu diesel... Theo kế hoạch đến cuối tháng 2, lượng xăng, dầu nhập khẩu của các đơn vị đầu mối sẽ về nhiều hơn. Chẳng hạn, Petrolimex sẽ có thêm 180.000 m3, tấn xăng, dầu; PVOil 66.000 m3, tấn; Hồng Đức 80.000 m3, tấn; Xuyên Việt 40.000 m3, tấn...
Đại diện Bộ cho rằng cung và cầu sẽ cân bằng trong 10 ngày tới, nhưng các đơn vị phân phối lại dự đoán, mức thiếu hụt sẽ còn nghiêm trọng.
Nguyên nhân được các thương nhân đưa ra là do giá dầu tăng cao, các nhà máy sản xuất dầu vẫn khó có thể hoạt động bình thường khi nguồn dầu thô nhập về chậm và thiếu hụt do khủng hoảng Nga và Ukraine. Tại thị trường trong nước, không chỉ các cửa hàng bán lẻ mà doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu đều lỗ nặng.
Ông Lê Văn Mỵ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thương mại Hóc Môn, cho biết, đang "khô máu" vì một ngày lỗ vài trăm triệu. Trong khi đó, tại các đại lý cấp dưới của công ty, mỗi lít xăng đang lỗ 500 đồng. Ngoài việc họ không được chiết khấu, giá bán xăng, dầu chậm điều chỉnh khiến các đại lý "càng bán càng lỗ", chưa kể chi phí vận chuyển, nhân công.
Tương tự, ông Tùng ở Hà Nội cho biết, sau kỳ điều hành tăng giá ngày 11/2 vừa qua, dù giá bán lẻ tăng gần 1.000 đồng mỗi lít, công ty vẫn không có lãi.
"Mức hoa hồng về 0, trừ chi phí vận chuyển 300 đồng mỗi lít từ kho của đầu mối về cửa hàng, rồi chi phí bán hàng, lãi vay..., chúng tôi rất khó khăn", ông Tùng nói.
Thi Hà - Hoài Thu