Abbott thu hồi nhiều sản phẩm tại Việt Nam
Ngày 20/2, Cục An toàn thực phẩm (ATTP) nhận được thông tin từ Mạng lưới Các cơ quan an toàn thực phẩm quốc tế (INFOSAN) về việc một số trẻ nhỏ bị nhiễm vi khuẩn Cronobacter sakazakii và Salmonella Newport sau khi sử dụng sản phẩm dinh dưỡng công thức sản xuất tại nhà máy của Abbott Nutrition’s Sturgis ở bang Michigan, Mỹ. Theo đó, có bốn trẻ bị ngộ độc, một trong số đó đã tử vong.
Cronobacter sakazakii là vi khuẩn hình que có liên quan đến bệnh từ sữa bị nhiễm bẩn gây ra cho trẻ sơ sinh. Salmonella Newport là vi khuẩn gây ra chứng tiêu chảy, sốt và co thắt dạ dày. Được biết, Abbott không phải là thương hiệu sữa đầu tiên có sản phẩm bị nhiễm khuẩn, buộc phải thu hồi. Cách đây không lâu, Tập đoàn Lactalis (Pháp) cũng phải thu hồi gần 7.000 tấn sữa trên toàn thế giới do bị nhiễm vi khuẩn Salmonella. Tháng 9/2020, Bộ Công Thương cũng khuyến cáo sữa hạnh nhân Milk Lab (Úc) cũng bị nhiễm khuẩn Pseudomonas spp…
Theo thông tin do nhà sản xuất cung cấp, các sản phẩm của Abbott liên quan đã được xuất khẩu từ Mỹ tới Việt Nam gồm Similac, Alimentum, EleCare. Sản phẩm thuộc diện bị thu hồi có hai số đầu tiên của mã số từ 22 tới 37; mã số trên bao bì chứa ký hiệu K8, SH, hoặc Z2; hạn sử dụng từ ngày 1/4/2022 trở về sau. Đây đều là những sản phẩm nằm trong nhóm được nhiều gia đình có con nhỏ tại Việt Nam sử dụng.
Trao đổi với chúng tôi về tiến độ thu hồi các sản phẩm sữa của Abbott, phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP - cho biết cục đã yêu cầu công ty nhập khẩu làm rõ thông tin và khẩn trương thu hồi toàn bộ các sản phẩm trên thị trường. Hiện công ty nhập khẩu đang thu hồi và chưa có kết quả cụ thể.
Bà Đinh Hồng Ngọc - Giám đốc truyền thông đối ngoại của Abbott tại Việt Nam - cho biết hiện Abbott đang chủ động thu hồi một số sản phẩm sữa bột công thức được sản xuất tại Sturgis (Michigan, Mỹ). Việc thu hồi này chỉ ảnh hưởng đến sản phẩm Alimentum được phân phối chính thức tại Việt Nam. Khách hàng có thể yên tâm sử dụng các sản phẩm còn lại.
Ở Việt Nam, có 6 lô sản phẩm Similac Alimentum Eye-Q của Abbott được thông báo thu hồi - Ảnh: Thanh Hoa |
Ông Douglas Kuo - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A, đơn vị nhập khẩu và phân phối các sản phẩm sữa công thức của Abbott tại Việt Nam - cho biết công ty đã thông báo thu hồi tự nguyện sản phẩm Similac Alimentum Eye-Q đến các đại lý, cửa hàng tại Việt Nam, gồm sáu lô: 26812Z263, 27939Z260, 29209Z200, 30285Z260, 32412Z220, 32648Z200. Cửa hàng nào đã mua sản phẩm có số lô như trên phải ngừng bán các lô hàng này ngay, nhân viên công ty sẽ liên hệ đến khách hàng để thu hồi và thanh toán trong thời gian sớm nhất. Nếu người tiêu dùng đã mua sản phẩm có số lô trên đây thì ngưng sử dụng và gọi cho đường dây nóng 1800558891 hoặc 19001519 để được hướng dẫn thủ tục trả lại sản phẩm.
Khó thu hồi hàng “xách tay”
Tại một số cửa hàng chuyên bán sữa trên đường Nguyễn Thông (Q.3, TPHCM), quan sát dòng sữa Alimentum, chúng tôi chưa ghi nhận được sản phẩm nào trong diện cần thu hồi, số cửa hàng bày bán dòng sản phẩm này rất ít. Nhân viên cửa hàng Nguyễn Mười cho biết, đây là dòng sữa đặc biệt dành cho trẻ dị ứng với đạm sữa bò, mùi vị không ngọt thơm như sữa mẹ, giá cao gần gấp đôi so với các dòng sữa thông thường nên phân khúc hẹp hơn.
Tại các siêu thị Big C, Co.opmart, sữa Abbott được bày bán trên kệ chủ yếu là dòng Similac Total Comfort hoặc các dòng Similac khác, không có sữa Alimentum. Nhà thuốc Long Châu trên đường Hai Bà Trưng (Q.1, TPHCM) có bán sữa Alimentum nhưng không thuộc diện thu hồi.
Trong khi đó, sữa Alimentum “xách tay” được rao bán khá nhiều trên các trang thương mại điện tử và Facebook. Tại cửa hàng K.W., sữa Alimentum “xách tay” từ Mỹ được rao giá 305.000 đồng/hộp loại 198g. Quan sát đáy vỏ hộp được quảng cáo, chúng tôi thấy có dãy số “3552Z20”, nghĩa là có số “35” và ký hiệu “Z2”, thuộc diện phải thu hồi. “Đây là hàng xách tay, không thuộc diện thu hồi đâu em. Mấy ngày nay, chị vẫn bán rất nhiều sản phẩm tương tự cho khách, không nghe ai phàn nàn gì” - nhân viên cửa hàng này nói.
Tương tự, các sản phẩm Similac và EleCare “xách tay” từ Mỹ cũng được rao bán khá nhiều trên các trang thương mại điện tử. Do hai dòng này không thuộc diện thu hồi tại Việt Nam nên không rõ sản phẩm phải thu hồi tại Mỹ có những dãy số và ký tự nào. Nếu những sản phẩm “xách tay” này thuộc diện bị thu hồi tại Mỹ thì người tiêu dùng cũng không thể nào biết được do không có thông tin đối chiếu.
Ông Nguyễn Thanh Phong cho rằng, bán hàng “xách tay” trên mạng là hình thức khá phổ biến nhưng chưa được kiểm soát triệt để, tạo cơ hội cho hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc lưu hành. “Với sản phẩm được nhập khẩu chính ngạch và đang được phân phối trên thị trường, nếu phát hiện sản phẩm thuộc số lô bị cảnh báo, người tiêu dùng nên thông báo ngay cho cơ quan chức năng tại địa phương. Người tiêu dùng không nên mua hàng xách tay, không rõ nguồn gốc”, ông Nguyễn Thanh Phong khuyến cáo.
Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.5877541a-yat-hcax-gnad-nauhk-meihn-ttobba-aus-iov-caig-hnac/nv.moc.enilnounuhp.www