Một bác sĩ có tên tuổi trong ngành y tế TP.HCM đã từng nói với tôi: “Nghề nào còn có thể giả được, chứ giả làm bác sĩ thất đức lắm vì ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và sinh mạng không chỉ một người mà là hàng trăm, hàng ngàn người. Hy vọng không ai giả làm bác sĩ”.
Cho nên mới đây, thông tin Nguyễn Quốc Khiêm giả làm bác sĩ vào khu cách ly, điều trị những ca bệnh COVID-19 khiến nhiều người sững sờ. Giở đủ trò từ làm giả thẻ sinh viên đến việc trình ra giấy khen tự chế, Khiêm tự đắc xưng mình là bác sĩ và đã làm những công việc của một bác sĩ thực thụ tại khu cách ly, điều trị F0 tại Trường CĐ Điện lực TP.HCM như ra y lệnh, ký giấy chuyển bệnh, ký báo cáo tử vong.
Vì sao lại có chuyện “con voi chui lọt lỗ kim như vậy”? Rất nhiều câu trả lời đã được đưa ra từ các đơn vị liên quan như Trường ĐH Y Dược TP.HCM - nơi giới thiệu Khiêm vào danh sách tình nguyện viên, cũng như Trung tâm Y tế quận 12 - nơi Khiêm “bỗng nhiên” được coi là bác sĩ.
Chung quy lại là do bối cảnh dịch bệnh cấp bách và vì quá bận rộn với công tác chống dịch nên các khâu sàng lọc bị bỏ qua. Thậm chí, khi đã nhận được thông tin phản hồi Khiêm không phải là bác sĩ từ Trường ĐH Y Dược trong tháng 9-2021 nhưng theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, ngày 1-10-2021, quận 12 vẫn có quyết định tiếp nhận, phân công các tình nguyện viên làm việc tại khu cách ly tập trung bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn quận, trong đó có tên của Khiêm trong danh sách. Lạ thật!
Tất nhiên, chúng ta hoàn toàn chia sẻ với các đơn vị y tế về sự bận rộn và áp lực do cao điểm dịch bệnh nhưng thật khó chấp nhận khi những bước kiểm tra tiêu chuẩn căn bản nhất bị bỏ qua, nhất là khi Trung tâm Y tế quận 12 đã nhận được thông tin Khiêm không phải là bác sĩ.
Có lẽ, nếu không có sự phanh phui của báo chí, sự nhanh chóng vào cuộc xác minh, làm rõ của cơ quan chức năng thì không biết câu chuyện giả bác sĩ này có được đưa ra ánh sáng?
Điều đó đặt ra cho dư luận nhiều câu hỏi rất lớn về sự tắc trách và chủ quan đến khó hiểu của cơ quan y tế quận 12; sự thiếu phản biện trong tập thể chuyên môn. Kể cả việc có hay không câu chuyện bệnh thành tích khi để thông tin giả bác sĩ trôi qua như vậy, cũng cần được trả lời thấu đáo?
Vụ việc dù có gây ra hậu quả chuyên môn hay chưa vẫn rất nguy hiểm. Vì thế, bản thân Khiêm và những tắc trách từ các đơn vị liên quan cần phải được xử lý tới nơi tới chốn. Đó chính là bảo vệ sự công bằng, sự hy sinh, cống hiến của hàng chục ngàn “chiến sĩ áo trắng” thực thụ đã dốc hết tâm lực của mình trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch.
Nhất là trong bối cảnh ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2 đang tới gần thì những hành vi thế này càng cần phải được xử lý một cách thích đáng, nghiêm minh. Có như thế mới tạo sự an tâm của đội ngũ y tế, cũng như bảo vệ niềm tin của người dân dành cho những “chiến sĩ áo trắng” luôn hết lòng vì sức khỏe của cộng đồng.