Hãng thông tấn TASS gắn nội dung “chiến dịch quân sự ở Ukraine” là “Chủ đề trong ngày”. Hãng tin RIA Novosti cũng cập nhật hàng loạt tin tức, có thể nói là từng phút một, với từ khóa “Tình hình trầm trọng hơn ở DPR và LPR”. Thông tin chính trên báo chí Nga là từng quyết định của Tổng thống Putin và chính quyền Nga liên quan hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk (DPR) và Luhansk (LPR) ở miền Đông Ukraine, các động thái được mô tả là “gây hấn” của phía Ukraine chống lại DPR, LPR và nước Nga.
Quan điểm 1: Ủng hộ ông Putin
Nhiều người ủng hộ quyết định của Tổng thống Putin và cho rằng việc công nhận DPR và LPR độc lập, đưa quân sang hai nước cộng hòa tự xưng này phù hợp với mong muốn độc lập của người dân ở đó. Những người này còn cho rằng việc Nga chống lại các hành động “gây hấn” của Ukraine, Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là điều cần thiết.
Đồng thời, luồng quan điểm này còn nhắc tới các hành động của chính quyền Kiev với cáo buộc vi phạm các thỏa thuận Minsk về miền Đông Ukraine như pháo kích vào các vùng đất do DPR và LPR kiểm soát trong thời gian trước ngày 22-2 - khi Nga công nhận hai nước cộng hòa (tự xưng) này.
Người Nga cũng cáo buộc, chỉ trích Mỹ và các đồng minh đe dọa an ninh Nga, tăng cường triển khai vũ khí tới các quốc gia sát Nga như Ba Lan hay ba nước vùng Baltic. NATO cũng bị chỉ trích “thất hứa” khi chối bỏ cam kết không mở rộng về phía đông.
Những người này cũng nhắc tới các “dự báo” của Mỹ và đồng minh về việc Nga sẽ tấn công Ukraine vào ngày 16-2 hay ngày 20-2 như các động thái thù địch, bôi nhọ Moscow. Do đó, họ coi các quyết định của chính quyền Moscow là hành vi “tự vệ” khi phương Tây liên tục gây áp lực và hủy hoại các nỗ lực đàm phán hòa bình.
Quan điểm 2: Phản đối chiến tranh
Luồng quan điểm thứ hai lo ngại về sự an toàn, tính mạng của người dân và nhất là các ảnh hưởng kinh tế do quyết định của Moscow. Trong khi thông tin về chiến sự ở miền Đông Ukraine chiếm phần lớn các trang báo, việc đồng rúp của Nga rớt giá nghiêm trọng cũng được người dân quan tâm.
Trong một tuần qua, đồng rúp đã hai lần rớt giá sâu, sau khi Nga công nhận nền độc lập của DPR và LPR và sau khi Nga triển khai “chiến dịch đặc biệt” ở miền Đông Ukraine. Theo TASS, giá của đồng rúp so với USD và euro đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2014 - lúc quan hệ Nga - Ukraine bắt đầu giai đoạn đối đầu sau chính biến ở Kiev.
Những người phản đối quyết định của điện Kremlin cho rằng việc công nhận DPR và LPR, bỏ qua giải pháp ngoại giao và tiến hành chiến tranh sẽ làm trầm trọng thêm sự khó khăn hiện tại của nền kinh tế Nga. Có người lo ngại Nga có thể bị thế giới bên ngoài cô lập, khiến nền kinh tế sụp đổ.
Sự an toàn và tính mạng của người dân cũng là vấn đề được quan tâm. Với quan điểm của một công dân bình thường và không bàn luận sâu về chính trị, không ít người lo ngại kết quả sau cùng của chiến tranh chỉ là sự mất mát về sinh mạng.
Dù lo ngại về các nguy cơ đối với nền kinh tế, nhất là sau khi Mỹ và các đồng minh lần lượt áp đặt các biện pháp trừng phạt mới, chưa nhận thấy tình trạng hỗn loạn hay vội vã tích trữ lương thực, nhu yếu phẩm của người dân Nga. Nhịp sống của người dân, ngay cả ở khu vực biên giới vẫn diễn ra tương đối bình thường.