Một chung cư tại thủ đô Kiev, Ukraine bị trúng một quả đạn pháo sáng 26-2 - Ảnh: Bộ Nội vụ Ukraine
"Cuộc xung đột sẽ kéo dài, và tất cả các cuộc khủng hoảng đi kèm sẽ để lại những hậu quả lâu dài. Chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng. Chiến tranh đã quay lại châu Âu" - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo ngày 26-2, khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine bước vào ngày thứ 3.
Đối đầu không nhượng bộ
Hôm 26-2, Hãng thông tấn Interfax của Nga dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội nước này đã chiếm được Melitopol - thành phố khoảng 150.000 dân thuộc vùng Zaporizhzhya, đông nam Ukraine.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết quân đội Nga đã sử dụng tên lửa hành trình phóng từ tàu chiến và máy bay để tấn công các mục tiêu quân sự Ukraine.
Trong khi đó, ông Myhailo Podoliak, cố vấn của tổng thống Ukraine, cho biết trong sáng 26-2, lực lượng Nga đã tìm cách chuyển tối đa thiết bị quân sự vào Kiev, song tình hình ở vùng ngoại ô thủ đô và khu vực lân cận đang được kiểm soát.
Tình hình chiến sự vẫn rất căng thẳng. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết nhiều thành phố của Ukraine đang bị tấn công, từ Chernihiv, Sumy, Kharkiv cho tới các thành phố ở miền nam Ukraine và thủ đô Kiev.
Ông nhấn mạnh: "Chúng ta không thể để mất thủ đô". Theo Hãng tin AP, một quan chức tình báo cấp cao Mỹ tiết lộ Mỹ đã đưa ra lời đề nghị giúp Tổng thống Zelensky rời khỏi đất nước, nhưng nhà lãnh đạo Ukraine đã từ chối và nói thứ ông cần là vũ khí để chống trả. "Cuộc chiến đang ở đây (Ukraine). Tôi cần đạn dược, không cần chuyến di tản" - ông Zelensky nói.
Nhà lãnh đạo Ukraine cáo buộc Nga sử dụng nhiều hệ thống tên lửa tấn công vào cả khu nhà dân, tuy nhiên Bộ Quốc phòng Nga nói họ chỉ nhắm vào hạ tầng quân sự mà không phá hủy các khu dân cư.
Ngày 25-2, người phát ngôn điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, cho biết Tổng thống Putin sẵn sàng gửi một phái đoàn cấp cao tới thủ đô Minsk của Belarus để đàm phán với phái đoàn Ukraine.
Tuy nhiên, ngày 26-2, điện Kremlin cho biết phía Ukraine đã từ chối đàm phán, buộc Nga phải tiếp tục chiến dịch quân sự. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov nói: "Sau khi phía Ukraine bác bỏ tiến trình đàm phán, hôm nay (26-2), tất cả đơn vị quân đội Nga nhận được lệnh phát triển mũi tiến công từ mọi hướng".
NATO triển khai lực lượng phản ứng nhanh
Ngày 25-2, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg thông báo liên minh này đang triển khai lực lượng phản ứng nhanh (NRF) trên bộ, trên biển và trên không để tăng cường khả năng phòng thủ và ứng phó nhanh với bất kỳ tình huống bất ngờ nào. Đây là lần đầu tiên NATO triển khai NRF (được lập năm 2003 và hiện có 40.000 quân nhân).
Ông Stoltenberg cho biết NATO đã đặt hơn 100 chiến đấu cơ đang trong tình trạng báo động cao, hoạt động ở hơn 30 vị trí khác nhau (nhưng không nêu cụ thể) và hơn 120 tàu hoạt động. Theo ông, động thái nói trên nhằm ngăn nguy cơ giao tranh tại Ukraine "tràn sang các nước đồng minh của NATO".
Cũng trong ngày 25-2, người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby cho biết quân đội Mỹ đang đồn trú tại châu Âu sẽ được bổ sung thêm 7.000 binh sĩ trong tuần này, với điểm đến cụ thể là Đức, để hỗ trợ NATO.
Trong khi đó, Pháp thông báo sẽ triển khai 500 quân nhân cùng xe bọc thép đến Romania (nước giáp Ukraine). Ngoài ra, Pháp sẽ duy trì 200 - 250 binh sĩ cùng xe bọc thép ở Estonia (quốc gia giáp Nga).
Nhiều nước viện trợ cho Ukraine
Theo Đài Sky News, tính đến ngày 26-2 đã có tổng cộng 27 nước, trong đó có Mỹ, Anh và các nước khác, đồng ý gửi vũ khí, vật tư y tế và các viện trợ quân sự khác cho Ukraine.
Mới nhất, Bộ trưởng Quốc phòng Slovakia cho biết nước này sẽ gửi đạn pháo và nhiên liệu với tổng giá trị 11 triệu euro (12,39 triệu USD) cho Ukraine và Bộ Quốc phòng Czech thông báo chính phủ của họ đã phê duyệt viện trợ vũ khí và đạn dược trị giá 8,57 triệu USD để giúp Ukraine.
Pháp cũng quyết định sẽ gửi thiết bị phòng thủ quân sự cho Ukraine, song vẫn đang cân nhắc việc gửi vũ khí tấn công cho Kiev. Trong khi đó, Hà Lan nói sẽ nhanh chóng gửi 200 tên lửa phòng không Stinger cho Ukraine.
Theo Đài CNN, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng chỉ đạo Ngoại trưởng Antony Blinken giải ngân ngay lập tức 350 triệu USD viện trợ an ninh và quân sự cho Ukraine.
ANH THƯ
198
Ngày 26-2, Bộ Y tế Ukraine công bố số thương vong của người Ukraine kể từ hôm 24-2, gồm ít nhất 198 người chết và 1.115 người bị thương (trong đó có 33 trẻ em).
Nguồn: Reuters - Dữ liệu: BẢO ANH - Đồ họa: N.KH
Diễn biến xung đột Nga - Ukraine
Thủ đô Kiev bị tên lửa Nga tấn công ngày 25-2, các gia đình trốn trong nơi trú ẩn. Tổng thống Zelensky tuyên bố bám trụ và bảo vệ Kiev.
Lực lượng Nga kiểm soát Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl hôm 24-2. Đến 25-2, Cơ quan hạt nhân và Bộ Nội vụ Ukraine cho biết họ đang đo được mức phóng xạ tăng lên tại địa điểm này.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết đã có giao tranh dữ dội tại lối vào các TP Chernihiv và Melitopol ở phía đông Ukraine.
Phía Ukraine nói nhiều lính biên phòng của họ thiệt mạng trên đảo Rắn ở biển Đen khi giao tranh với quân Nga. Phía Nga nói những người này (82 người) thực chất chỉ bị bắt làm tù binh.
Hàng ngàn người Ukraine tìm cách lánh nạn đã đến các nước láng giềng ở Trung Âu hôm 24-2. Ở miền nam Ba Lan, hàng chục người đi bộ đến và dòng xe chờ qua lại ngày càng đông.
TTO - "Sau khi phía Ukraine bác bỏ tiến trình đàm phán, hôm nay (26-2), tất cả đơn vị quân đội Nga (ở Ukraine) đã nhận được lệnh phát triển mũi tiến công từ mọi hướng, phù hợp với kế hoạch của chiến dịch".
Xem thêm: mth.25915857072202202-gnor-nal-eniarku-o-hnart-oaig/nv.ertiout