Tin tức tình hình Covid-19 hôm nay: Có 42.427 ca mắc Covid-19 trên cả nước. Theo thông báo của Bộ Y tế, từ 16 giờ ngày hôm qua 17.2 đến 16 giờ hôm nay, cả nước ghi nhận 42.439 ca nhiễm mới, trong đó 12 ca nhập cảnh và 42.427 ca trong nước (tăng 6.237 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành. Các tỉnh, thành ghi nhận trên 1.000 ca bệnh: Hà Nội 4.549 ca, Vĩnh Phúc 2.158 ca, Quảng Ninh 2.018 ca, Phú Thọ 1.789 ca, Nam Định 1.678 ca, Thái Nguyên 1.652 ca, Hòa Bình 1.567 ca, Bắc Ninh 1.556 ca, Ninh Bình 1.540 ca, Hải Phòng 1.504 ca, Bắc Giang 1.443 ca, Nghệ An 1.339 ca, Lào Cai 1.310 ca, Hải Dương 1.302 ca, Lạng Sơn 1.175 ca, Bình Định 1.109 ca.
|
Hà Nội hoãn việc cho trẻ lớp 1 - 6 nội thành đi học lại |
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Thái Nguyên giảm 826 ca, Quảng Ninh giảm 459 ca, Bắc Kạn giảm 129 ca. Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Ninh Bình tăng 1.540 ca, Vĩnh Phúc tăng 796 ca, Lạng Sơn tăng 750 ca. Hôm nay có 6.215 ca khỏi bệnh. Trong 24 giờ qua ghi nhận 80 ca tử vong tại các tỉnh thành. Trong đó, TP.HCM ghi nhận 5 ca (3 ca chuyển đến từ Phú Yên, Đồng Tháp và Kiên Giang); Hà Nội 12 ca; Đà Nẵng 8 ca; Kiên Giang 7 ca trong 2 ngày; Quảng Ngãi 5 ca…
Tiêm vắc xin Covid-19 ở TP.HCM ngọc dương |
Chỉ đạo mới nhất của UBND TP.HCM khi có trường hợp nghi nhiễm Covid-19 tại các trường. Ngày 18.2, UBND TP.HCM đã thông báo kết luận chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức về việc trang bị sinh phẩm xét nghiệm nhanh và kịch bản ứng phó nếu có trường hợp nghi nhiễm Covid-19 tại các trường. Theo đó, sau khi nghe báo cáo về việc trang bị bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh cho cơ sở giáo dục khi tổ chức dạy học trực tiếp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức kết luận và chỉ đạo Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Y tế xây dựng kịch bản ứng phó khi có trường hợp nghi nhiễm Covid-19 tại các trường.
Trong đó, Sở GD-ĐT phân công, phân nhiệm vụ cụ thể, chọn một số cơ sở giáo dục để tổ chức diễn tập, ghi hình và tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, cổng thông tin điện tử của Sở GD-ĐT để các đơn vị tham khảo và áp dụng theo hướng dẫn. Căn cứ vào nhu cầu của Sở GD-ĐT, Sở Y tế có kế hoạch chuẩn bị và phân bổ các bộ test nhanh Covid-19. Sở GD-ĐT có trách nhiệm quản lý, phân bổ cho các cơ sở giáo dục công lập để thực hiện xét nghiệm tầm soát ca nghi nhiễm khi dạy học trực tiếp và giám sát sử dụng đúng mục đích…
|
Trẻ mắc Covid-19 tại Hà Nội sẽ điều trị ở viện nào? |
Hà Nội hoãn việc cho trẻ lớp 1 - 6 nội thành đi học lại. UBND TP.Hà Nội vừa có văn bản hỏa tốc đồng ý với tờ trình của Sở GD-ĐT Hà Nội về việc dừng cho trẻ lớp 1 đến lớp 6 thuộc 12 quận nội thành đi học lại từ 21.2. Theo đó, UBND TP.Hà Nội đồng ý với đề xuất của Sở GD-ĐT về việc điều chỉnh thời gian đến trường học trực tiếp của học sinh các khối từ lớp 1 đến lớp 6 thuộc 12 quận nội thành cho đến khi có thông báo mới. Đồng thời, giao Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, UBND các quận tiếp tục nghiên cứu, đề xuất thời gian đến trường phù hợp.
Trước đó, theo tờ trình nêu trên, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, thời gian gần đây tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố tiếp tục phức tạp, số ca lây nhiễm trong cộng đồng có xu hướng tăng. Để bảo đảm an toàn và sức khoẻ cho học sinh, Sở GD-DT đề nghị UBND thành phố cho phép tạm dừng phương án cho học sinh lớp 1 đến lớp 6 nội thành trở lại trường trực tiếp cho đến khi có thông báo mới.
Học sinh các cấp ở Bình Phước đi học trực tiếp từ ngày 21.2. Ngày 18.2, UBND tỉnh Bình Phước đã có văn bản về việc tiếp tục dạy và học trực tiếp. Theo đó, tỉnh này thống nhất triển khai tổ chức dạy và học trực tiếp tại tất cả các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên trên địa bàn (thuộc địa phương cấp độ 1 và cấp độ 2 của dịch bệnh Covid-19) từ ngày 21.2.
Trong đó, dạy học trực tiếp cho trẻ mầm non và học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 tại các cơ sở giáo dục thuộc địa phương cấp độ 1 và 2 của dịch bệnh Covid-19. Riêng đối với học sinh khối lớp 9 và lớp 12 tại các cơ sở giáo dục thuộc địa bàn cấp độ 3 sẽ thực hiện việc dạy và học trực tuyến kết hợp với dạy và học trực tiếp.
Kon Tum tiếp tục trả lại tiền chênh lệch cho người dân xét nghiệm nhanh Covid-19. Ngày 18.2, Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục hoàn trả chi phí chênh lệch giá dịch vụ xét nghiệm nhanh Covid-19 từ ngày 1.7 đến ngày 9.11.2021. Theo đó, trong thời gian trên, các đơn vị trực thuộc Sở Y tế Kon Tum đã thu phí xét nghiệm Covid-19 cao hơn so với mức giá mua kit xét nghiệm theo kết quả đấu thầu. Cụ thể, Kon Tum mua 16 loại kit test với giá dao động từ 72.000 - 198.000 đồng/test nhưng các đơn vị thực hiện xét nghiệm thu 238.000 đồng/ lần test. Tổng số tiền chênh lệch là hơn 5,6 tỉ đồng. Trong đó, Trung tâm y tế TP.Kon Tum thu chênh lệch nhiều nhất, với trên 3,6 tỉ đồng, Trung tâm y tế H.Đăk Glei thu chênh lệch trên 1,2 tỉ đồng...
Vào giữa tháng 1.2022, Sở Y tế Kon Tum đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc rà soát, hoàn trả tiền đã thu từ người dân làm xét nghiệm. Tuy nhiên, tính đến ngày 14.1, các đơn vị chỉ trả lại cho những người sử dụng dịch vụ với số tiền trên 100 triệu đồng. Đến ngày 15.2, UBND tỉnh Kon Tum đã yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục hoàn trả tiền chênh lệch cho các trường hợp sử dụng dịch vụ xét nghiệm nhanh Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Thời gian hoàn trả từ ngày 17.2 đến ngày 17.5.2022.
Số ca nhiễm quá đông, không báo y tế phường, nhiều F0 Hà Nội tự điều trị. Nhiều F0 tại Hà Nội khi tự test nhiều lần dương tính liên hệ với y tế phường, xã nhưng sau 2 ngày chỉ nhận được tin nhắn hướng dẫn khai báo. Theo thống kê, đến 15.2, số bệnh nhân Covid-19 đang điều trị của Hà Nội là 96.000 người, trong đó, theo dõi, điều trị tại nhà gần 92.000 bệnh nhân. So với thời điểm tháng 11.2021 khi thành phố bắt đầu cho phép tự điều trị F0 tại nhà, số bệnh nhân tự điều trị tại nhà đã tăng lên gấp cả trăm lần.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Trương Kỳ Phong, Giám đốc Trung tâm y tế Q.Hà Đông (Hà Nội), cho biết hiện nhân lực các trạm y tế phường dù đã được bổ sung thêm nguồn từ y tế tư nhân, song do số ca tăng nhiều lần so với trước đây nên các trạm y tế cũng quá tải nhiều hơn. Hiện lực lượng dựa chủ yếu vào công tác của các tổ y tế cộng đồng và Đoàn Thanh niên tại các phường. Hiện Hà Nội đã khai báo và quản lý F0 tự điều trị trên phần mềm. Khi test dương tính, người bệnh liên hệ với y tế phường để được cập nhật danh sách vào phần mềm theo dõi F0, sau đó sẽ được tư vấn dùng thuốc theo triệu chứng.
|
Chỉ đạo mới nhất của UBND TP.HCM khi có trường hợp nghi nhiễm Covid-19 tại các trường |
Bạc Liêu thanh tra việc mua trang thiết bị y tế với giá chênh lệch cao bất thường. Ngày 18.2, trả lời PV Thanh Niên xung quanh nội dung bài viết “Bạc Liêu mua trang thiết bị y tế phòng Covid-19 có giá chênh lệch cao bất thường”, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh khẩn trương thanh tra, làm rõ. Theo ông Phạm Văn Thiều, UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ chi “một cục tiền” cho Sở Y tế mua sắm trang thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Còn Sở Y tế phân cho ai, làm gì thì UBND tỉnh không tham gia, từ Chủ tịch và các phó chủ tịch UBND tỉnh.
Như Thanh Niên đã thông tin, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu vừa ký báo cáo gửi Thường trực Tỉnh ủy về kinh phí mua trang thiết bị, vật tư y tế, hóa chất sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và hoạt động thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh năm 2021. Theo báo cáo, nhu cầu kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho Sở Y tế thực hiện với tổng số tiền hơn 530 tỉ đồng. Đã bố trí nguồn kinh phí thực hiện hơn 231 tỉ đồng, số kinh phí còn lại chưa có nguồn bố trí hơn 299 tỉ đồng. Theo báo cáo của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu kèm danh mục mà Sở Y tế mua trang thiết bị y tế cho các cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 tuyến huyện hơn 60 tỉ đồng, trong đó có nhiều danh mục có giá chênh lệch cao bất thường.
1 triệu liều vắc xin, chỉ 5 trẻ phải điều trị tại cơ sở y tế. Thông tin trên được PGS - TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho biết tại cuộc tọa đàm "Tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em - Những lưu ý quan trọng", do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều nay 18.2. Bà Hồng cho hay, phản ứng thông thường của trẻ em Việt Nam nhẹ nhàng hơn so với số liệu đã từng ghi nhận trên thế giới.
Theo đó, có những nơi, đến 50% hay 80% các cháu có biểu hiện đau và mệt mỏi. “Nhưng ở Việt Nam, con số trung bình ghi nhận trên toàn quốc theo hệ thống báo cáo của chương trình tiêm chủng mở rộng thu nhận từ các điểm tiêm chủng thì chúng ta chỉ có xấp xỉ gần 10% là phản ứng thông thường. Còn phản ứng nặng chúng ta cũng có ghi nhận, đó là những phản ứng phản vệ độ 2 và các cháu đã được xử trí kịp thời và qua khỏi”, bà Hồng nói. Số liệu thống kê đến nay cho biết, trong số 17 triệu mũi tiêm đã triển khai, cơ quan y tế ghi nhận có 5 trường hợp trên 1 triệu liều vắc xin sử dụng có phản ứng nặng, tức là các cháu phải quay trở lại cơ sở y tế để điều trị.
Hải Phòng nhận 400.000 viên thuốc Molnupiravir cho bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà. Ngày 18.2, thông tin từ Sở Y tế TP.Hải Phòng cho biết, Bộ Y tế đã phân bổ 10.000 liều (tương đương 400.000 viên) Molnupiravir (thuốc kháng vi rút) để TP.Hải Phòng điều trị cho khoảng 10.000 người bệnh mắc Covid-19 thể nhẹ, đang điều trị tại nhà. Số thuốc này đã được Sở Y tế cấp tới các trạm y tế lưu động và sẽ điều trị miễn phí các trường hợp F0 theo Chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát của Bộ Y tế.
Trước đó, TP.Hải Phòng được Bộ Y tế phân bổ 20.000 viên Molnupiravir để điều trị F0 có kiểm soát và 30.000 liều Remdesivir để tiêm đối với người bệnh điều trị ở bệnh viện tầng 2. Theo Sở Y tế TP.Hải Phòng, các kết quả điều trị thử nghiệm trên địa bàn thành phố cho thấy thuốc Molnupiravir có tính an toàn cao, dung nạp tốt, hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng vi rút, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị của người bệnh. Thuốc Remdesivir cũng cho kết quả điều trị tích cực, giảm tình trạng người bệnh phải chuyển lên bệnh viện tầng 3, giảm tỷ lệ người bệnh chuyển nặng hoặc tử vong.
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, Công đoàn xem xét dừng hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Đây là một trong những nội dung được thảo luận và cho ý kiến tại Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam diễn ra hôm nay 18.2. Theo ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, sau hơn 2 tháng thực hiện Quyết định 3749 về việc chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, đã có những hiệu quả nhất định, vừa đảm bảo chi hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động, vừa khắc phục hạn chế của các quy định trước đó. Thực tế phòng chống dịch đã chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, hạn chế phong tỏa diện rộng, giảm việc dừng việc, nghỉ việc, cách ly y tế do Covid-19. “Việc chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động cũng cần phải thích ứng, thay đổi cho phù hợp. Do đó Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng phải xem xét, rà soát lại các chính sách của mình”, ông Khang thông tin. Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chỉ đạo nghiên cứu tình hình thực tế, tổ chức tọa đàm với 83 công đoàn ngành, địa phương. Qua ý kiến của 60/83 đơn vị tham gia tọa đàm, đa số ý kiến đều thống nhất ban hành quyết định dừng triển khai thực hiện Quyết định 3749.