Mới đây, trên một nhóm trên mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh ba cô gái chui vào trong chuông chùa. Sau đó, một người mặc áo nâu ở bên ngoài, dùng dùi gõ vào chuông. Chuông chùa vang lên, ba cô gái vẫn ngồi yên bên trong chiếc chuông.
Ba cô gái chui vào chuông chùa để cầu bình an, giải nghiệp... Ảnh cắt từ clip
Theo bình luận của các tài khoản trên mạng xã hội, sở dĩ, ba cô gái chui vào chuông là để cầu bình an, giải nghiệp… Phần nhiều các bình luận đều phản đối cách cầu an này của ba cô gái. Họ cho rằng hành vi chui vào chuông chùa sẽ ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của không gian nhà chùa.
Ngoài hành vi chui vào chuông chùa, nhiều người đến chùa còn bẻ cành lá, nhét tiền vào tay tượng Phật… để cầu tài lộc trong năm mới.
Mùa lễ hội đầu năm vẫn đang diễn ra trên mọi miền đất nước, nhiều người tham dự các hoạt động lễ hội, viếng chùa...cần có hành xử đúng mực.
Trao đổi với PLO, sư cô Thích nữ Nhuận Bình, Phó Thư ký Ban văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM, chia sẻ: “Việc gióng chuông hoặc muốn gióng đại hồng chung đều phải có dịp, đúng giờ giấc. Trước khi đánh chuông hoặc đại hồng chung, nhà chùa đều phải thắp hương, xá đức Phật, xá cái chuông rồi mới cầm dùi lên, gióng và đọc kinh. Chuông chùa không phải món đồ chơi mà mình có thể tự tiện cầm dùi lên mà đánh. Đại hồng chung cũng như chuông gia trì là pháp khí trong nhà Phật đều phải được trân trọng, cung kính. Một tiếng chuông gióng lên có ý nghĩa thức tỉnh cho bao nhiêu người quay về với chính mình”.
Theo sư cô Nhuận Bình, khi mọi người đứng xếp hàng lễ Phật, các sư thầy, sư cô trong chùa sẽ đánh chuông và xướng lễ để quý Phật tử lễ, lạy. Mọi người cứ nghĩ đánh chuông là để cầu may mắn, bình an. Thực ra may mắn, bình an không có trong cái chuông đó. May mắn, bình an, hạnh phúc hay không là do chuỗi hành động của chính chúng ta tạo ra.
Sư cô Thích Nữ Nhuận Bình, Phó Thư ký Ban văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM. Ảnh: NVCC
“Ngoài ra, việc bỏ tiền vào tay tượng Phật cũng không đúng, làm mất đi tính trang nghiêm, thanh tịnh ở chùa. Hành động nhét tiền như vậy dễ lây truyền bệnh cho người khác. Chùa nào cũng có thùng công đức để mọi người bỏ tiền vào. Thế nên, mọi người hãy bỏ tiền vào đúng nơi đúng chỗ chứ không nên nhét lung tung” – sư cô Nhuận Bình cho biết.
Về hành vi bẻ cành lá để cầu tài lộc, sư cô Nhuận Bình nhận định trong nhà Phật không cổ xúy cho hành động đó. Nhà Phật luôn chú trọng việc yêu thiên nhiên, tôn trọng cây cỏ hoa lá. Việc bẻ cành, hái hoa, bẻ lộc đem về nhà không mang một ý nghĩa gì cả, chỉ làm tổn hại cây lá. Nếu mình để cành cây, bông hoa đó ngoài tự nhiên sẽ tạo cảnh quan đẹp mắt, ấm cúng.
“Hành động của chúng ta sẽ trực tiếp làm cho chúng ta vui hay buồn. Khi tâm khởi lên niệm bình an, thể hiện ra bên ngoài bằng cách làm những việc thiện, giúp đỡ người khác. Khi gieo hạt giống lành vào cuộc đời thì tự nhiên mỗi người sẽ có phước báu. Khi có phước báu, chúng ta làm gì cũng thuận duyên, chứ không phải hái hoa, bẻ cành hay đi vào chùa gióng chuông…” – sư cô Nhuận Bình lý giải.