Mẹ bé cho biết hai vợ chồng đi làm ăn xa, gửi con cho ông bà chăm sóc. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua khi về nhà, anh chị phát hiện cháu có mùi khó chịu ở vùng kín, có biểu hiện tấy đỏ. Lo lắng con mình bị bệnh lạ, ngay sau Tết Nguyên đán, anh chị đã đưa cháu bé xuống Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để tìm nguyên nhân.
Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ nhận thấy vùng kín của bé bị viêm đỏ, chảy dịch mùi hôi. Kết quả siêu âm cho thấy phát hiện có dị vật trong âm đạo của bé.
Bệnh nhi nhanh chóng được nhập viện. Sau khi hội chẩn kỹ lưỡng, phó giáo sư - bác sĩ Lê Thị Anh Đào, khoa phụ A5, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, đã tiến hành nội soi buồng tử cung để gắp dị vật. Các bác sĩ xác định là một ca can thiệp phức tạp vì có nhiều mảnh dị vật nằm sâu ở âm đạo và trực tràng.
Bằng đèn nội soi siêu nhỏ, bác sĩ Lê Thị Anh Đào khéo léo tiến hành nội soi âm đạo mà không gây tổn thương đến màng trinh của bé.
"Chúng tôi gắp được một dị vật kích thước 20x7mm cùng nhiều mảnh xốp màu đen. Sau đó, chúng tôi tiếp tục đưa camera quan sát thì phát hiện thêm một vật màu đen, vị trí 1 giờ trên thành âm đạo.
Nhận thấy vị trí của dị vật khó gắp qua đường âm đạo, chúng tôi chuyển qua thăm khám tại trực tràng, gắp được vật lạ kích thước 20x10mm là tay robot lego", bác sĩ Đào cho hay.
Theo bác sĩ Đào, đây là trường hợp can thiệp khá phức tạp vì một số trường hợp từng gặp chủ yếu chỉ nhét một dị vật, nhưng bệnh nhi này nhét nhiều dị vật nhỏ vào vùng kín.
Bên cạnh đó, các bác sĩ phải tính toán lựa chọn loại đèn soi phù hợp để có thể nhìn rõ dị vật, khéo léo gắp dị vật ra khỏi âm đạo cháu bé mà không ảnh hưởng tới màng trinh hay phần phụ của cháu bé.
Nếu bác sĩ không có kinh nghiệm, không lựa chọn đèn soi phù hợp có thể sẽ tác động không tốt tới cháu bé về cả tinh thần và sức khỏe.
Rất may, trong quá trình thăm khám và điều trị, bệnh nhi ngoan và bố mẹ em cũng hợp tác để bác sĩ có thể tiến hành thuận lợi nhất. Sau phẫu thuật, bé đã hồi phục sức khỏe và xuất viện.
Bác sĩ Lê Thị Anh Đào cho hay mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận khoảng 2-3 ca giống trường hợp bệnh nhi trên. Đây là lời cảnh báo cho các gia đình cần phải theo dõi, quan tâm đến trẻ nhiều hơn, tránh để trẻ chơi với vật nhỏ có thể đút vào mũi, tai, âm đạo…
"Hiện tượng có dị vật trong vùng kín của bé gái không phải là hiếm gặp. Các bé thường tự mình tìm hiểu thế giới xung quanh và tò mò về cơ thể. Do đó, các bậc cha mẹ hãy quan sát con kỹ lưỡng, chú ý vệ sinh hằng ngày cho con và dạy bé không được đưa dị vật vào âm đạo.
Khi phát hiện dấu hiệu bất thường ra khí hư hôi ở vùng kín của trẻ nhỏ hay ra máu âm đạo thì phải đưa bé đến bệnh viện để các bác sĩ tìm ra nguyên nhân và xử trí kịp thời. Nếu để lâu, những dị vật này sẽ là nguyên nhân gây viêm nhiễm, chảy máu âm đạo kéo dài ở trẻ, đôi khi gây nhiễm trùng nặng, ảnh hưởng chức năng sinh sản về sau", bác sĩ Đào khuyến cáo.
Tại cuộc họp báo công bố Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) hôm 3-2, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết thông tư về giá khám chữa bệnh theo yêu cầu dự kiến được ban hành trong quý 1 hoặc quý 2, giao bệnh viện tự quyết định giá.
Xem thêm: mth.98164057070203202-iout-5-iag-eb-nik-gnuv-gnort-tobor-yat-hnac-av-tav-id-pag/nv.ertiout