Đèo Prenn, cửa ngõ Đà Lạt, đã trải qua nhiều đợt nâng cấp. Tuy nhiên bề rộng mặt đường không thay đổi nhiều, chỉ khoảng 7m và dài 7,4km. Việc mở rộng mặt đường đối với tuyến đèo quan trọng này tốn kém và khó khăn, do đường đèo gần như nằm trong rừng phòng hộ, địa hình hiểm trở với một bên là núi một bên là vực sâu cùng nhiều khúc cua nguy hiểm.
Sau khi nâng cấp, mặt đường sẽ rộng 14m. Dự án do Ban quản lý dự án giao thông tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 552 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.
Đèo Prenn có địa hình đồi núi cao, nhiều khúc cua nguy hiểm. Dọc đường đèo còn có nhiều điểm du lịch nổi tiếng như: thác Datanla, hồ Tuyền Lâm, Thiền viện Trúc Lâm... nên vào các dịp lễ, cuối tuần, lưu lượng xe rất lớn, thường xuyên xảy ra ùn tắc.
Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, khi hoàn thiện nâng cấp ngoài việc rộng hơn, đèo Prenn sẽ được “nắn” lại để bớt hiểm trở, từ đó rút ngắn được thời gian vào ra Đà Lạt.
Đèo Prenn trước đến nay được xem như một nút thắt giao thông của Đà Lạt, khi khơi thông được nút thắt này sẽ thực hiện được liên kết vùng giữa Đà Lạt - Đức Trọng - Đơn Dương và xa hơn là Đồng Nai, TP.HCM. Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, khi đèo Prenn mở rộng, cùng với hai tuyến đường dự phòng (đèo Mimosa, đường đèo Tuyền Lâm) đã hoạt động thì Đà Lạt và vùng lân cận được kết nối liền mạch, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Việc mở rộng đèo Prenn cũng có nhiều ý kiến lo lắng. Các ý kiến này cho rằng đường đèo Prenn nhỏ hẹp có cái hay riêng, chứa nhiều nét “lãng mạn”. UBND tỉnh Lâm Đồng nhìn nhận việc tổ chức nhiều điểm ngắm cảnh khi nâng cấp đèo, cùng với phát triển cây xanh hai bên đường thì nét lãng mạn sẽ không mất đi. Thậm chí, tuyến đường mới là tuyến đường xuyên rừng đáng để qua lại mỗi ngày.
Đèo Prenn, cửa ngõ Đà Lạt, sẽ đóng trong một thời gian dài để mở rộng đường. Xe cộ sẽ ra vô Đà Lạt qua đèo Mimosa hoặc các tuyến đường nhỏ khác.
Xem thêm: mth.35853925170203202-gnor-om-ihk-court-noh-em-ped-nnerp-oed-gnoud-gnuc-magn/nv.ertiout