Hãng tin CNBC thông tin sáng nay (28-2), đồng Rúp Nga đã mất đến 30% giá trị so với đồng USD, tạo ra cơn hỗn loạn khi người Nga đến ngân hàng rút tiền đổi sang USD hay mua hàng hóa do lo ngại đồng tiền nội tệ sụp đổ.
Theo Tổng cục Hải Quan, hiện đồng tiền Việt Nam đang tăng giá so với đồng Rúp Nga. Theo đó, ngày 21-2, 1 Rúp Nga đổi được 300,31 tiền đồng thì đến hôm nay 1 Rúp Nga chỉ đổi được 280,5 Việt Nam đồng.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nga trong năm 2021 đạt 7,14 tỉ USD, tăng 25,9% so với năm 2020, đứng thứ 21 trong số các đối tác thương mại chính của Liên bang Nga. Việt Nam xuất siêu sang Nga 2,65 tỉ USD trong năm 2021.
Các chuyên gia đánh giá, với việc đồng tiền Nga sụp đổ về giá trị, hàng hóa nhập khẩu từ Nga sẽ rẻ hơn nên có khả năng tràn vào Việt Nam nhiều hơn trong khi xuất khẩu hàng hóa Việt sang Nga sẽ khó khăn do giá đắt.
Ngoài ra, lệnh trừng phạt của các nước phương Tây và Mỹ với Nga cũng sẽ khiến Việt Nam khó thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư một cách sâu rộng hơn.
Tuy vậy, trong báo cáo vừa mới phát hành, Công ty chứng khoán BSC đánh giá căng thẳng địa chính trị tại Nga và Ukraine cũng có thể đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho Việt Nam.
Nga đang xếp thứ 2 về xuất khẩu thép vào EU (sau Thổ Nhĩ Kỳ). Tỉ trọng khoảng 14,1% đối với thép dẹt và 19% đối với thép dài. Tỉ trọng xuất khẩu vào EU của một số bên liên quan gồm Ukraine 8% thép dẹt và 7,4% thép dài; Belarus 14,4% thép dài; Trung Quốc 5,7% thép dẹt và 5,8% thép dài.
Nếu lượng xuất khẩu này bị cắt giảm do cấm vận thì sẽ tạo cơ hội cho các nhà xuất khẩu khác vào thị trường này, đặc biệt với nhóm tôn mạ hiện đang xuất nhiều sang thị trường này như Nam Kim và Hoa Sen.
Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị tại Nga giúp thúc đẩy dòng vốn FDI vào Việt Nam do nhiều nhà đầu tư sẽ đẩy nhanh hơn quá trình chuyển dịch, tìm đến nơi an toàn và Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến tốt.