Nếu là người đã đọc, đặc biệt người là hâm mộ và tuân theo phương pháp ăn uống Shinya của BS Hiromi Shinya - được chia sẻ trong cuốn sách nổi tiếng "Nhân tố enzyme" 2 tập của ông – độc giả hẳn sẽ không ngạc nhiên với các thông tin cho rằng: sữa bò, muối tinh, đường trắng, trà xanh, dầu ăn… là các loại thức ăn có hại cho cơ thể.
Ví dụ với sữa bò, BS Shinya đưa ra nhiều bằng chứng để chứng tỏ đây là loại thực phẩm có hại. Thứ nhất ông cho rằng trong sữa bò có nhiều casein, đây là loại protein khó tiêu vì kết tủa trong dạ dày. Với quan điểm này, ThS Vũ Thế Thành cho biết, casein cũng như whey là 2 loại protein có nhiều trong sữa mẹ, với tỷ lệ thay đổi theo thời gian tùy theo nhu cầu của em bé. Cả whey và protein trong sữa đều được xem là protein khá lý tưởng, có đầy đủ các axit amin thiết yếu mà con người không thể tổng hợp được. Chúng cần thiết cho sự tăng trưởng và sửa chữa tế bào; chưa kể các dưỡng chất khác như khoáng, vitamin có trong sữa. Vì vậy không thể vì tính "khó tiêu"- nói chính xác là chậm tiêu - mà phủ nhận dinh dưỡng của sữa bò.
Thứ hai BS Shinya cho rằng sữa bò bị "gỉ" vì có lipid peroxide độc hại cho cơ thể, do các chất béo trong sữa bị oxid hóa quá mức trong quá trình đồng hóa cộng xử lý nhiệt (để chất béo và không béo trong sữa không bị tách nhau ra, cũng như để triệt khuẩn). Với quan điểm này, ThS Vũ Thế Thành phản biện: BS Shinya không chỉ ra mức phát sinh lipid peroxide trong sữa là bao nhiêu, có đủ để gây hại cho sức khỏe con người hay không? Thực tế, nghiên cứu khoa học cho biết hàm lượng chất béo trong sữa bò là khoảng 3,5% trong đó đa số là chất béo bão hòa, khó bị oxid hóa. Việc chiên xào đồ ăn còn tạo ra lipid peroxide nhiều hơn so với lượng chất này trong sữa. Vì vậy không thể lên án sữa một cách bất công như thế.
Thứ ba, sữa ngoài thị trường không còn chứa "các thành phần có lợi" như các enzyme phân giải dưỡng chất trong sữa, do các enzyme này đã mất trong quá trình chế biến sữa. Về quan điểm này, ThS Vũ Thế Thành cho biết, thực tế việc tiêu hóa sữa không phụ thuộc vào các enzyme có trong sữa, mà do các enzyme có trong hệ tiêu hóa của người. Và enzyme trong sữa dù có bị phá hủy cũng không phải là lý do chính đáng để loại bỏ sữa ra khỏi danh mục thực phẩm của con người.
Thứ tư, theo BS Shinya, uống sữa hoặc ăn các sản phẩm từ sữa làm tăng khả năng dị ứng. Kết luận này được rút ra từ các quan sát lâm sàng của ông, nhưng ông không đưa ra số liệu cụ thể. Với quan điểm này, ThS Vũ Thế Thành cho biết, dị ứng là phản ứng của hệ miễn nhiễm với protein lạ xâm nhập vào cơ thể qua ăn uống hay hít thở. Sữa bò, trứng gà, cá, tôm, đậu nành, đậu phộng… có protein, nên cũng có thể gây dị ứng với một số người nào đó. Còn vì sao cùng một loại thực phẩm mà người này bị dị ứng, người khác lại không bị, thì cho cho đến nay khoa học chưa giải thích được. Ông Thành cho rằng nói sữa tăng khả năng dị ứng mới chỉ là giả thuyết riêng của BS Shinya, không nến biến giả thuyết thành hiện thực khi chưa có đủ bằng chứng khoa học.
Thứ năm, BS Shinya cho rằng uống sữa bò không chống được loãng xương, thậm chí còn là nguyên nhân gây ra loãng xương. Với quan điểm này, ThS Vũ Thế Thành đồng ý với BS Shinya nửa thông tin đầu tiên; nhưng ông không đồng ý với quan điểm cho rằng: sữa bò là nguyên nhân gây ra loãng xương. Ông cho biết quan điểm này của BS Shinya được lấy từ kết quả nghiên cứu của Đại học Uppsala Thụy Điển. Tuy nhiên, đây chỉ là nghiên cứu dạng quan sát, độ tin cậy có giới hạn, và bị khá nhiều chỉ trích vì không đủ bằng chứng thuyết phục.
Tương tự như vậy, với các bằng chứng khoa học xác đáng, ThS Vũ Thế Thành đã chỉ ra nhiều giả thuyết, quan điểm thiếu tính chính xác của BS Shinya: từ quan điểm về "enzyme diệu kỳ" đến việc phủ nhận nhiều loại thực phẩm để đề cao phương pháp ăn uống Shinya mang tên chính mình.
ThS Vũ Thế Thành cho biết: "Với cuốn sách "Một nửa sự thật" này, tôi muốn phản biện dưới góc nhìn sự thật khoa học về những loại thực phẩm mà BS Shinya phê phán là có hại, cần loại bỏ. Phản biện nhằm làm rõ lập luận của BS Shinya, mà chủ yếu ông dùng 50% cái đúng để biến 50% cái sai thành đúng gây ra nhiều hoang mang, thậm chí ảnh hưởng bất lợi cho sức khỏe của độc giả."
Thực tế, các giả thuyết và phương pháp ăn uống của BS Shinya được nhiều cá nhân, đơn vị kinh doanh thực phẩm chức năng tận dụng triệt để "thần thánh hóa" một số loại sản phẩm, thực phẩm chức năng, khiến người tiêu dùng bị "móc túi", trong nhiều trường hợp vì quá tin vào thực phẩm chức năng mà chậm trễ, bỏ lỡ thời điểm chữa bệnh tốt nhất cho bản thân hoặc người thân.
Ví dụ như trên thị trường, muối hồng Mimalaya được quảng cáo có thể chữa đủ thứ bệnh, nào là tiểu đường, hô hấp, giảm đau nhức, điều chỉnh đường máu, cường dương với phái nam, đẹp da cho phái nữ… Giá muối Himalaya lên đến cả trăm ngàn một kg. Trong khi thực tế, muối Himalaya chỉ là loại muối chưa được làm tinh, có dư lượng calcium, magnesium, potasium, sắt cao hơn muối tinh, muối biển và dư lượng sắt giúp tạo ra màu hồng cho muối Himalaya….
Không chỉ đề cao quá mức phương pháp ăn uống của mình về mặt dinh dưỡng, BS Shinya còn cho rằng phương pháp ăn uống của ông có thể giúp những người thực hiện theo chữa trị được nhiều căn bệnh nguy hiểm như các bệnh liên quan hệ tiêu hóa, thậm chí cả bệnh ung thư.
Bệnh viêm loét dạ dày tá tràng có liên quan chặt chẽ với sự tăng tiết acid lòng dạ dày. Sự ra đời của thuốc kháng tiết là một cuộc cách mạng trong điều trị bệnh lý này. Tuy nhiên, trong cuốn sách của mình, BS Shinya cho rằng: thuốc kháng tiết làm viêm teo niêm mạc dạ dày, gây ung thư dạ dày và rối loạn vi khuẩn đường ruột. Tác giả khuyến khích bệnh nhân không dùng thuốc và dùng chế độ ăn uống của mình để điều trị căn bệnh.
Về vấn đề này, trong chương 14 của cuốn sách, BS TS Trần Phạm Chí (bác sĩ nội khoa tiêu hóa Bệnh viện TW Huế) đưa ra nhiều bằng chứng phản biện quan điểm của BS Shinya. Ông cho biết: những loại thuốc kháng tiết đầu tiên trên thị trường có hiệu quả không cao và nhiều tác dụng phụ; nhưng càng về sau dòng thuốc này càng có hiệu quả vượt trội và có ít tác dụng phụ nghiêm trọng. Và phần lớn các nghiên cứu đều chỉ ra nếu sử dụng thuốc kháng tiết đúng chỉ định, liều lượng, thời gian quy định, thì hiệu quả điều trị sẽ được nâng cao, tác dụng phụ không đáng kể.
BS Chí cho biết, BS Shinya đưa ra một số khuyến cáo về ăn uống, sinh hoạt tích cực. Tuy nhiên trong cuốn sách "Nhân tố enzyme" vẫn có khá nhiều lập luận khác được tác giả khẳng định mà không có chứng cứ chuẩn xác. Điều này khá nguy hiểm vì phần lớn bạn đọc không rành về y khoa sẽ vội tin và thực hành theo, và nó có thể gây nên những hậu quả đáng tiếc cho sức khỏe. Thực tế, chế độ ăn chỉ là phương pháp bổ trợ bên cạnh thuốc điều trị chính thống.
Tương tự như vậy, trong chương 15 của cuốn sách "Một nửa sự thật" TS BS Phạm Nguyên Quý (bác sĩ ung thư nội khoa, Bệnh viện TW Kyoto Miniren, Nhật Bản) phản biện quan điểm chữa ung thư bằng phương pháp ăn uống của BS Shinya. Ông chỉ ra việc BS Shinya cố tình không nhắc tới vi khuẩn H. pylori khi nói tới ung thư dạ dày. Ông cũng cho biết tình trạng ung thư dạ dày tại Nhật Bản được phát hiện nhiều hơn tại Mỹ, đồng thời cũng được chữa trị tốt hơn Mỹ là do việc tầm soát được thực hiện tốt hơn, giúp phát hiện sớm và điều trị căn bệnh tốt hơn. Điều này hoàn toàn không liên quan đến ăn uống thiếu enzyme như BS Shinya kết luận.
BS Quý khẳng định: Các hiệp hội về chuyên ngành tiêu hóa lẫn ung thư không khuyến khích người dân bổ sung enzyme để phòng bệnh. Thông tin về phòng bệnh nhờ bổ sung enzyme trong sách của BS Shinya thưc sự tai hại vì chúng không chỉ làm người ta tốn kém tiền bạc vô ích, mà còn có thể làm xao nhãng việc quan trọng hơn là kiểm soát điều trị nhiễm H. polyri và cân nhắc nội soi định kỳ ở nhóm nguy cơ cao (bị ung thư dạ dày và các cơ quan tiêu hóa khác).
Về việc điều trị ung thư, BS Quý viết: "Thực tế, BS Shinya không phải là bác sĩ chuyên khoa hóa trị nên không hiểu lợi ích của hóa trị trong nhiều tình huống thực tế. Ông cũng không được cập nhật những tiến bộ hóa trị so với 20 năm trước; đồng thời quá cực đoan về tác dụng phụ của hóa trị vì xem enzyme là yếu tố độc tôn và cho rằng mọi loại hóa trị đều phá hủy enzyme… Quan điểm này sẽ làm nhiều người bệnh tự động từ chối hóa trị sau mổ, trong khi nó lại là phương thức có thể giúp ngăn ngừa tái phát tốt nhất và cải thiện thời gian sống đối với nhiều tình huống ung thư."
Có thể nói "Một nửa sự thật" là cuốn sách nên đọc với bất kỳ độc giả nào quan tâm hay đang tin tưởng thực hành theo phương pháp ăn uống Shinya được giới thiệu trong cuốn sách gồm 2 tập "Nhân tố enzyme" của BS Hiromi Shinya, để có thể tự chắt lọc kiến thức, đưa ra những quyết định sáng suốt về dinh dưỡng, lối sống; mang lại những ảnh hưởng tích cực cho sức khỏe của bản thân và gia đình.
http://tintuc.vdong.vn/02/1245485.htmViệt Hà
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị