“Đập cánh” giữa vùng 1.500 điểm và “chấp chới”
Gần trọn 3 tháng qua, VN-Index được ví là “đập cánh giữa vùng 1.500 điểm” và trong nhiều phiên, nhiều lần (hơn chục lần nếu tính cả diễn biến trong từng phiên và diễn biến giữa các phiên với nhau) chỉ số cho thấy sự “chấp chới”.
Minh chứng rõ ràng nhất trong 2 tuần giao dịch sau Tết Nhâm Dần (từ phiên giao dịch ngày 7-18.2) cho thấy, trong 10 phiên chỉ số mở đầu ở mức 1.497,66 điểm và cuối cùng khép lại ở mức 1.504,84 điểm, biên độ dao động chỉ hơn 7 điểm.
Nếu tính bình quân, mỗi phiên dao động tăng khoảng 0,7 điểm. Nhưng quan trọng hơn là qua đó cho thấy, VN-Index vẫn đang mắc kẹt, đang vẫy vùng giữa vùng 1.500 điểm. Thậm chí, đây có thể xem như “bãi lầy” níu chân chỉ số khiến VN-Index không thể vượt thoát được một cách mạnh mẽ để đi lên.
Bởi có phiên, chỉ số diễn biến tăng đã vượt qua mốc 1.512 điểm, nhưng về cuối phiên cũng bị kéo tụt trở lại vùng 1.500 điểm.
Có lẽ chưa bao giờ VN-Index phải “đập cánh” nhiều lần trong một vùng kháng cự mạnh như tại 1.500 điểm, và trạng thái hầu hết là “chấp chới”.
Cùng với đó, thanh khoản trong 10 phiên vừa qua quá yếu. Cái yếu thể hiện dòng tiền còn “ngái ngủ”, tâm lý nhà đầu tư trong tư thế phòng thủ qua Rằm tháng Giêng hoặc thậm chí cho hết “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Trung bình 10 phiên vừa qua thanh khoản trên sàn HoSE đạt khoảng trên 21.000 tỉ đồng.
Thách thức dòng tiền
Thường thì người ta nói rằng dòng tiền (thể hiện qua thanh khoản mỗi phiên giao dịch) thách thức VN-Index và thách thức thị trường.
Nhưng với 10 phiên đề cập ở trên, và với trạng thái thanh khoản và trạng thái dòng tiền đã và đang thể hiện, có thể nói là ngược lại: Thị trường, VN-Index đang thách thức dòng tiền.
VN-Index cứ diễn biến xuống - lên, tăng - giảm đan xen. Ngay cả những phiên chỉ số VN-Index tăng điểm mạnh thì thanh khoản cũng rất thấp, cho thấy thị trường dường như đang chờ dòng tiền, dò soi xem động tĩnh của dòng tiền, và thách thức dòng tiền bật tăng mạnh được tới đâu để có thể tạo được lực kéo chỉ số VN-Index.
Bởi nếu dòng tiền không mạnh, bởi nếu một bộ phận lớn nhà đầu tư không đủ vững tâm lý điều hướng dòng tiền tạo ra bứt phá của VN-Index, thì cũng chẳng khác nào nhà đầu tư (đặc biệt là những nhà đầu tư lớn) tự làm khó mình.
Trong khi những cổ phiếu có cơ bản tốt, vốn hóa lớn có kết quả kinh doanh tương đổi khả quan như nhóm VN30 chẳng hạn, cứ như vừa khởi hành chạy được một quãng ngắn thì đứt hơi buộc phải dừng lại, và trở thành tụt lùi so với các nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ.
Các dự báo lạc quan về nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, bluechips đã không diễn ra đúng như kỳ vọng. Trong khi đó, thị trường thỉnh thoảng vẫn có những con sóng bùng lên của nhóm cổ phiếu thị trường, thậm chí vốn dĩ đã tăng khá mạnh và nóng, lại là phân khúc các nhà đầu tư giá trị thường ngại ngần.
Song thị trường chứng khoán là vậy, có những diễn biến không thuận theo lôgic hay định lý, thậm chí có những sự tăng điểm như là phi lý nhưng vẫn cứ tăng hết phiên này tới phiên khác.