Tầm nhìn xanh trên mảnh đất của những giếng dầu
Kinh tế xanh đã là chủ đề được nhắc đến thường xuyên trong các thập niên gần đây. Thuật ngữ này bao gồm rất nhiều lĩnh vực, từ sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, nông nghiệp xanh, hay là năng lượng xanh... Cuộc khủng hoảng năng lượng trong năm 2022 đang thúc đẩy tiến trình chuyển đổi này mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Thậm chí nó còn là một cuộc chạy đua giữa các quốc gia với nhau nữa.
Ví dụ như tại Trung Đông, hàng trăm tỷ USD đã được đổ vào nền kinh tế để tránh sự phụ thuộc quá mức vào năng lượng hóa thạch và đem lại các cơ hội phát triển mới cho các quốc gia Vùng Vịnh. Nhờ nguồn tài chính khổng lồ mà các nước Trung Đông có thể hiện thực hóa những dự án năng lượng xanh tham vọng nhất.
Đi xe điện và sử dụng năng lượng mặt trời tại những mảnh đất vẫn được xem như là giếng dầu của thế giới ở Vùng Vịnh không còn là thực tế gì quá xa với mà thực sự đang trở thành một xu thế.
Nơi đặt nhà máy sản xuất năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, tọa lạc tại Dubai (Các Tiểu Vương Quốc Arab Thống nhất). Các quốc gia Vùng Vịnh vẫn được biết đến là thịnh vượng nhờ dầu mỏ nhưng tại chính nơi đây lại đang xem năng lượng xanh mới là hướng đi cho sự thịnh vượng thực sự cho mình.
Với diện tích 77km2, công viên năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới đảm nhận sứ mệnh thực hiện tầm nhìn của Dubai. Đến năm 2050, năng lượng sạch sẽ có thể đáp ứng 100% nhu cầu của các hộ gia đình.
Tiến sỹ Ghanim Salah Qassim - Chuyên gia Điện mặt trời, Cơ quản Quản lý điện nước Dubai cho biết: "Hiện chúng tôi đang nắm giữ vài kỷ lục thế giới với dự án của mình. Đó là mức chi phí thấp nhất để sản xuất điện mặt trời trong suốt 5 năm qua. Đó còn là một toà tháp dự trữ điện mặt trời lớn nhất giới. Với toà tháp này, chúng tôi có thể lưu trữ điện mặt trời tới 15 tiếng, có nghĩa là điện mặt trời nay có thể được cung cấp cho các hộ gia đình suốt ngày đêm.
Toà tháp dự trữ điện mặt trời lớn nhất giới.
Dubai thuộc các Tiểu Vương quốc Arab thống nhất - 1 trong 5 quốc gia có trữ lượng dầu lớn nhất trong OPEC. Chuyển đối xanh với nơi đây không đến từ nhu cầu để giải cơn khát năng lượng như nhiều mảnh đất khác đang đối mặt. Nhưng nó đến từ tầm nhìn, làm sao để mở cánh cửa tiếp nhận được năng lượng vô hạn của mẹ thiên nhiên.
Tiến sỹ Aaesha Abduhlla Alnuaimi - Trung tâm Đổi mới sáng tạo, Cơ quản Quản lý điện nước Dubai cho hay: "Chúng tôi thúc đẩy những nguồn năng lượng mới thông qua chia sẻ nghiên cứu, tăng cường năng lực và không ngừng đầu tư cho giải pháp công nghệ mới. Đối với chúng tôi công cuộc chuyển đổi năng lượng này là sự đóng góp đảm bảo vị thế cho thế hệ tương lai".
Các quốc gia Vùng Vịnh thời gian qua bội thu nhờ giá dầu cao. Sự bội thu ấy nay được chuyển đổi thành những hạ tầng xanh và cả cơ hội để khai phá những nguồn năng lượng mới.
Tại Vùng Vịnh có một câu nói đang được xem như kim chỉ nam cho chính sách năng lượng của nhiều quốc gia khu vực này đó là nguồn năng lượng của tương lai không phải là dầu mỏ, hay khí đốt, hay các nguồn năng lượng tái tạo… mà nguồn năng lượng của tương lai là dầu mỏ và khí đốt và các nguồn năng lượng tái tạo. Có nghĩa là an ninh năng lượng chỉ có thể thực sự đạt được khi tất cả các nguồn năng lượng đều được quan tâm một cách đúng đắn.
Xây dựng nên những trung tâm năng lượng xanh ngay trên những giếng dầu đang được xem như là con đường để nhiều quốc gia khu vực này tạo dựng vị thế là cường quốc năng lượng của tương lai.
Mỹ xây dựng sàn giao dịch tín chỉ carbon
Mặc dù vẫn rất thực tế với câu chuỵên năng lượng khi cho rằng năng lượng hóa thạch sẽ đóng vai trò lớn trong nền kinh tế nhiều năm nữa, tuy nhiên chính phủ lẫn các công ty Mỹ đã có rất nhiều nỗ lực để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi xanh, trong đó có việc hình thành các sàn giao dịch tín chỉ carbon.
Ở Mỹ có California là đã hoàn thiện chương trình mua - bán tín chỉ carbon chính thức. Ở cấp độ khu vực, New York cùng 11 bang khác ở bờ Đông đang cùng tham gia Sáng kiến Khí nhà kính Khu vực (RGGI).
Sáng kiến RGGI ra đời năm 2008 với quy mô chỉ hướng giảm khí thai tại các nhà máy điện. Quy định mỗi nhà máy điện trong khu vực (tuỳ vào quy mô) sẽ được cấp 1 đơn vị tín chỉ khí thải nhất định trong một thời gian nhất định. Nếu vượt quá, họ phải đấu giá để mua thêm tín chỉ.
Kết quả sau 15 năm, chương trình đã giảm được 50% lượng khí thải trong khu vực. Số tiền thu về từ việc đấu giá khoảng 6 tỷ USD.
Thị trường mua bán tín chỉ hoàn thiện ra đời năm 2013 của riêng bang California và bao quát tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế từ nhà máy điện, sản xuất tới khai thác và lọc dầu.
Các công ty được đưa ra mức tín chỉ khí thải nhất định. Mỗi năm sẽ càng thấp đi. Họ có thể trao đổi, mua bán hay chuyển đổi công nghệ tại sàn giao dịch tín chỉ.
Năm 2022, một đơn vị tín chỉ (một tấn khí thải) đã được bán ở mức 30,73USD. Sau 10 năm, thị trường tín chỉ carbon của bang có giá trị 19 tỷ USD.
Các công ty thuộc các bang khác ở Mỹ khi muốn tham gia vào sân chơi mua - bán tín chỉ carbon họ có thể chọn một trong các sàn giao dịch quốc tế như Sàn Giao dịch tín chỉ carbon quốc tế Xpansiv CBL, tại TP New York. Các sàn như thế này không chỉ giúp các công ty mua - bán tín chỉ mà còn hỗ trợ chuyển đổi các công nghệ mới, xanh hơn.
Nằm ở ngoại ô thành phố Denver, bang Colorado, Civitas là doanh nghiệp khai thác dầu đầu tiên trong vùng chuyển đổi sang công nghệ xanh. Thay vì dùng dầu diesel để vận hành các giàn khoan, họ dùng điện. Nhờ vậy mà "tiết kiệm" được lượng khí thải từ 20 - 25% mỗi năm. Số còn lại vẫn phải mua trên thị trường tín chỉ carbon.
"Hãy tưởng tượng sẽ có rất nhiều khí thải phát ra từ các cỗ máy này nếu chúng tôi vận hành theo cách cũ. Nó thải 24/7 và suốt 365 ngày. Thậm chí, mỗi ngày cần tới 31.000 lít dầu để vận hành, nhưng các kho ở đây không đủ. Các xe tải phải chở dầu đến, nên lại thêm phần khí thải từ xe. Khi chạy bằng điện, vừa tiết kiệm được khí thải vừa đỡ được phần ô nhiễm tiếng ồn", ông Matt Owens - CEO của Công ty Khai thác dầu Civitas, Mỹ nói.
Thị trường tín chỉ carbon toàn cầu được dự đoán sẽ đạt 2,4 nghìn tỷ USD vào năm 2027. Trong đó, thị trường Bắc Mỹ gồm Mỹ và Canada sẽ tiếp tục đứng thứ 2 sau châu Âu.
Châu Âu tăng tốc công nghệ Hydro hóa lỏng
Xây dựng công viên năng lượng mặt trời hay sàn giao dịch tín chỉ carbon đều là các hành động rất thực tế, nhưng nhiều người đã nghĩ về các nguồn năng lượng mới cho thế giới ngay từ bây giờ. Điển hình như châu Âu, dường như khu vực này đã có lựa chọn cho riêng mình đó là một nền kinh tế dựa trên khí hydro hóa lỏng, một dạng năng lượng tuy chưa phổ biến, nhưng đang được đầu tư phát triển mạnh mẽ.
Chính sách năng lượng châu Âu đang tiếp sức cho một dự án công nghệ của tương lai, khởi động từ 10 năm nay nhưng ít được nói đến - tàu hoả chạy bằng khí hydro hoá lỏng. Ít được nói tới, vì chi phí dùng hydro quá cao so với tàu hoả chạy điện.
Tuy nhiên, chiến sự nổ ra khí đốt trở thành yếu tố chính trị - nước Nga doạ không bán, châu Âu doạ không mua, các nước châu Âu vật lộn tìm nguồn năng lượng mới thay thế. Hydro nổi lên như một giải pháp lý tưởng, không lệ thuộc nhập khẩu, không tạo ra khí thải có thể dùng cho mọi loại động cơ, kể cả động cơ máy bay.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết: "Một dạng công nghệ mới đang hình thành. Công nghệ đó không chỉ tốt cho khí hậu - môi trường và cho sự thịnh vượng của đất nước chúng ta với tư cách là một quốc gia công nghiệp, mà còn cải thiện chính sách năng lượng độc lập tự chủ của chúng ta".
Hãng Airbus có dự án 3 mẫu máy bay dùng nhiên liệu hydro hoá lỏng, dự kiến chuyến bay đầu tiên vào năm 2035.
Thử nghiệm tàu hoả chạy hydro do Pháp nghiên cứu nhưng chạy thử tại Đức cho thấy ưu điểm của động cơ hydro đó là động cơ chạy êm, chỉ thải ra hơi nước. Hãng Airbus cũng có dự án 3 mẫu máy bay dùng nhiên liệu hydro hoá lỏng, dự kiến chuyến bay đầu tiên vào năm 2035.
Nhược điểm của hydro vẫn là cồng kềnh và đắt đỏ. Mọi nỗ lực đang tập trung giảm chi phí điện phân nước thành hydro và thu nhỏ thùng nhiên liệu quá lớn do luôn phải giữ lạnh âm 253 độ C.
"Hydro hoá lỏng sẽ được bơm vào thùng nhiên liệu của máy bay, có nghĩa là chúng tôi sẽ phải chế tạo cho được thiết bị chứa nhiên liệu, hệ thống bơm hydro siêu lạnh, phải chế tạo được đường ống và vòng đệm chịu được siêu lạnh, rất nhiều chi tiết", ông Michel Brioude - Giám đốc Kỹ thuật động cơ máy bay Safran (Pháp) nói.
Song song là một cuộc chạy đua xây dựng hạ tầng lưu giữ, phân phối, vận chuyển, an toàn cháy nổ, sử dụng hydro hoá lỏng trong mọi ngành vận tải và công nghiệp, kể cả trong lò cao luyện thép.
Cho đến lúc này, công nghệ hydro hoá lỏng vẫn chưa hoàn thiện, tuy đã bắt đầu được dùng cho xe hơi dân dụng. Còn vô số thách thức, trong đó mấu chốt là tăng quy mô sản xuất hydro nhờ sức gió, ánh nắng, thuỷ triều và nguyên tử - những nguồn năng lượng sạch mà Liên minh châu Âu có thể chủ động hoàn toàn. Hydro được kỳ vọng sẽ giúp Liên minh châu Âu đi đầu trên con đường tìm tòi, phát triển các dạng năng lượng xanh cho tương lai.
Đầu tư vào năng lượng xanh, năng lượng tái tạo đang là xu thế trên toàn cầu và việc xuất phát sớm luôn mang lại các ưu thế nhất định. Theo dự báo, trong năm 2023, dòng vốn sẽ tiếp tục được đổ vào các dạng năng lượng tái tạo để đẩy nhanh quá trình thay thế năng lượng hóa thạch truyền thống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.45214815040203202-hnax-et-hnik-aud-couc-gnort-cot-gnat-aig-couq-cac/et-hnik/nv.vtv