Trong khi Nga tiếp tục tấn công vào các địa điểm ở Ukraine, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky đã nỗ lực tìm cách kéo Nga vào bàn đàm phán để xuống thang căng thẳng. Tổng thống Ukraine đã tích cực liên lạc, cầu cứu các bên để kết nối với Nga, thậm chí là gây áp lực lên Nga để mở ra cánh cửa đàm phán hoà bình.
Cố gắng liên lạc với tổng thống Nga
Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 24-2, Tổng thống Zelensky đã kêu gọi công dân Nga phản đối cuộc chiến ở Donbass. Ông nói rằng người Ukraine muốn hoà bình và khẳng định Ukraine sẽ không bao giờ là mối đe dọa đối với người Nga, mà chỉ muốn có quyền tự quyết và an ninh cho chính mình, đài RT đưa tin.
Đáng chú ý, ông Zelensky cho biết ngay sau khi Nga tấn công vào miền đông Ukraine, ông đã cố gắng gọi cho Tổng thống Nga Putin nhưng không nhận được phản hồi.
Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky. Ảnh: REUTERS
Ông nói: "Tôi đã cố gắng điện đàm với Tổng thống Putin. Kết quả là sự im lặng. Tuy nhiên, sự im lặng này nên có ở Donbass".
Ông Zelensky cũng nhấn mạnh là người dân Ukraine chỉ đứng lên tự vệ chứ không tấn công sau khi ông ra lệnh tổng động viên toàn quốc và tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong 30 trên lãnh thổ nước này.
Điện đàm khẩn với tổng thống Mỹ
Tối ngày 23-2 (giờ Mỹ), Nhà Trắng cho biết Tổng thống Zelensky đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden ngay sau khi Nga tuyên bố phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine.
Theo thông báo của Nhà Trắng, trong cuộc điện đàm, ông Zelensky yêu cầu ông Biden kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới lên tiếng phản đối mạnh mẽ “hành động xâm lược ngang ngược” của Tổng thống Putin và đứng về phía người dân Ukraine.
Thông báo cũng cho biết trong cuộc điện đàm, ông Biden đã lên án “cuộc tấn công vô cớ và phi lý này của quân đội Nga” và thông báo cho ông Zelensky về các bước mà Mỹ đang làm để tập hợp sự lên án quốc tế.
Ông Biden cũng nói rõ sẽ họp với các lãnh đạo G7 (Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới), đồng minh và đối tác để áp lệnh trừng phạt nghiêm khắc với Nga. Ngoài ra, ông Biden còn hứa sẽ ủng hộ người dân Ukraine.
Nhờ Pháp liên lạc với Nga
Sau khi cố liên lạc với tổng thống Nga nhưng vô ích, ông Zelensky cũng đã gọi điện cho Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và nhờ ông điện đàm với ông Putin.
Hôm 24-2, Tổng thống Macron cho hay ông đã gọi điện cho người đồng cấp Nga và yêu cầu Moscow chấm dứt cuộc tấn công vào Ukraine. Ông Macron nói rằng hai bên đã có một cuộc gọi "thẳng thắn, trực tiếp, nhanh chóng".
Quân đội Ukraine đứng bên cạnh chiếc xe tăng Nga bị phá huỷ ở TP Kharkiv. Ảnh: REUTERS
Ông Marcon nói: “Cuộc điện đàm giữa tôi với Tổng thống Putin cũng là để yêu cầu ông Putin thảo luận về tình hình hiện tại với Tổng thống Zelensky - người thực sự yêu cầu điều đó, vì ông Zelensky không thể liên lạc được với ông Putin”.
Theo Tổng thống Pháp, ông đã nói với ông Putin rằng cánh cửa ngoại giao vẫn rộng mở cho các bên để chấm dứt xung đột quân sự ở Ukraine hiện nay.
Cầu cứu hàng loạt các lãnh đạo châu Âu
Ngay sau khi Nga phát động tấn công Ukraine, Tổng thống Zelensky đã nói chuyện với Thủ tướng Anh Boris Johnson, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Tổng thống Lithuania - ông Gitanas Nauseda để cùng “bắt đầu thành lập liên minh chống Tổng thống Nga Putin”, theo hãng tin Ukrinform.
Trong các cuộc điện đàm này, tổng thống Ukraine đã kêu gọi các nhà lãnh đạo áp đặt tất cả các biện pháp trừng phạt có thể có lên Nga và Tổng thống Putin.
Ông Zelensky nói: “Tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới sử dụng tất cả các biện pháp trừng phạt có thể có chống lại ông Putin và bắt đầu hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine với quy mô lớn”.
Bên cạnh đó, Tổng thống Zelensky cũng đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Ba Lan Andrzej Duda vào sáng ngày 25-2 (giờ địa phương), đài RT cho hay.
Người dân ở thủ đô Kiev đứng xem hiện trường quả đạn pháo Nga rơi xuống. Ảnh: AFP
Trong cuộc điện đàm này, ông Zelensky đề nghị Ba Lan và chín nước đông Âu thuộc nhóm Bucharest Nine viện trợ quốc phòng, áp đặt các biện pháp trừng phạt và gây áp lực lên chính quyền Moscow nhằm kéo Nga vào bàn đàm phán.
Tổng thống Ukraine viết trên Twitter: “Chúng ta phải cùng nhau đưa Nga vào bàn đàm phán. Chúng ta cần liên minh lại để chấm dứt cuộc chiến tranh”.
Các quốc gia nhóm Bucharest Nine bao gồm Ba Lan, Bulgaria, Cộng hòa Czech, Estonia, Hungary, Latvia, Lithuania, Romania và Slovakia.
Phương Tây đã bỏ rơi Ukraine, Kiev muốn đàm phán với Nga
Trong một bài phát biểu ngày 25-2, ông Zelensky nói rằng ông sẵn sàng bàn về quy chế trung lập của Ukraine nhưng nhấn mạnh Ukraine cần sự bảo đảm của bên thứ ba.
Tổng thống Ukraine nói: "Chúng tôi không sợ Nga, chúng tôi không ngại đối thoại với Nga, bàn về mọi thứ, về việc đảm bảo an ninh cho đất nước chúng tôi và về tính trung lập. Tuy nhiên, hiện tại chúng tôi không thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), vậy chúng tôi sẽ có những đảm bảo an ninh nào? Những quốc gia nào sẽ đàm bảo điều đó?”.
Trước đó, cũng trong cùng ngày, Thư ký báo chí Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov cho biết Moscow sẵn sàng đàm phán với Kiev, trong đó có hai điều kiện tiên quyết để kết thúc chiến dịch quân sự hiện tại của Nga ở Ukraine. Đó là Ukraine phải đảm bảo về tình trạng trung lập và cam kết không triển khai vũ khí trên lãnh thổ của mình.
Ngoài ra, Tổng thống Ukraine còn bày tỏ thất vọng vì đã bị đồng minh phương Tây bỏ rơi trong cuộc chiến với Nga.
Ông nói rằng mình đã hỏi 27 nhà lãnh đạo của châu Âu rằng liệu Ukraine có được gia nhập NATO hay không nhưng không ai trả lời.
Ông Zelensky nói: "Chúng tôi đã bị bỏ lại một mình. Có ai sẵn sàng ra trận vì chúng tôi? Thành thật mà nói, tôi không thấy ai cả. Ai sẵn sàng cung cấp cho Ukraine sự đảm bảo về tư cách thành viên NATO? Thành thật mà nói, mọi người đều sợ hãi".