Tranh chấp kéo dài
Trong quá trình ly hôn kéo dài 8 năm, gần bằng cả cuộc hôn nhân, cặp vợ chồng giàu có ở San Francisco làm mọi cách để giành phần có lợi về mình. Họ tranh chấp từ tiền chu cấp nuôi con, đến lợi nhuận từ công ty phần mềm của người chồng và số phận của ngôi nhà trị giá 3,6 triệu USD của họ.
Tuy nhiên, cuộc chiến tại tòa gay gắt nhất giữa ông Francis deSouza và người vợ cũ Erica là liên quan đến khoản lỗ Bitcoin trị giá hàng triệu USD. Ông deSouza là giám đốc điều hành của công ty công nghệ sinh học Illumina, ông đã mua hơn 1.000 Bitcoin trước khi ly thân với vợ vào năm 2013. Nhưng sau đó, khoản đầu tư đó đã mất gần một nửa số tiền khi sàn giao dịch tiền điện tử nổi tiếng, Mt Gox, sụp đổ.
Sau ba năm tranh tụng, vào năm 2020, một tòa án phúc thẩm ở San Francisco phán quyết rằng ông chồng không tiết lộ đúng một số yếu tố trong các khoản đầu tư tiền điện tử của mình, trong khi giá trị vốn đã rất bấp bênh. Tòa án yêu cầu ông phải đưa cho bà deSouza số Bitcoin còn lại trị giá hơn 6 triệu USD của mình.
Trong giới luật pháp, trường hợp của ông bà deSouzas có lẽ được biết đến như vụ ly hôn Bitcoin lớn đầu tiên trong lịch sử. Những tranh chấp trong hôn nhân như vậy ngày càng phổ biến khi tiền điện tử được chấp nhận rộng rãi hơn. Theo đó, việc phân chia tài sản gia đình đã trở thành một yếu tố gây tranh cãi lớn, vợ chồng cáo buộc nhau lừa dối trong các khoản giao dịch và quản lý tài chính yếu kém.
Cố tình giấu giếm
Một cuộc ly hôn được cho là tồi tệ khi hai đương sự tranh cãi về hầu hết mọi thứ. Hơn thế, những khó khăn trong việc theo dõi và định giá tiền điện tử, một tài sản kỹ thuật số được giao dịch trên hệ thống mạng phi tập trung, lại càng khiến mọi người đau đầu. Trong nhiều trường hợp, các luật sư ly hôn cho biết, nếu vợ/chồng cố tình khai báo số tài sản ít hơn thực tế hoặc giấu tiền trong ví điện tử thì khó có thể tra ra được.
Bà Jacqueline Newman, một luật sư ly hôn ở New York thường làm việc với những khách hàng giàu có, cho biết: "Từ giấu tiền dưới đệm, sau đó là tài khoản ngân hàng ở Caymans. Bây giờ, họ nâng cấp lên giấu tài sản bằng tiền điện tử".
Thực tế, nhiều người đang sở hữu hàng triệu USD tiền điện tử nhưng lại giấu vợ/chồng mình để khi ly hôn chúng sẽ không bị chia như tài sản thông thường. Sandra Radna, một luật sư chuyên giải quyết vấn đề ly hôn ở Long Island, New York, chia sẻ: "Một khách hàng của tôi có chồng sở hữu hơn 1 triệu USD trong tài khoản. Nhưng anh ta nói rằng mình chỉ có khoản hưu trí 200.000 USD. Người vợ dù biết chồng mình có khối tài sản lớn hơn thế, nhưng không biết ông cất ở đâu".
Ngoài ra, sự phát triển của tiền điện tử đã cung cấp một phương tiện trao đổi hữu ích cho bọn tội phạm, tạo ra những mánh khóe lừa đảo mới. Nhưng tài sản kỹ thuật số không phải là không thể theo dõi được. Các giao dịch được ghi lại trên sổ cái công khai được gọi là blockchain, cho phép các nhà phân tích hiểu biết theo dõi dòng tiền.
Một số luật sư ly hôn đã phải dựa vào khoa học pháp y (ứng dụng khoa học vào luật hình sự và dân sự), những người làm trong ngành này được trả lương hàng chục nghìn USD để theo dõi động tĩnh của các loại tiền điện tử như Bitcoin và Ether từ các sàn giao dịch trực tuyến sang ví kỹ thuật số.
Ông Paul Sibenik, một nhà phân tích khoa học pháp y cho biết, công ty điều tra CipherBlade đã nghiên cứu khoảng 100 vụ ly hôn liên quan đến tiền điện tử trong vài năm qua. Trong một số vụ, ông đã lần ra được hơn 10 triệu USD tiền điện tử mà một người chồng đã giấu vợ.
Cái giá phải trả
Tòa phát hiện ra rằng ông deSouza, 51 tuổi, đã vi phạm các quy tắc của thủ tục ly hôn khi không thông báo cho vợ cũ đầy đủ các khoản đầu tư tiền điện tử của mình. Tòa đã lệnh cho ông đưa cho bà deSouza khoảng một nửa tổng số Bitcoin ông sở hữu trước khi Mt Gox phá sản, ông chỉ được giữ lại 57 Bitcoin, trị giá khoảng 2,5 triệu USD theo giá hiện nay. Số Bitcoin của vợ ông hiện trị giá hơn 23 triệu USD.
Không phải tất cả các vụ ly hôn tiền điện tử đều liên quan đến số tiền lớn như vậy. Một vài năm trước, ông Nick Himonidis, một nhà điều tra khoa học pháp y ở New York, đã nhận giải quyết một vụ ly hôn, trong đó một người phụ nữ cáo buộc chồng mình khai gian số tiền điện tử ông nắm giữ.
Được sự cho phép của tòa án, ông Himonidis đã đến nhà người chồng và lục soát máy tính xách tay của ông. Ông đã tìm thấy một chiếc ví kỹ thuật số, chứa khoảng 700.000 USD tiền điện tử Monero. Ông Himonidis nhớ lại: "Anh ta đã phản ứng kiểu: 'Ồ, cái ví đó à? Tôi không nghĩ là mình lại có cái đó'. Tôi chỉ biết câm nín".
Trong một trường hợp khác, ông Himonidis cho biết, ông phát hiện ra một người chồng đã chuyển 2 triệu USD tiền điện tử ra khỏi tài khoản của mình trên sàn giao dịch Coinbase (một nền tảng giúp mọi người mua, bán và lưu trữ tiền kỹ thuật số). Một tuần sau khi vợ nộp đơn ly hôn, người đàn ông này đã chuyển tiền vào ví kỹ thuật số và sau đó rời khỏi Mỹ.
Tuy vậy, các loại tiền điện tử này liên tục biến động khiến các khoản đầu tư không phải lúc nào cũng sinh lời. Một người chồng thừa nhận đã thua lỗ lớn. "Tôi đã giấu vợ đầu tư vào Bitcoin và thua lỗ. Tôi thề, chuyện này còn căng thẳng hơn cả vụ ly hôn sắp tới", người đàn ông bày tỏ.
Tòa án có thể yêu cầu một sàn giao dịch tiền điện tử hoàn tiền. Nhưng những nhà đầu tư thường lưu trữ tiền trong các ví điện tử không chịu sự kiểm soát tập trung nào, khi quyền truy cập yêu cầu một mật khẩu duy nhất được tạo bởi chủ sở hữu của ví. Nếu không có mật khẩu đó, các khoản tiền của người chồng hoàn toàn nằm ngoài tầm với của người vợ cũ.
http://tintuc.vdong.vn/02/1237143.htm