Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hữu Quảng, Giám đốc Công ty sản xuất vật liệu xây dựng tại Thanh Hóa cho biết, năm 2022, hoạt động kinh tế có dấu hiệu sôi động trở lại, công ty có kế hoạch tăng công suất dây chuyền sản xuất. Tuy nhiên, khác với trước khi có dịch COVID-19, công ty của ông Quảng mở rộng quy mô theo năng lực tài chính hiện có, không tìm cửa vay ngân hàng như trước kia.
Một hợp tác xã không thể mở rộng diện tích trồng, chế biến chè vì thiếu vốn
“DN nhỏ và vừa như chúng tôi tiếp cận vốn vay ngân hàng theo lãi suất thương mại khoảng 9-10%/năm. Tuy nhiên, sản xuất kinh doanh vẫn phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh nên chúng tôi mở rộng từng bước. Nếu vay vốn lãi suất cao, lợi nhuận sẽ không đủ bù chi phí”, ông Quảng cho biết.
Cùng là DN quy mô nhỏ và vừa, ông Lê Đức Thắng, giám đốc một công ty chuyên sản xuất container cung cấp cho DN trong nước chia sẻ, năm 2022, công ty cố gắng giữ ổn định sản xuất, chưa tính đến phương án mở rộng quy mô. Theo ông Thắng, muốn tiếp cận vốn vay ngân hàng, tài sản đảm bảo là lí do các DN nhỏ và vừa khó đáp ứng. Dịch bệnh còn phức tạp, chúng tôi chưa dám ồ ạt vay vốn để mở rộng quy mô”, ông Thắng chia sẻ.
DN sản xuất hàng xuất khẩu đang “khát vốn” để phục hồi trở lại. Theo ông Mạc Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội, năm 2022, nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh của DN xuất khẩu tăng cao, nhằm đáp ứng đơn hàng mới.
“Thị trường các nước mở cửa từ giữa năm 2021, nên số lượng đơn hàng của DN Việt Nam đã dồi dào hơn. Để đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu, các hoạt động vay tín dụng của DN tăng nhằm có dòng tiền mua nguyên liệu đầu vào, chi phí vận hành, chi phí xuất khẩu. Nhu cầu tín dụng của DN xuất khẩu tăng 20-40%”, ông Mạc Quốc Anh cho biết.
“Thời gian tới, cơ quan chức năng nên tiếp tục hỗ trợ làng nghề, hộ kinh doanh cá thể, DN tiếp cận nguồn vốn nhiều ưu đãi. DN nhỏ và vừa mong muốn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi hơn, nhiều DN vẫn vay lãi suất 10-11%”, ông Mạc Quốc Anh nói.
Bà Đặng Thị Ngân, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã chè Thắng Lợi (Thái Nguyên) chia sẻ, là hợp tác xã nhỏ nhưng mỗi tháng, DN tiêu thụ lớn nhất lên đến 50 tấn chè vào dịp lễ Tết còn trung bình khoảng 10- 20 tấn chè/tháng. Tuy vậy, hợp tác xã vẫn chưa tiếp cận được vốn vay ưu đãi, do vướng về tài sản đảm bảo.
Với DN du lịch, nhu cầu vay vốn để khôi phục thị trường du lịch quốc tế thời điểm này rất lớn. Một lãnh đạo công ty lữ hành tua châu Âu chia sẻ: “Chúng tôi đã thông báo đến khách hàng nhận đặt tua đi châu Âu từ 25/2. Đây là thế mạnh của DN đã bị đóng cửa quá lâu. Đối với DN, đây được xem là yếu tố quan trọng để phục hồi du lịch cả Inbound (đón khách quốc tế vào Việt Nam) và Outbound (đưa khách Việt ra nước ngoài). Để khôi phục lại thị trường này, DN cần vay vốn ưu đãi để quảng bá cũng như xúc tiến lại chương trình quảng bá thời gian tới”.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, tính đến ngày 28/1/2022, dư nợ tín dụng tăng khoảng 2,74% so cuối năm trước. Dòng vốn khai thông cho thấy khả năng phục hồi của DN sau dịch khá tích cực.
Hiện tại, nhiều ngân hàng đang triển khai các gói vay ưu đãi cho DN, tuy nhiên nguồn lực có hạn, các tổ chức tín dụng phải tiết giảm tối đa các loại chi phí, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, chỉ tiêu lợi nhuận để tập trung giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới.
Theo Nhóm PV KT-XH
Tiền Phong
Xem thêm: nhc.66691719191202202-nov-ueiht-iv-iugn-magn/nv.zibefac