Hàng loạt giải pháp đã và đang được các cơ quan quản lý nhà nước triển khai để thị trường chứng khoán Việt phát triển thực chất, bền vững và tăng thanh khoản.
Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM vừa tổ chức lễ đánh cồng khai trương giao dịch chứng khoán đầu xuân 2023 với nhiều kỳ vọng khởi sắc. Ảnh: PM |
Nâng chất thị trường
Theo bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, động thái của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật của thị trường được coi là một trong những điểm nhấn quan trọng của năm 2022. Theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phối hợp với cơ quan điều tra để xử lý các vụ việc lớn dưới hình thức hình sự như vụ lừa đảo ở Công ty ASA, hay vụ FLC và Louis.
Cũng trong năm ngoái, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã kiểm tra và xử lý vi phạm 495 trường hợp tổ chức, cá nhân có những hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán. Trong đó, đặc biệt đã xử lý năm vụ việc liên quan đến thao túng giá trên thị trường chứng khoán. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn áp dụng các biện pháp xử lý hình phạt bổ sung và các chế tài nặng với các hành vi vi phạm trên thị trường, tổng số tiền phạt lên đến 39 tỉ đồng.
“Những động thái này cũng có tác động tâm lý của nhà đầu tư, thậm chí làm cho thị trường bị tác động khá mạnh. Nhưng chúng tôi đánh giá đây là vấn đề mang tính chất ngắn hạn. Về dài hạn, việc quyết liệt với các hành vi vi phạm trên thị trường sẽ đem đến nhà đầu tư niềm tin và sự tăng trưởng bền vững, lâu dài cho thị trường chứng khoán” - bà Bình đánh giá.
Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thông tin thêm trong năm 2023 cơ quan này sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phát triển thị trường. Đồng thời đẩy mạnh công tác tái cấu trúc, hoàn thiện nền tảng hoạt động tổ chức và vận hành thị trường.
Trong đó, tập trung đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin KRX (Hàn Quốc) vào vận hành, tạo điều kiện triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới trên thị trường cũng như đảm bảo sự vận hành thông suốt, liên tục, an toàn và hiệu quả. Thực tế, hệ thống này đang được đưa vào thử nghiệm với các thành viên thị trường và sẽ triển khai trong năm 2023.
Trong góc nhìn khác, Tập đoàn VinaCapital đánh giá vào tháng 7-2022 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 86 về phát triển thị trường vốn an toàn, minh bạch, hiệu quả. Trong đó có nội dung quan trọng là khẩn trương triển khai các biện pháp cần thiết để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam (VN) từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi nhằm thu hút vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài.
Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng cho thấy thị trường chứng khoán vẫn là kênh đầu tư đầy triển vọng trong năm 2023.
Khó khăn vẫn có nhiều cơ hội
Theo bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc đầu tư và là người điều hành Quỹ VinaCapital (VESAF), bước sang năm 2023 đã có nhiều tín hiệu tích cực hỗ trợ thị trường chứng khoán Việt. Đó là lạm phát toàn cầu nhiều khả năng đã qua đỉnh. Các ngân hàng trung ương sẽ bớt quyết liệt hơn trong chính sách thắt chặt tiền tệ. Áp lực về lãi suất và tỉ giá trong nước đã giảm đáng kể. Chính phủ đang rất quyết liệt trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án cơ sở hạ tầng. Đây là một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.
Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ tác động tích cực đến kinh tế VN. Ví dụ, việc Trung Quốc mở cửa sẽ giúp giảm chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp sản xuất của VN, đồng thời sẽ thúc đẩy xuất khẩu từ VN sang Trung Quốc, nhất là đối với các sản phẩm nông nghiệp.
“Điểm sáng về kinh tế của VN trong 3-5 năm tới cùng triển vọng về nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ là động lực quan trọng để thu hút dòng tiền của nhà đầu tư cả trong lẫn ngoài nước. Quy mô của thị trường chứng khoán sẽ còn mở rộng nhờ vào thanh khoản tăng lên và vẫn còn nhiều doanh nghiệp có khả năng niêm yết mới trong những năm tới, cả doanh nghiệp tư nhân và cổ phần hóa hoặc thoái vốn doanh nghiệp nhà nước” - bà Phương nhấn mạnh và cho biết các nhà đầu tư nước ngoài đã thấy được sự hấp dẫn nên đã mua ròng khoảng 1,3 tỉ USD trong tháng 11 và tháng 12-2022.
Bà Tạ Thanh Bình cũng nhìn nhận trong năm 2023 nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán VN nói riêng vẫn tiếp tục đối mặt với những khó khăn và thách thức. Đó là áp lực lạm phát, mặt bằng lãi suất tăng cao sẽ còn tiếp diễn nửa đầu năm 2023. Lãi suất tăng cao sẽ khiến chi phí đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất khó khăn và đặc biệt làm cho dòng tiền vẫn ở lại tín dụng ngân hàng, thay vì đổ về thị trường chứng khoán như năm 2021.
Ngoài ra, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nguy cơ suy thoái dẫn đến nhu cầu và tiêu dùng những mặt hàng xuất nhập khẩu sẽ giảm sút. Trong khi đó, VN là một trong những quốc gia có tỉ trọng doanh thu từ xuất khẩu lớn cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp xuất khẩu của VN.
“Dù còn nhiều khó khăn phía trước nhưng các cân đối lớn đảm bảo, lạm phát được kiểm soát, chính sách tiền tệ tài khóa điều hành chủ động, linh hoạt, hiệu quả là yếu tố nền tảng tích cực cho thị trường chứng khoán VN. Vừa qua, số tài khoản mới của các nhà đầu tư vẫn tăng mạnh. Nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục mua ròng cho thấy thị trường chứng khoán vẫn là kênh đầu tư đầy triển vọng trong năm 2023” - bà Bình nói.•
Giai đoạn khó khăn nhất có thể đã qua
Báo cáo chiến lược của Công ty Chứng khoán Yuanta VN công bố mới đây dự báo thị trường chứng khoán năm nay “mưa đã tạnh nhưng mây chưa tan”. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023 có thể khiến tăng trưởng kinh tế và chứng khoán sẽ chưa thể khởi sắc mạnh mẽ. Tuy nhiên, giai đoạn khó khăn nhất có thể đã qua.
Trong giai đoạn “mưa đã tạnh nhưng mây chưa tan” như hiện nay, Công ty Chứng khoán Yuanta VN khuyến nghị các nhà đầu tư nên ưu tiên chiến lược phòng thủ trong sáu tháng đầu năm 2023 cho đến khi có thay đổi hành động điều hành chính sách tiền tệ mới từ Fed. Trong đó, cần quan tâm các nhóm ngành có cơ hội đầu tư như dầu khí, điện, nước, khí đốt, tiêu dùng thiết yếu, du lịch, hàng không, ngân hàng...