vĐồng tin tức tài chính 365

Thêm 1 mảnh ghép hoàn thiện giao thông kết nối ĐBSCL

2022-02-19 12:01

Ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT, vừa dẫn đầu đoàn công tác của bộ có chuyến kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện các công trình giao thông trọng điểm ở ĐBSCL.

Đảm bảo chất lượng, không để chậm tiến độ

Sau khi kiểm tra thực tế và nghe báo cáo của các địa phương, chủ đầu tư (CĐT), Thứ trưởng Bộ GTVT đã lưu ý nhiều vấn đề. Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ, Thứ trưởng nhấn mạnh: “Chất lượng công trình vẫn là yếu tố hàng đầu”.

Thêm 1 mảnh ghép hoàn thiện giao thông kết nối ĐBSCL - ảnh 1
Đoàn công tác Bộ GTVT kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Ảnh: CHÂU ANH

Tại dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1A đoạn qua hai tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng, CĐT là Ban quản lý dự án 7 cho hay khó khăn hiện nay là mặt bằng để thi công. Đến nay, tỉnh Hậu Giang dự kiến sẽ bàn giao 70% diện tích mặt bằng trong quý I-2022 và sẽ bàn giao phần còn lại trong quý II. Trong khi đó, phía tỉnh Sóc Trăng chỉ mới dự kiến chi trả tiền bồi thường cho 187 hộ dân và sẽ bàn giao khoảng 1,8 km cuối tuyến tại thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành. Tiếp đó, tỉnh này sẽ chi trả tiếp cho các hộ dân còn lại và bàn giao mặt bằng trong đầu quý II.

Dự án đã khởi công gần hai tháng nhưng chưa thi công được kilomet nào, Thứ trưởng nhận định có nguy cơ chậm tiến độ.

“Chúng ta đưa ra mốc thời gian nhưng vấn đề là triển khai như thế nào để khả thi và hiệu quả. Bây giờ hồ sơ đã đến đâu; 200 hộ đã nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng đã bàn giao chưa; người dân cũng cần thời gian di dời, rồi khu tái định cư đã làm chưa, bao giờ xong…?” - Thứ trưởng chỉ ra nhiều vấn đề tồn tại.

Ông Lâm yêu cầu CĐT nên có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh và Trung tâm Phát triển quỹ đất của hai địa phương để rà soát hồ sơ đã thực hiện đến đâu. Từ đó cùng nhau giải quyết để đẩy nhanh tiến độ.

Kiểm tra tại dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (đại diện CĐT) thông tin hai địa phương Vĩnh Long và Đồng Tháp đã bàn giao khoảng 97% diện tích đất cần thu hồi cho dự án. Hiện khối lượng thi công đạt hơn 34%. Vấn đề khó khăn hiện nay là thiếu khoảng 1 triệu m3 vật liệu cát đắp nền đường.

“Nhà thầu cần huy động tối đa nhân lực, vật lực, trang thiết bị, mặt bằng bàn giao đến đâu thi công đến đó. Tinh thần là chỗ nào làm được thì phải tổ chức làm ngay, thi công nhiều mũi” - Thứ trưởng nhấn mạnh.

Trong chuyến công tác lần này, Thứ trưởng Lâm cũng đã khảo sát năm nút giao thông trọng điểm thuộc dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Đồng thời làm việc với lãnh đạo TP Cần Thơ, các tỉnh Hậu Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang và các đơn vị thực hiện.

Sau khi nghe báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án, Thứ trưởng cơ bản thống nhất với góp ý, đề nghị của các địa phương. Từ đó, ông giao cho đơn vị tư vấn và CĐT giai đoạn chuẩn bị dự án là Ban quản lý dự án Mỹ Thuận xem xét, bổ sung sao cho phù hợp. Riêng các nội dung liên quan đến giải phóng mặt bằng, lập hồ sơ, đánh giá tác động môi trường, Thứ trưởng yêu cầu các địa phương phối hợp với bộ sớm hoàn thiện hồ sơ pháp lý.

Các dự án kết nối vùng kinh tế trọng điểm

Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1 được khởi công vào đầu tháng 1-2021, thời gian dự kiến hoàn thành trong hai năm. Dự án có chiều dài khoảng 23 km, đi qua hai tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Long, tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỉ đồng theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau có tổng chiều dài tuyến hơn 125 km. Theo nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư, hướng tuyến của dự án bắt đầu tại điểm cuối dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ, đi trùng với quốc lộ 1 khoảng 0,7 km, tránh khu vực quy hoạch của thị xã Bình Minh rồi rẽ phải vào vị trí cầu Cần Thơ 2. Tại đây, tuyến đi song song về bên trái cầu vượt sông Hậu của tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ (theo quy hoạch). Sau khi vượt sông, tuyến đi theo hướng các trục đường 3C, 1A (quy hoạch) đến vị trí ga Cái Răng (TP Cần Thơ) rồi tiếp tục đi theo hướng đông nam đến vị trí giao với cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Sau đó đi thẳng, song song về bên phải tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp vào địa phận hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau, kết thúc tại điểm giao với đường vành đai 3 TP Cà Mau (quy hoạch).

Như vậy, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau không chỉ là một trong các tuyến trục dọc trong khu vực ĐBSCL, mà còn là tuyến kết nối hai cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu. Dự án sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông khu vực, giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông. Dự án kết nối với tuyến cao tốc TP.HCM - Cần Thơ sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM - trung tâm kinh tế lớn của cả nước về tỉnh Cà Mau - địa phương cuối trời cực Nam của Tổ quốc. Đây sẽ là tiền đề góp phần để các tỉnh ĐBSCL cất cánh cao hơn, xa hơn trong thời gian tới.•

Không nên quá tập trung cho dự án cao tốc mà xem nhẹ đi dự án mở rộng quốc lộ 1A, mỗi dự án đều có vai trò của nó.

Thứ trưởng Bộ GTVT NGUYỄN DUY LÂM

Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đề nghị Bộ GTVT xem xét điều chỉnh hướng tuyến tránh Khu nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh đang được đầu tư, xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng quy mô. Cạnh đó, Hậu Giang cũng kiến nghị Bộ GTVT xem xét cho tỉnh kết nối các dự án đường tỉnh với tuyến cao tốc và bổ sung nút giao của dự án với đường tỉnh 931 để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Xem thêm: lmth.9114401-lcsbd-ion-tek-gnoht-oaig-neiht-naoh-pehg-hnam-1-meht/iht-od/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Thêm 1 mảnh ghép hoàn thiện giao thông kết nối ĐBSCL”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools