Báo cáo nhanh về tình hình và các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn của Sở Y tế TP.HCM ngày 24.12 cho thấy, các loại dịch bệnh trong tuần gần cuối tháng 12 giảm sâu.
Tình hình dịch bệnh Covid-19
Theo báo cáo nhanh, trong ngày 23.12, qua hệ thống giám sát của Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), TP.HCM phát hiện 9 ca mắc Covid-19 (đã bổ sung 5 ca mắc mới từ các ngày trước), trong đó có 5 ca nhập viện.
Mùa lạnh, phụ huynh đưa con đi tiêm vắc xin ngừa cúm duy tính |
TP.HCM đang điều trị 83 ca mắc Covid-19, trong đó có 33 ca cần hỗ trợ hô hấp, 12 ca thở máy xâm lấn, 4 ca là trẻ em dưới 16 tuổi và 1 ca là phụ nữ mang thai. Đang cách ly tại nhà 168 ca.
Dịch bệnh sốt xuất huyết
Trong ngày 23.12, qua hệ thống giám sát của HCDC, TP.HCM phát hiện có 93 ca mắc sốt xuất huyết mới (bổ sung 8 ca mắc mới từ các ngày trước).
Cùng ngày, các bệnh viện trên địa bàn tiếp nhận 135 ca mắc sốt xuất huyết (103 ca cư trú tại TP). Hiện có 552 ca (477 ca cư trú tại TP) đang điều trị tại bệnh viện, trong đó có 320 người lớn (8 phụ nữ mang thai), 232 trẻ em.
Số ca nặng (theo định nghĩa của Bộ Y tế) là 69 (37 ca sống tại TP); 10 ca thở máy xâm lấn (2 ca cư trú tại TP); 5 ca đang được lọc máu (1 ca cư trú tại TP).
Tính từ đầu năm 2022 đến hiện tại, TP.HCM có 80.727 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gần 7 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Tổng số ca tử vong do sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 29, tăng 23 ca so với cùng kỳ năm 2021 (6 ca).
Tình hình tiêm vắc xin Covid-19
Trong ngày 23.12, TP.HCM tiêm 1.810 mũi vắc xin Covid-19, trong đó có 149 mũi 1; 1.259 mũi 2; 213 mũi nhắc lần 1; 189 mũi nhắc lần 2.
Tính đến hết ngày 23.12, TP.HCM đã tiêm hơn 23,5 triệu mũi vắc xin Covid-19. Trong đó có 87 triệu mũi 1; hơn 7,78 triệu mũi 2; 683.201 mũi bổ sung; hơn 4,8 triệu mũi nhắc lần 1; hơn 1,5 triệu mũi nhắc lần 2.
Hiện TP.HCM còn 38.907 liều vắc xin Covid-19. Trong đó có 22.327 liều Verocell - Sinopharm; 15.680 liều Moderna (trẻ em); 900 liều Pfizer (trẻ em).
Các hoạt động phòng, chống dịch bệnh
Theo Sở Y tế, TP.HCM duy trì hệ thống giám sát, quản lý dữ liệu, báo cáo bệnh truyền nhiễm; triển khai giám sát lưu hành biến chủng của vi rút SARS-CoV-2 và giám sát lưu hành kháng thể kháng vi rút SARS-CoV-2, lấy mẫu tại một số bệnh viện.
TP.HCM tiếp tục triển khai tiêm vắc xin Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và chỉ đạo của UBND TP. Giám sát hoạt động tiêm vắc xin Covid-19 tại một số địa phương. Truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết, bệnh đậu mùa khỉ, tiêm vắc xin Covid-19.
TP.HCM tiếp tục thực hiện giám sát về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và sốt xuất huyết tại các quận, huyện trên địa bàn. Giám sát kết quả xử lý phản ánh của các quận huyện.
Dự báo dịch bệnh trong năm 2023
Một trong 3 nhóm mục tiêu quan trọng trong năm 2023 của ngành y tế TP.HCM là nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh mới nổi, các dịch bệnh lưu hành và năng lực triển khai các chương trình sức khỏe cộng đồng, nhất là năng lực chăm sóc và quản lý các bệnh không lây nhiễm của hệ thống y tế cơ sở, bao gồm cả HCDC.
Trong năm 2023, dự báo tình hình dịch bệnh truyền nhiễm và các loại dịch bệnh mới nổi vẫn còn thách thức lớn, ngành y tế TP.HCM chủ động hơn nữa trong công tác phòng chống dịch bệnh, phát hiện kịp thời và kiểm soát hiệu quả, không để dịch bệnh bùng phát và lan rộng. Đồng thời, năm 2023 là năm khởi động "Gói can thiệp thiết yếu đối với các bệnh không lây nhiễm” - chương trình can thiệp dựa vào cộng đồng của Tổ chức Y tế Thế giới (gọi tắt là Chương trình WHO PEN). Để triển khai hiệu quả chương trình này, ngành y tế đã chủ động liên hệ và đã nhận được sự đồng ý hỗ trợ kỹ thuật của WHO. Chương trình khởi động trong những tháng đầu năm 2023. Bên cạnh đó, công tác phát hiện và chăm sóc người mắc các bệnh tâm thần, nhất là bệnh trầm cảm - đang có khuynh hướng gia tăng tỷ lệ mắc sau đại dịch Covid-19 cũng là hoạt động ưu tiên được ngành y tế đẩy mạnh triển khai trong năm 2023.