Tôi ngó theo vừa giận vừa thương. Không biết tới chừng nào thì chị mới thôi những chuyến về nhà bão táp như thế này?
Trong mấy chị em gái, chị là người có nhan sắc nhất. Làn da trắng. Mái tóc dày đen óng, lắm lúc bới cao nhìn chị thật duyên dáng, khỏe khoắn. Đôi mắt to đen, mi dài rợp, nhưng giá chị bỏ đi thói quen tránh cái nhìn người khác, bỏ đi cái vẻ cam chịu mà thêm vào ít tia cười thì đó hẳn là một đôi mắt rất đẹp.
Tuổi thơ chị gắn với những năm tháng khó khăn nhất của gia đình. Lăng xăng suốt ngày từ chuyện nhổ cỏ, gánh mạ, bỏ phân... ngoài đồng đến chuyện trong nhà như cơm nước, chăm sóc em nhỏ. Cái gì chị cũng thật vén khéo.
Má sinh thằng Út thì em lớn là tôi được đưa ra ngoài ngủ với chị. Tôi từ đó đeo chị như sam. Hông chị ẵm tôi nổi mụt. Ngày Tết chị theo má hì hục nấu nướng, xong rồi thay đồ mới cho từng đứa em, dẫn cả đám rồng rắn kéo về nhà ngoại chúc Tết.
Bên chị, tôi thấy vui sướng, cảm nhận được yêu thương, lòng tôi mặc định chị là của tôi.
Năm chị 20, má đóng một chỉ vàng cho chị học may, hy vọng sau này cuộc sống đỡ vất vả hơn. Và ở đây chị quen anh quê Tây Ninh, là chồng chị bây giờ. Chị nói số chị lấy chồng xa, bởi trước anh đã có một người ở xóm trên con nhà tử tế xin hỏi cưới nhưng chị không ưng.
Trời đã khuya, chị ngồi bên bàn máy xọc xạch may cho mình mấy bộ đồ để về nhà chồng "mặc coi cho nó được", thay cho những bộ chắp vá thường mặc ở nhà. Tôi nằm trong mùng dòm ra, nghĩ chị không còn thương tôi nữa nên mới nhận lời người ta.
Cho tới khi chị đi rồi, cái giường dành cho hai chị em giờ chỉ còn mình tôi, nhớ lại hình ảnh ấy tôi thấy thương chị tới ứa nước mắt. Một câu hỏi cứ quẩn quanh trong đầu tôi, rằng giờ chị có đang hạnh phúc, có vui vẻ không?
Nhà chồng chị đăng đăng đê đê ruộng rẫy. Anh là con út sống cùng cha mẹ già trong nhà chính, mỗi năm có hơn 20 đám giỗ, rồi hiếu hỷ giao thiệp các thứ. Con số nghe qua phải rùng mình.
Rồi những thất thường mưa nắng của ông trời, cả cái thất thường trong những dự báo mà người ta đưa đến cho người nông dân, cây trồng ra sản phẩm không bán được phải chặt bỏ, lại trồng cây khác, cứ vậy mà vốn liếng chôn vùi, mà tóc anh tóc chị lại thêm những sợi bạc.
Cái bàn máy may nằm lặng im một góc bởi người trong vùng chẳng mấy ai đặt may, khép lại cái ước mơ làm một người thợ may mà má đã xây dựng cho chị.
70 cây số nhưng mỗi năm chị chỉ có vài chuyến về nhà vào những ngày lễ Tết, cúng giỗ ông bà. Và tôi gọi đó là những chuyến về nhà bão táp. Về mà cứ thắc thỏm sợ mấy con bò đói, lo đám đậu que chưa kịp tưới...
Khách khứa còn đầy nhà chị đã cập rập thu xếp. Chị em đôi lúc không có thời gian mà chuyện trò tâm sự. Má tôi bị tai biến nằm một chỗ đã chục năm rồi giờ cũng không còn nhìn ra ai, không còn nhớ gì, ngay tên chị cũng lâu rồi không còn thấy nhắc.
Cũng may để chị không phải trả lời câu hỏi: Lâu rồi sao không thấy bây dìa chơi!
Tết này chị về vào ngày mùng một, xách theo một giỏ bánh tét để cúng ông bà. Bánh tét chị gói là số một, vừa dẻo vừa thơm, đầu bánh thật vuông vắn, tét ra cái nhưn tròn xoay chính giữa. Chị không mặc đồ mới như mọi năm, nói không kịp ủi.
Nhà đông đúc con cháu, bữa cơm quây quần cười nói rôm rả. Tôi ngồi một góc, thỉnh thoảng lén nhìn chị, nhận ra chị đang già đi nhiều, da sạm đen, người nhìn cũ kỹ, bàn tay đen đúa gân guốc, đã hấp háy nhiều sợi bạc trên mái tóc đã từng rất đen rất dày ngày ấy.
Rồi chị sẽ còn vất vả bao nhiêu nữa!? Đứa con trai duy nhất của chị sau khi học xong đã kiếm việc ở thành phố, rồi nó còn lấy vợ sinh con, đâu thể một kiểng hai huê. Cha mẹ chồng chị đã lần lượt qua đời, trong căn nhà rộng trống trải chỉ còn hai vợ chồng chị, giờ cũng đang già đi.
Tôi kêu lên: Lát nữa ăn cơm xong mình sẽ chụp một tấm hình gia đình nha! Nhưng rồi loay hoay đã thấy chị lục tục chuẩn bị ra về.
Lại cũng một chuyến về nhà bão táp mặc dù hôm nay là Tết, dịp để mọi người nghỉ ngơi thư giãn sau một năm vất vả làm lụng. Tôi tự hỏi, vậy chuyến đi nào của chị mới thật sự là chuyến "về nhà"? Chuyến đi sáng nay và chuyến sắp sửa bây giờ?
Ngôi nhà thơ ấu mà chị đã có hơn 20 năm sống cùng ông bà cha mẹ anh em, êm đềm và lung linh lắm nhưng nó đã thuộc về quá khứ, đã trở thành kỷ niệm để chị cất giữ một nơi trang trọng trong trái tim mình.
Ngôi nhà chị đang sống bây giờ cùng chồng cùng con, với rẫy bắp rẫy đậu, với đàn bò, với căn bếp ngày ba bữa chị vào ra nấu nướng... mới chính là hiện tại và tương lai của chị.
Ở đó chị cảm nhận hạnh phúc lẫn cùng những nỗi niềm của một người con dâu, một người vợ, người mẹ. Gắn bó bằng thứ tình yêu bền chặt, cộng vào đó là bổn phận và sự tự nguyện hiến dâng.
Giờ thì tôi cũng đã có đáp án cho câu hỏi của mình rồi. Tôi từng giận chị khi nhận được những cuộc gọi báo bận, hay vì rất lâu không thấy chị gọi thăm hỏi sức khỏe ba má. Giận lắm nhưng ngẫm nghĩ rồi thấy thương chị nhiều hơn.
Thôi thì nếu chị không "về nhà" được, em sẽ thỉnh thoảng làm một việc ngược lại là "rời nhà" để đi thăm chị vậy.
Cảm ơn hơn 500 bạn đã gửi bài Về nhà
Tính đến ngày 4-2, cuộc thi đã nhận được hơn 500 bài dự thi. Hạn chót nhận bài: ngày 1-3.
BAN TỔ CHỨC
Trên con dốc đi xuống nhà ga Esneux, một anh thợ đang xây nhà ven đường, người gốc Á hỏi mình: Em ơi, em người Việt Nam hả? Anh người nước nào? Thái Lan hay Philippines? Không, anh cũng là người Việt Nam.
Xem thêm: mth.11154228040203202-iot-ihc-auc-pat-oab-ahn-ev-neyuhc-gnuhn/nv.ertiout