Bạch tuộc là món ăn khoái khẩu của nhiều người nhưng lại rất khó nuôi - Ảnh: REUTERS
"Đây là một cột mốc của thế giới", ông Roberto Romero, giám đốc Công ty Nueva Pescanova, nói về kế hoạch rót 65 triệu euro, khoảng 73 triệu USD, vào nông trại bạch tuộc.
Kế hoạch xây dựng nông trại đặc biệt này dựa trên nhiều năm nghiên cứu về các điều kiện để nuôi bạch tuộc quy mô công nghiệp.
Nông trại này dự kiến sản xuất được 3.000 tấn bạch tuộc mỗi năm phục vụ trong nước và nước ngoài cũng như tạo ra hàng trăm việc làm, theo Hãng tin Reuters.
Bạch tuộc là món khoái khẩu của nhiều người trên thế giới và là một loại hải sản có giá trị cao, có tổng thương mại toàn cầu từ năm 2010 đến 2019 tăng từ 1,3 tỉ USD lên 2,72 tỉ USD.
Tuy nhiên các nỗ lực nuôi loài hải sản này đến nay đều không thành công do tỉ lệ chết cao, trong khi việc nhân giống bạch tuộc đánh bắt tự nhiên cũng gặp nhiều vấn đề.
Các hồ nuôi của Nueva Pescanova được đánh giá đáp ứng được các điều kiện giúp bạch tuộc giảm sự hung hăng và ăn thịt lẫn nhau.
Tuy nhiên không phải ai cũng đồng tình. "Bạch tuộc rất thông minh và tò mò. Ai cũng biết chúng không hạnh phúc trong điều kiện nuôi nhốt", ông Raul Garcia, lãnh đạo thuộc tổ chức bảo tồn WWF tại Tây Ban Nha, khẳng định. Theo ông, việc nuôi bạch tuộc phải đảm bảo điều kiện sống của chúng như ở ngoài biển và điều này rất tốn kém.
Năm ngoái, một nghiên cứu của các chuyên gia Anh tổng hợp 300 nghiên cứu khoa học khác cũng cho rằng bạch tuộc có thể cảm nhận được hạnh phúc và đau nên không thể nuôi chúng trong nông trại.
Nueva Pescanova không công bố các chi tiết về kích thước hồ nuôi bạch tuộc cũng như mật độ nuôi, thức ăn. Nhưng công ty này khẳng định các con vật luôn được theo dõi trong quá trình nuôi.
Bất chấp các tranh cãi, nhu cầu về bạch tuộc đang ngày càng tăng với những nước tiêu thụ hàng đầu là Ý, Hàn Quốc, Nhật Bản và Tây Ban Nha. Trong khi đó, việc đánh bắt bạch tuộc đang gặp nhiều hạn chế.
"Nếu chúng ta muốn tiếp tục ăn bạch tuộc thì phải tìm cách khác vì việc đánh bắt đã đạt đến giới hạn. Hiện tại, việc nuôi chúng là giải pháp duy nhất", nhà khoa học Eduardo Almans, người tham gia phát triển kỹ thuật cho Nueva Pescanova, nói.
Nhưng các nhà hoạt động đưa ra giải pháp khác đơn giản hơn: đừng ăn bạch tuộc nữa. "Vẫn còn nhiều lựa chọn ăn chay tuyệt vời khác cơ mà", nhà hoạt động Carys Bennett của nhóm bảo vệ quyền động vật Peta nói.
TTO - Một báo cáo mới của Anh ghi nhận bạch tuộc, cua và tôm hùm cũng có tri giác, có thể cảm nhận được nỗi đau. Đây là những loài vật mới nhất được thêm vào danh sách sinh vật có tri giác của Anh.
Xem thêm: mth.21285321142202202-cud-oad-ev-iac-hnart-yag-ioig-eht-nert-neit-uad-cout-hcab-iart-gnon/nv.ertiout