Cơ quan điều tra thực hiện các quyết định tố tụng đối với bị can Phùng Mạnh Duẩn
Trước đó, thông qua các biện pháp nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh Phú Thọ) phát hiện trong thời gian từ năm 2021 đến năm 2022, Phùng Mạnh Duẩn đã nhận số tiền 198 triệu đồng của 4 cá nhân trên địa bàn tỉnh để làm thủ tục cải tạo xe cơ giới trái quy định.
Cụ thể, Duẩn đã liên hệ với Lê Đức Thiện - Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ thiết kế kỹ thuật ô tô Đức Thịnh (địa chỉ, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) để hợp thức hồ sơ đề nghị nghiệm thu xe cơ giới cải tạo đối với 18 xe ô tô.
Sau đó Duẩn đã cấp giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo cho 18 xe ô tô trái quy định và hưởng lợi số tiền hơn 150 triệu đồng.
Hiện vụ việc đang được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ tiếp tục mở rộng điều tra.
Liên quan đến sai phạm, tiêu cực tại các trung tâm đăng kiểm, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, thời gian qua Công an các tỉnh thành đã đồng loạt mở rộng điều tra và khởi tố hàng loạt bị can.
Riêng tại TP.HCM, cơ quan công an đã khám xét 13 trung tâm đăng kiểm, khởi tố 6 vụ án, bắt tạm giam hơn 80 bị can về các tội Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ và Giả mạo trong công tác.
Trong số các bị can có ông Đặng Việt Hà, Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam và ông Trần Kỳ Hình, nguyên Cục trưởng Đăng kiểm Việt Nam bị bắt về tội Nhận hối lộ.
Tại Hà Nội, tại buổi họp báo ngày 14/1, Đại tá Chu An Thanh, Trưởng phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an thành phố Hà Nội cho biết từ ngày 8/1 đến ngày 13/1, cơ quan điều tra đã phát hiện 9 vụ việc sai phạm tại 10 trung tâm đăng kiểm, đã khởi tố 4 vụ với 18 bị can để điều tra về tội nhận hối lộ.
Trong số đó, 3 bị can là Giám đốc trung tâm, 1 bị can là Phó Giám đốc trung tâm, 14 bị can là đăng kiểm viên.
Đối với 5 vụ còn lại, Công an thành phố Hà Nội đã tạm giữ 57 đối tượng là các Giám đốc, Phó giám đốc, đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ. Số tiền thu lời bất chính xác định bước đầu khoảng 18,262 tỷ đồng.