Theo thống kê chưa đầy đủ từ Tổng cục Quản lý thị trường, tính từ ngày 28.1 đến ngày 20.2, lực lượng này đã kiểm tra, giám sát, ký cam kết đối với hàng nghìn cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cả nước.
Tại TPHCM, trong ngày 20.2, các đội thuộc Cục Quản lý thị trường TPHCM đột xuất kiểm tra nhiều cửa hàng xăng dầu trên địa bàn thành phố. Qua kiểm tra, một số cửa hàng xăng dầu ở quận Gò Vấp, Quận 12, TP.Thủ Đức, cơ quan quản lý thị trường cho biết, hầu hết cửa hàng đều hoạt động ổn định, chỉ có vài cây xăng tạm ngưng bán do nguồn cung giảm, không nhập hàng về đúng tiến độ.
Cụ thể, một cây xăng ở đường Phạm Văn Chiêu, quận Gò Vấp của Công ty TNHH TM DV Biên Khoa ngưng bán. Nhân viên công ty này cho biết, cửa hàng ngưng bán do chưa nhập hàng về kịp. Công ty nhập xăng về bán 1-2 ngày là hết do "nhiều người mua đổ đầy bình".
Còn tại cây xăng trên giao lộ Phạm Văn Chiêu - Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp, cả trăm người dân xếp hàng để chờ tới lượt đổ xăng, do 3 trụ xăng tại đây chỉ mở bán 1 trụ vì chỉ có một nhân viên đứng bán.
Ông Nguyễn Tiến Đạt - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TPHCM - cho hay, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp Sở Công Thương thành phố kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các cây xăng, mọi hành vi vi phạm quy định pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm.
"Đa số các cửa hàng của hệ thống những doanh nghiệp có thương hiệu trên địa bàn thành phố hoạt động ổn định. Thực tế, chúng tôi đi kiểm tra nhiều cây xăng trên địa bàn thậm chí trên cùng tuyến đường thì đều bán hàng bình thường, có nơi còn thưa thớt người mua. Người dân có thể yên tâm nguồn cung ứng xăng dầu và không phải lo lắng" - ông Nguyễn Tiến Đạt khẳng định.
Tại Sơn La, từ ngày 15.12.2021 đến nay, Đội QLTT số 1 đã tiến hành kiểm tra, xử lý đối với 3 cơ sở kinh doanh xăng dầu với tổng số tiền thu phạt nộp ngân sách nhà nước gần 80 triệu đồng.
Các hành vi vi phạm chủ yếu là niêm yết giá bán lẻ xăng dầu không đúng với giá do thương nhân đầu mối hoặc thương nhân phân phối xăng dầu quy định; 1 vụ thương nhân bán lẻ xăng dầu tại cơ sở không có Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu.
Đội đã kết hợp công tác kiểm tra, giám sát với công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, yêu cầu 30/30 đơn vị kinh doanh xăng dầu trên địa bàn ký cam kết chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu; chủ động bảo đảm nguồn cung xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, bảo đảm việc bán hàng không bị gián đoạn; duy trì việc thực hiện mở cửa kinh doanh xăng dầu đúng thời gian đã đăng ký; không mua bán xăng dầu nhập lậu, không có nguồn gốc xuất xứ…
Trong khi đó, tại Gia Lai, để đảm bảo nguồn hàng cung cấp cho người sử dụng, Cục Quản lý thị trường tỉnh này đã chỉ đạo tất cả các đội lập mỗi đội hai đoàn kiểm tra tiến hành ký cam kết "không đóng cửa, bán hàng đúng thời gian niêm yết, niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết…".
Còn ở Bình Định, tính từ ngày 10.2 đến ngày 20.2, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, giám sát và ký cam kết đối với 290 cửa hàng. Chỉ tính riêng trong ngày 20.2, đơn vị đã kiểm tra và giám sát đối với 44 cửa hàng trên địa bàn toàn tỉnh. 100% các cửa hàng kiểm tra trong ngày đều mở cửa bán hàng và chấp hành tốt các quy định trong kinh doanh xăng dầu.
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, từ ngày 28.1 đến ngày 20.2, cơ quan chức năng đã làm việc với 60 trạm xăng dầu tại thời điểm kiểm tra có tình trạng ngưng hoạt động kinh doanh hoặc có hoạt động kinh doanh nhưng treo bảng hết xăng. Các đoàn kiểm tra ghi nhận, xác minh và xử lý theo quy định.
Xem thêm: odl.4726101-aum-ohc-iad-gnah-pex-ohc-nab-ed-gnax-oc-gnohk-ion-uad-gnax-ohk-ion/et-hnik/nv.gnodoal