Thiếu xăng dầu cục bộ sẽ sớm được giải quyết
Báo cáo tình hình cung ứng xăng dầu tại cuộc giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Trung ương sáng 22/2, đại diện Bộ Công Thương kiến nghị việc đưa thông tin về tình hình cung ứng xăng dầu để tạo sự đồng thuận trong dư luận, tránh đưa tin cục bộ, thất thiệt gây hoang mang, bất ổn thị trường.
Nhắc đến trường hợp Tp.HCM có 548 cửa hàng xăng dầu, trong đó có 8 cửa hàng ngừng bán tạm thời trong 1-2 ngày đã được đưa tin là “tình trạng ngừng bán diễn ra phổ biến”, theo Bộ Công Thương là “chưa hợp lý”.
“Trên cả nước có hơn 16.000 cửa hàng, có khoảng 20 - 30 cửa hàng ngừng bán cũng được đưa tin là nhiều cửa hàng ngừng bán tạo tâm lý lo ngại hết xăng, dầu và đi mua tích trữ gây mất cân đối cung cầu và mất an toàn phòng cháy chữa cháy”, Bộ Công Thương nêu quan điểm.
Bộ này cũng khẳng định, việc thiếu xăng dầu cục bộ sẽ sớm được giải quyết, cung - cầu xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới cơ bản ổn định. Cụ thể, về phía Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn do khó khăn về tài chính đã phải cắt giảm công suất sản xuất trong thời gian vừa qua (hiện đang chạy ở mức 55-60% công suất).
Do đó, việc giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước trong tháng 2 đã bị giảm so với kế hoạch bình quân giao hàng theo tháng khoảng 43% (kế hoạch giao là 680.000m3, thực tế giao khoảng 390.000m3, trong đó xăng giảm 18% và dầu DO giảm 57%.
Dự kiến tháng 3 cung cấp khoảng 80% so với kế hoạch theo tháng (kế hoạch giao 680.000m3 nhưng dự kiến giao hàng là 540.000m3, trong đó xăng giảm 5%, dầu giảm 30%).
“Hiện, Nhà máy báo cáo sẽ sản xuất 100% công suất từ giữa tháng 3 đến cuối tháng 5 nhưng chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh vào tháng 4 và tháng 5. Đặc biệt sau tháng 5 chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất”, đại diện Bộ Công Thương cho hay.
Được biết, năm 2021 Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn sản xuất 6,7 triệu m3 xăng dầu, chiếm 34% sản lượng xăng dầu tiêu thụ cả nước.
Đề xuất bán đấu giá 100 triệu lít xăng dự trữ quốc gia
Còn Nhà máy lọc dầu Bình Sơn đã nâng công suất lên 105% từ ngày 7/2/2022. Theo đó, Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ cung cấp cho thị trường 300.000m3 xăng và 300.000m3 dầu mỗi tháng.
Tuy nhiên, mức tăng thêm 5% (tương đương 28.000 m3 xăng dầu) chưa đủ bù đắp lượng thiếu hụt do Nhà máy Nghi Sơn giảm công suất. Năm 2021 Nhà máy lọc dầu Bình Sơn sản xuất 7,2 triệu m3 xăng dầu, chiếm 35,7% sản lượng xăng dầu tiêu thụ cả nước.
Về nguồn cung xăng dầu trên thị trường trong nước, đại diện Bộ Công Thương cho hay, lượng xăng dầu tồn kho tại các doanh nghiệp đầu mối đầu tháng 2 còn khoảng 1,3 triệu m3 các loại (xăng 620.000m3 xăng, 650.000m3 dầu diesel, chưa kể lượng tồn kho của các thương nhân phân phối và đại lý).
Dự kiến lượng mua vào để cung ứng cho thị trường trong tháng 2/2022 khoảng 2,39 triệu m3 (trong đó 990.000m3 các loại từ nguồn trong nước và 1,4 triệu m3 từ nguồn nhập khẩu). Với nhu cầu khoảng 1,8 - 2 triệu m3 xăng dầu các loại/tháng, nguồn cung như trên đáp ứng đủ nhu cầu thị trường trong tháng 2/2022 và dự trữ gối đầu sang tháng 3.
Theo báo cáo của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, lượng tồn kho xăng dầu tại các doanh nghiệp hiện ở mức (ngày 20/2/2022) là khoảng 1,2 triệu m3, (trong đó gồm 500.000m3 xăng và 700.000m3 dầu); Dự kiến lượng nhập khẩu từ nay đến hết tháng 2/2022 khoảng 650.000m3 xăng dầu các loại, bảo đảm cung ứng cho thị trường.
Sang tháng 3, lượng cung xăng dầu cho thị trường từ nguồn trong nước vẫn thấp so với các tháng thông thường do lượng cung ứng hàng từ sản xuất trong nước giảm mạnh trong tháng 2 và đầu tháng 3. Tuy nhiên, tồn kho từ tháng 2/2022 chuyển sang vẫn bảo đảm, cùng với việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã có kế hoạch sẽ chạy 85% công suất từ 15/3/2022 và từ đầu tháng 4 sẽ chạy đủ 100% công suất.
Đồng thời các thương nhân đầu mối cũng sẽ tiếp tục có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước theo chỉ đạo (nếu Nhà máy lọc dầu Nghị Sơn không bảo đảm lượng cung ứng như kế hoạch).
Tính đến sử dụng công cụ thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu
Nói về công tác điều hành giá xăng dầu, đại diện Bộ Công Thương cho biết, trong các kỳ điều hành giá xăng dầu từ trước Tết Nguyên đán đến nay, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã thực hiện chi sử dụng Quỹ BOG cho các mặt hàng xăng và dầu với mức chi từ 200 - 400 đồng/lít và điều chỉnh mức trích lập Quỹ BOG ở mức phù hợp “để bảo đảm giá xăng dầu trong nước bám sát diễn biến của giá xăng dầu thế giới”.
Với chu kỳ điều hành giá xăng dầu 10 ngày/lần, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã tính toán phù hợp với tập quán kinh doanh, chu kỳ hàng hoá của các doanh nghiệp, chu kỳ để tính Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng như đủ thời gian để cho cơ quan quản lý nhà nước cập nhật dữ liệu.
“Công tác điều hành giá luôn được thực hiện bám sát diễn biến xăng dầu thế giới, đồng thời cân nhắc rất nhiều chiều, nhiều yếu tố nhằm hài hoà lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp, đảm bảo mục tiêu quản lý CPI, tránh tạo ra tiền lệ, tránh để bản thân doanh nghiệp sử dụng sức ép đối với cơ quan điều hành để điều hành chỉ có lợi cho doanh nghiệp”, đại diện Bộ này khẳng định.
Đặc biệt, Bộ Công Thương còn kiến nghị, trong thời gian tới, nếu diễn biến giá xăng dầu quá cao, quá phức tạp, ảnh hưởng đến phát kinh tế và đời sống, sản xuất của người dân, doanh nghiệp, tác động làm vô hiệu hoá một số công cụ, chính sách phục vụ cho vấn đề phục hồi tổng thể nền kinh tế sau đại dịch, trong bối cảnh công cụ Quỹ BOG có hạn, cần sử dụng công cụ thuế, phí để bình ổn giá xăng dầu trong nước.