Hết thời tiền rẻ
Trước đây, trong giai đoạn tiền rẻ, doanh nghiệp thua lỗ nhưng có khách hàng và chiếm thị phần, hay hứa hẹn tăng trưởng lợi nhuận cùng mô hình kinh doanh bền vững, là có thể được nhà đầu tư rót thêm vốn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện lãi suất tăng, các nhà đầu tư đã thận trọng hơn trong quyết định, họ có ý thức về lợi nhuận là điều bắt buộc và sẽ không thực hiện tài trợ cho các doanh nghiệp thua lỗ. Điều này khiến các doanh nghiệp này phải tự tạo dòng tiền cho hoạt động kinh doanh thay vì nhờ dòng vốn bên ngoài như trước đây.
Tại Việt Nam, tình cảnh tương tự cũng đang diễn ra. Các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm bất động sản, nhà phát triển bất động sản đang vật lộn để mua lại các trái phiếu trước hạn và gặp khó khăn khi phát hành mới, sau vụ việc xảy ra tại Vạn Thịnh Phát. Trên thị trường, một số công ty bất động sản khác cũng đưa ra thông tin về việc tái cấu trúc hoạt động và điều chỉnh hoạt động sử dụng vốn.
Dường như, bom nợ trái phiếu doanh nghiệp phát nổ là sự chấn động nhất của thị trường tài chính Việt Nam trong năm 2022, đã ảnh hưởng không nhỏ tới dòng tiền khiến nhiều doanh nghiệp ngày một “khát” tiền mặt.
Ở thị trường cổ phiếu cũng không nằm ngoài xu hướng khó khăn chung. Trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 6/2020, khi tiền rẻ tràn ngập thị trường, ban lãnh đạo và doanh nghiệp đã ồ ạt mua vào để đỡ giá cổ phiếu, đồng thời giúp chỉ số chung và thanh khoản thị trường tăng tốc mạnh mẽ.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2022 đến giữa tháng 11/2022, khi thị trường chứng kiến đà lao dốc, thì hiện tượng doanh nghiệp và ban lãnh đạo doanh nghiệp đăng ký mua vào cổ phiếu cũng rất hiếm, một số lãnh đạo chỉ đăng ký nhưng không mua hoặc mua với một tỷ lệ tương đối nhỏ giọt.
Thống kê trên sàn HOSE, giai đoạn cuối năm 2021, thanh khoản thị trường khớp lệnh mỗi phiên lên tới hơn 1 tỷ cổ phiếu, nhưng trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023, con số này chỉ còn khoảng 710 triệu cổ phiếu, tương ứng giảm gần 30%.
Xu hướng sụt giảm thanh khoản trong được dự báo sẽ còn tiếp diễn trong một thời gian dài sắp tới khi thị trường không có yếu tố đột phá tích cực, đặc biệt là trước bối cảnh dòng tiền đang gặp khó.
Lợi thế quỹ tiền mặt
Khi nhiều doanh nghiệp gặp khó, nhà đầu tư lại hướng về những “đại gia” tiền mặt trên sàn. Trong đó, tính tới ngày 30/9/2022, tổng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngắn hạn của 13 doanh nghiệp lớn nhất ngoài nhóm ngân hàng trên thị trường chứng khoán đang nắm giữ lên tới 310.886 tỷ đồng, tương đương khoảng 13,3 tỷ USD, tăng thêm hơn 23.400 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Top 13 doanh nghiệp sở hữu tiền mặt lớn trên sàn. |
Dẫn đầu danh sách này là Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG), đơn vị này đang sở hữu 38.911 tỷ đồng, chiếm 21,2% tổng tài sản.
Tiếp theo là PV Gas (mã GAS) đã tăng thêm 5.900 tỷ đồng tiền mặt so với đầu năm, lên 36.000 tỷ đồng, chiếm 42,2% tổng tài sản.
PV Gas là một đơn vị chi phối trên thị trường khí với việc cung cấp khí khô, khí dầu mở hoá lỏng (LPG), khí thiên nhiên nén (CNG), khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG)… Với lợi thế gần như độc quyền trên thị trường, PV Gas liên tục tạo tiền từ hoạt động kinh doanh, lượng tiền này giúp Công ty gia tăng tiền mặt liên tục. Trong đó, riêng 9 tháng đầu năm 2022, Công ty tiếp tục tạo ra thêm 10.945,8 tỷ đồng tiền từ hoạt động kinh doanh so với cùng kỳ chỉ tạo ra 5.950,6 tỷ đồng.
Những tên tuổi lớn khác như CTCP Lọc hoá Dầu Bình Sơn (mã BSR) sở hữu lượng tiền mặt là 26.524 tỷ đồng, chiếm 35,7% tổng tài sản; Sabeco (mã SAB) có 23.464 tỷ đồng tiền mặt, chiếm 69,1% tổng tài sản; CTCP FPT (mã FPT) có 24.126 tỷ đồng tiền mặt, chiếm 43,8% tổng tài sản; Vinamilk (mã VNM) có 22.402 tỷ đồng tiền mặt, chiếm 43,8% tổng tài sản…
Với hoạt động kinh doanh ổn định, tạo dòng tiền dương và duy trì lượng tiền mặt lớn đang là lợi thế, giúp các doanh nghiệp lớn có thể thực hiện được các chiến lược thâu tóm theo chiều dọc hoặc chiều ngang đối với nhà cung cấp, đối thủ cạnh tranh đang gặp khó về dòng tiền.
Kỳ vọng làn sóng M&A khi kinh tế ổn định trở lại
Mới đây, Goldman Sachs kỳ vọng hoạt động M&A toàn cầu sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2023 bất chấp tăng trưởng kinh tế chậm lại và thị trường tín dụng suy yếu.
Các dự báo được đưa ra sau khi quy mô hoạt động M&A toàn cầu giảm 36% xuống còn 3,78 nghìn tỷ USD trong năm 2022, từ mức kỷ lục đạt được là 5,91 nghìn tỷ USD vào năm 2021, dữ liệu được tính toán bởi Dealogic.
Trong đó, động cơ chính để kỳ vọng làn sóng M&A vì nhiều tổ chức có tiềm lực tài chính, muốn giành được khách hàng mới, sản phẩm mới hoặc mở rộng khu vực địa lý.
Tại Việt Nam, theo dữ liệu của KPMG, trong 10 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị M&A đạt 5,7 tỷ USD, giảm gần 34% so với cùng kỳ, cùng xu hướng suy giảm hoạt động M&A toàn cầu. Trong đó, đã có các giao dịch M&A thực hiện bởi các doanh nghiệp Việt Nam và Việt Nam và xu hướng này được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng lên.
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Hội đồng quản trị Dragon Capital đánh giá: “Những giao dịch giữa các công ty Việt Nam với công ty Việt Nam là xu hướng tuyệt vời. Bởi vì cùng là người Việt thì hiểu nhau hơn, giao dịch sẽ dễ hơn, chi phí cho rủi ro trong các giao dịch mua bán, sáp nhập giữa Việt Nam và Việt Nam sẽ thấp hơn”.
Lịch sử cho thấy, sau mỗi giai đoạn khủng hoảng và khó khăn, hoạt động M&A sẽ có xu hướng bùng nổ cả về số thương vụ và quy mô. Với kỳ vọng kinh tế hồi phục, các thương vụ M&A sẽ sôi động trở lại từ giai đoạn cuối năm 2023.