Sau ba năm gián đoạn do dịch bệnh COVID-19, Ngày thơ Việt Nam đã trở lại tại khuôn viên Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật TP.HCM (quận 3, TP.HCM) từ ngày 4 đến hết ngày 5-2.
Chương trình ngày 5-2 có sự tham dự của các khách mời: ông Phan Nguyễn Như Khuê - trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hiếu - phó bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam...
Khát vọng thăng hoa trên đôi cánh thi ca
Nói về chủ đề của Ngày thơ năm nay, nhà văn Bích Ngân chia sẻ trong bài phát biểu khai mạc: "Thi ca khởi điểm từ buồn vui của mỗi con người, nhưng thi ca không đứng ngoài sự được - mất của từng số phận và của cả cộng đồng.
Khát vọng phương Nam là khát vọng thăng hoa trên đôi cánh thi ca, để hướng tới chân trời sáng tạo rộng mở và bất tận.
Khát vọng phương Nam cũng là khát vọng cống hiến, khát vọng văn minh, khát vọng chân lý, khát vọng chân ái và khát vọng cái đẹp luôn được nảy nở, sinh sôi".
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết Ngày thơ năm nay là một dịp đặc biệt vì đã cho thấy sự hồi sinh của TP.HCM sau đại dịch.
Ông chia sẻ: "Làng chùa tôi ở đây rất xa, hơn 1.000 dặm, có viết trên đình làng một câu: Thơ ca không làm ra lúa vàng gạo trắng nhưng làm ra giấc mơ cho những người gieo trồng.
Ngày thơ hôm nay là một tín hiệu kỳ diệu cho thấy sức sống đang hồi sinh mạnh mẽ và tràn ngập trên TP.HCM. Điều quan trọng là sức sống trong tâm hồn đang được lấp đầy bởi thi ca và những vẻ đẹp nhân tính mà văn học mang lại".
Thơ đồng hành trong mọi ngóc ngách của đời sống
Nhìn về vai trò của thơ ca trong thời buổi hiện nay, ông Nguyễn Quang Thiều đánh giá:
"Trong suốt hàng trăm, hàng ngàn năm nay, thơ ca không bao giờ bỏ chúng ta và vẫn hiện diện trong nhiều thách thức. Đến bây giờ, trong thời đại 4.0, các nhà thơ và những người tổ chức, quản lý về văn học nghệ thuật đã tìm rất nhiều cách để thơ ca đến với con người: trên những bản in, trên những buổi đọc thơ, những ngày thơ…
Tôi nghĩ các bài thơ không được rời bỏ đời sống này, thơ là người đồng hành tận cùng với con người, trong mọi ngóc ngách của đời sống. Họ nói về đau thương nhưng để nói về tương lai. Họ nói về mất mát nhưng để nói về tương lai. Và họ phải đối mặt với tất cả hiện thực đời sống.
Mỗi bài thơ, hay mỗi nhà thơ không được trốn chạy khỏi hiện thực đời sống. Nhưng hiện thực đó phải mang lại cho con người đức tin, tình yêu và sự khát vọng".
Để tôn vinh Ngày thơ Việt Nam năm nay, tại khuôn viên Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật TP.HCM, Hội Nhà văn TP.HCM đã tổ chức nhiều hoạt động thú vị liên quan thơ.
Có thể kể đến tọa đàm "Dòng thơ giữa phố" được tổ chức vào sáng 4-2; hoạt động dựng lều thơ để thu hút khách nghe thơ, thưởng thơ; hoạt động ngâm thơ kết hợp ca múa nhạc...
Trao giải cuộc thi bút ký Những hy sinh thầm lặng
Cũng trong sáng 5-2, Hội Nhà văn TP.HCM đã tổng kết, phát giải cuộc thi bút ký Những hy sinh thầm lặng.
Trong hơn 70 tác phẩm dự thi, ban tổ chức đã chọn ra 20 tác phẩm vào chung khảo và 10 tác phẩm được trao giải, gồm 2 giải nhì (không có giải nhất), 4 giải ba và 4 giải tư.
Giải tư: Nơi chỉ có tiếng máy thở monitor (tác giả Phạm Thị Toán), Sứ mệnh mới của cha đẻ ATM gạo (tác giả Nguyễn Ngọc Khuyến), Tim đập lại rồi, bác sĩ ơi (tác giả Nguyễn Thành Úc), Cha và con tình nguyện vào Nam chống dịch (tác giả Nguyễn Thị Bội Nhiên).
Giải ba: Kỳ nữ Kim Cương gieo yêu thương, gặt nhân ái (tác giả Thanh Hiệp), Cây kèn tỏa năng lượng và niềm tin chiến thắng (tác giả Hoài Hương), Chữ tình đọng lại (tác giả Ngọc Lan, Vắng), Tình Sài Gòn cưu mang tôi, nay tôi gởi lại Sài Gòn (tác giả Minh Đan).
Giải nhì: Di sản từ trái tim Cường béo (tác giả Hải Văn), Màu xanh của bác sĩ Nhẫn (tác giả Anh Thư).
Sau 20 lần trong 20 năm được tổ chức ở Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), Ngày thơ Việt Nam năm 2023 lần đầu tiên được tổ chức ở Hoàng thành Thăng Long, và lần đầu tiên mời đạo diễn sân khấu dàn dựng, để ‘Hoàng thành Thăng Long sẽ trở thành cõi thơ’.
Xem thêm: mth.75481602150203202-ueid-yk-ueih-nit-tom-al-oht-yagn/nv.ertiout