Cuộc giải cứu trong đêm
Khoảng 22h15 ngày 28-1, Trung tâm chỉ huy 114 (Công an Đà Nẵng) nhận thông tin từ người thân của anh H. có nội dung: H. bị rơi xuống hố sâu ở bãi Sủng Cỏ (đèo Hải Vân) khi đi phượt một mình từ 4 ngày trước. Sau khi gặp nạn, H. bị thương nhiều chỗ, bất tỉnh... Đến tối 28-1, H. tỉnh lại và gọi điện báo tin cho người thân. Gia đình cũng cung cấp vị trí của người bị nạn.
Ngay trong đêm mưa gió, lạnh buốt, Đội cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã xuất một xe cứu nạn, cứu hộ cùng tám cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng đến hiện trường.
Đến 1h50 ngày 29-1, lực lượng cứu nạn phát hiện một xe máy trên đường quốc phòng cách trục đường chính 5,5km.
Mở rộng phạm vi tìm kiếm theo hướng đông, đến 3h thì phát hiện nạn nhân mắc kẹt dưới ghềnh đá sát biển, cách vị trí tìm thấy xe máy của nạn nhân 4km, trong tình trạng đa chấn thương. Tổ tìm kiếm tiến hành sơ cấp cứu ban đầu...
Đại tá Lê Thọ - phó trưởng Công an quận Liên Chiểu - cho biết thêm đơn vị đã huy động các cán bộ, chiến sĩ có kinh nghiệm trong cứu nạn ở vùng núi và biển vào cuộc ngay. "Đây là một nhiệm vụ nguy hiểm vì đèo Hải Vân là khu vực hiểm trở, thời tiết mưa, gió rét và làm việc trong điều kiện ban đêm. Vì vậy, phải rất nỗ lực" - đại tá Thọ cho hay.
Khi tiếp cận được anh H. thì nạn nhân bất tỉnh, có nhiều vết thương, người tê tái lạnh… Anh em nhanh chóng sưởi ấm, đút thức ăn để anh H. phục hồi.
Tìm được nạn nhân đã khó khăn vô cùng, nay đưa người ra ngoài cũng rất nan giải. Từ đây vận chuyển anh H. theo đường rừng phải gần 10km, rất nguy hiểm.
Công an quận đã đề nghị cấp trên hỗ trợ ca nô trọng tải lớn. Ngay lập tức, ca nô của bộ đội biên phòng xuất phát tương trợ đưa nạn nhân vào bờ, bàn giao cho lực lượng y tế để điều trị.
"Chúng tôi đã cứu nạn trên đèo Hải Vân nhiều nhưng đây là một vụ khó khăn, vất vả nhất. Được nhìn thấy nụ cười của người được cứu và thân nhân, chúng tôi thật ấm lòng, càng yêu nghề hơn" - đại tá Thọ tâm sự.
Như được tái sinh
H. chia sẻ bản thân là người hay đi phượt. Và lần này anh đi từ trước Tết. Khoảng 26, 27 tháng chạp anh đã tới Đà Nẵng rồi đi Huế.
Chạy xe trên đèo Hải Vân, H. thấy đường xuống các bãi đẹp. Vì vậy, trở lại vào Đà Nẵng sau khi xem pháo hoa tối 30 Tết, ngày kế tiếp H. đã lên đèo Hải Vân khám phá.
Để xe máy trên đường, H. lội bộ xuống chừng 5km và đến khu vực bãi Sủng Cỏ. Trong lúc leo trèo, H. trượt té, bị thương ở chân, tay và lết vào một khe nhỏ rồi bất tỉnh.
Tối 28-1, H. giật mình tỉnh dậy cùng lúc điện thoại rung lên khi bạn gọi. "Rất may là trước lúc đi, em đã sạc điện thoại" - H. cho biết.
Lúc này H. đã nhờ bạn, và người thân liên hệ lực lượng cứu nạn ở Đà Nẵng cứu giúp. H. tiếp tục bất tỉnh thì nghe tiếng kêu: "H. ơi, H. ơi"… và biết là mình đã sống.
Các anh cảnh sát trùm mền giữ ấm, đút thức ăn cho H.. "Khi các anh chạm tay vào người em, cảm giác như ba mẹ em mỗi sáng nắm tay em với hơi ấm tình thương. Em như được tái sinh" - H. tâm sự.
H. cũng chia sẻ thêm ngoài sự biết ơn lực lượng cứu nạn, anh cũng gửi lời xin lỗi đến họ. Vì chuyến đi của H. đã khiến các anh phải cực khổ, đối diện hiểm nguy. Đây cũng là một bài học kinh nghiệm sâu sắc đối với H. cũng như những người yêu thích đi phượt.
"Không biết phải nói bao nhiêu lời cảm ơn, em nợ các anh nhiều lắm" - H. xúc động nói.
Ngày 31-1, H. cùng gia đình đã đến gặp mặt, tri ân tổ công tác của Đội cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an quận Liên Chiểu). H. xúc động ngân ngấn nước mắt ôm chầm những ân nhân đã cứu mạng mình.
H. cho biết ngày 1-2 sẽ về lại TP.HCM.
Sáng 29-1, lực lượng biên phòng và công an của thành phố Đà Nẵng đã ứng cứu, đưa du khách B.L.X.H. (trú TP.HCM) bị rơi xuống vực khi đi phượt ở đèo Hải Vân vào đến bờ và bàn giao cho y tế.