Cổ phiếu ngành chứng khoán từ tháng 4.2020 đến hết quý III/2021 thường giữ vị trí “radar dẫn sóng”, nhiều lần từng đóng vai trò phát động cho một đợt tăng điểm của chỉ số VN-Index.
Mức giá giảm mạnh
Công ty chứng khoán Ngân hàng Đông Á từng có nhận định rằng, cổ phiếu chứng khoán thường hay báo hiệu cho một đợt tăng điểm mới của VN-Index trên thị trường. Cụ thể, trước mỗi đợt tăng điểm, nhóm cổ phiếu chứng khoán thường tăng trước, sau đó có thể luân phiên đến các nhóm ngành khác như ngân hàng, thép, bất động sản, bán lẻ hay các cổ phiếu vốn hóa lớn…
Vị thế “radar dẫn sóng” dù không còn được đậm nét trong qúy III/2021 nhưng nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn tiếp tục thu hút dòng tiền nhờ vào kết quả kinh doanh khả quan, lợi nhuận thuộc tốp đầu thị trường khi thanh khoản liên tục tăng mạnh và lượng tài khoản chứng khoán mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước cũng liên tục đạt đến các ngưỡng cao mới.
Tuy nhiên từ khoảng nửa cuối tháng 11.2021 trở lại đây, nhóm chứng khoán dần bộc lộ các dấu hiệu sa sút. Cho dù mức lợi nhuận của ngành vẫn khả quan và thuộc tốp cao trong số các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường, nhưng qua từng phiên và từng tuần giao dịch, mức giá của nhóm ngành này lần lượt giảm và phá vỡ hết đáy này tới đáy khác.
Đơn cử mã SSI, một trong những “anh cả đỏ” của nhóm ngành, tính từ phiên giao dịch ngày 30.11.2021 đến hết phiên giao dịch ngày 25.2.2022, đã giảm giá 10.200 đồng, tương ứng mức giảm hơn 18%.
Một mã khác là VCI, chạm ngưỡng giá 80.600 đồng vào ngày 25.11.2021, kết phiên ngày 25.2.2022 mức giá còn 62.300 đồng, tương ứng mức giảm gần 23%.
Hay như SHS, mức giá lúc đóng cửa phiên giao dịch ngày 25.11.2021 là 55.500 đồng, kết phiên ngày 25.2.2022 còn 44.000 đồng, giảm tổng cộng 11.500 đồng, tương ứng mức giảm gần 21%.
Không còn vị thế “radar dẫn sóng”?
Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân thuộc Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, nhóm ngành chứng khoán thời gian qua có nhiều công ty đã tăng vốn và một số công ty đang có kế hoạch tiếp tục tăng vốn cho tới khoảng giữa năm 2022, rủi ro pha loãng về lợi nhuận có thể làm giảm kỳ vọng của giới đầu tư, từ đó ảnh hưởng đến tính hấp dẫn của nhóm cổ phiếu này trên thị trường.
Trên thực tế, phần lớn dòng tiền đã rời khỏi nhóm chứng khoán trong khoảng 3 tháng qua cũng trùng với giai đoạn thị trường liên tục biến động khó lường. Cho dù nhóm ngành này đã điều chỉnh giá trên dưới 20% so với mức đỉnh, song mức độ hấp dẫn dòng tiền quay trở lại cũng chưa thể phục hồi như thời điểm 3 tháng về trước.
Không chỉ cho thấy không còn giữ được vị thế “radar dẫn sóng”, nhóm ngành chứng khoán còn trở thành một trong những ngành dễ bị tổn thương nhất trước các tin đồn, thông tin thiếu kiểm chứng, các dự báo và cả thông tin thị trường thế giới cũng như các biến động địa chính trị quốc tế. Điều này đã được thể hiện rất rõ trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong khoảng 3 tháng trở lại đây.
Chính vì thế, nhiều nhà đầu tư nắm giữ các mã ngành chứng khoán ở mức giá đỉnh vào tháng 10-11.2021 tới nay vẫn chưa thể “về bờ” (hòa vốn).
Thêm nữa, thị trường chứng khoán trong quý I/2022 khó khăn hơn vì thế khó có thể kỳ vọng các công ty chứng khoán đạt được lợi nhuận như quý III và quý IV/2021. Chưa kể, một số công ty có bộ phận tự doanh có thể đã bị lỗ trong quý I/2022.
Xem thêm: odl.0228101-gnos-nad-radar-eht-iv-id-tam-naohk-gnuhc-hnagn-ueihp-oc-gnaht-3/et-hnik/nv.gnodoal