Quy tắc quản lý tài chính thông minh 50/20/30 lần đầu tiên được đề cập trong cuốn sách “All your worth: The ultimate lifetime money plan” năm 2005 do thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, bang Massachusetts (Mỹ) giới thiệu. Đây là một phương pháp quản lý tiền bạc đơn giản, hiệu quả mà bất cứ ai cũng có thể áp dụng.
Trong quy tắc này, mỗi người sẽ chia thu nhập thành 3 phần lần lượt là 50%, 20% và 30% tương ứng với nhu cầu thiết yếu, tiết kiệm và nhu cầu cá nhân.
50% dành cho nhu cầu thiết yếu
Nhu cầu thiết yếu là những hóa đơn phải trả và những thứ cần thiết để tồn tại. Chúng gồm các tiền thuê nhà, ăn uống, đi lại, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm, các tiện ích... Đây là những thứ cần phải có của một người.
Nếu danh mục này chiếm quá nửa thu nhập thì bạn cần cắt giảm nhu cầu lại. Lời khuyên của các chuyên gia là bạn có thể bắt đầu từ chuyển sang đi chung xe hoặc phương tiện công cộng, nấu ăn ở nhà thường xuyên hơn...
20% dành cho tiết kiệm
Mỗi người cần cố gắng phân bổ 20% thu nhập vào các quỹ tiết kiệm và đầu tư. Trích tiền để tiết kiệm là điều đầu tiên bạn cần làm ngay sau khi nhận lương. Theo các chuyên gia tài chính cá nhân, trong bối cảnh tình hình biến động như hiện nay, mỗi người cần chuẩn bị một quỹ dự phòng rủi to tối thiểu bằng 6 tháng thu nhập.
Sau khi xây dựng quỹ tiết kiệm đủ vững chắc, bạn nên học về đầu tư để tiền sinh ra tiền.
30% dành cho nhu cầu cá nhân
Nhu cầu cá nhân là tất cả những gì bạn mua vì muốn chứ không phải cần như mục đích thiết yếu. Nó bao gồm đi ăn nhà hàng, xem phim, mua sắm theo sở thích, du lịch,... Nói chung, mong muốn là tất cả những yếu tố bổ sung để cho cuộc sống trở nên thú vị và giải trí hơn.
Ngoài "lên đời" về mặt vật chất, bạn cũng nên dùng tiền vào đầu tư và phát triển bản thân như mua sách, tham gia các khoá học...
Tuy nhiên, mỗi người có thể điều chỉnh những tỉ lệ này sao cho phù hợp với tình hình tài chính và hoàn cảnh hiện tại của mình. Nếu chi tiêu thiết yếu cần nhiều hơn để trả nợ thì có thể tăng chúng lên 60 - 70%, đồng thời điều chỉnh các khoản khác nhằm đảm đảm bảo cân đối ngân sách.
Các chuyên gia tài chính cá nhân cũng nhấn mạnh rằng dù bạn áp dụng phương pháp nào thì cũng phải tăng tính kỷ luật. Quản lý tài chính là một quá trình chứ không phải ngày một ngày hai. Do đó, mỗi người cần hạn chế tối đa các khoản chi không hợp lý, sau đó xem lại bản kế hoạch chi tiêu thường xuyên để nhắc nhở bản thân kiên trì đi đúng hướng.
Xem thêm: odl.7206101-iv-yahc-ol-gnohk-neit-ueit-hcac-ol-teit-nahn-ac-hnihc-iat-aig-neyuhc/et-hnik/nv.gnodoal