"Cô chịu khó bồi dưỡng sức khỏe để nhanh chóng trở lại dạy bảo chúng con, cô nhé!", dòng tin nhắn thoại được gửi từ cậu học trò khiến cô giáo Trần Thị Thanh Hương (36 tuổi) chợt rơi nước mắt.
"Đó là lần đầu tiên và là câu dài nhất em từng nói sau hơn 2 năm tôi đứng lớp", chị Hương nói và cho hay người gửi là một học sinh rất kiệm lời, các kỹ năng về giao tiếp của em còn gặp nhiều hạn chế.
Hơn 14 năm công tác trong ngành giáo dục, năm nay là dịp 20-11 đầu tiên, cô giáo Hương đón ngày lễ tôn vinh trong một bối cảnh khác. Sau cú nhảy từ tầng 4 trong vụ cháy chung cư mini ở ngõ phố Khương Hạ, hằng ngày chị cố gượng dậy đi lại sau khoảng thời gian dài chạy chữa những chấn thương liên quan cột sống.
Căn nhà thuê tạm trong ngõ nhỏ Bùi Xương Trạch (quận Thanh Xuân) cũng được "giữ bí mật", bởi người giáo viên không muốn phụ huynh và học trò phải "nặng tâm tư với mình".
Giữa hàng trăm tin nhắn, cuộc gọi của các lớp học sinh dù đã tốt nghiệp hay còn đang ngồi dưới giảng đường, người phụ nữ 36 tuổi phút chốc trầm ngâm: "Gia đình và học trò là động lực lớn nhất giúp tôi trở lại với cuộc sống sau biến cố".
"Từng mong những gì trải qua chỉ là một giấc mơ"
Nửa đêm 12-9, bầu không khí oi bức bao phủ Hà Nội, báo hiệu cơn dông lớn. Trong căn nhà rộng chừng 52m2 ở tầng 4, cô giáo Trần Thị Thanh Hương đang soạn những trang giáo án cuối cùng thì tiếng hét thất thanh vang lên. Tránh để cô con gái tỉnh giấc, chị khẽ mở cửa thì phát hiện hỏa hoạn xảy ra trong chính tòa nhà của mình.
Ngọn lửa bùng lên từ khu vực tầng 1. Hai người con lớn 8 tuổi và 12 tuổi nhanh chóng được đánh thức và chạy lên phía trên. Chị Hương cùng chồng và con gái út 2 tuổi phải quay lại phòng do khói đã bốc lên dày đặc. Họ xả nước, làm ướt nhiều tấm vải để chèn vào các khe hở, hy vọng cầm cự được lâu.
Khói lửa và cả những tiếng la hét cứ thế bao trùm căn nhà 9 tầng. Giữa lằn ranh sinh tử, gia đình chị đặt cược cả mạng sống bằng cú nhảy từ tầng 4.
Anh Thắng (chồng chị Hương) trùm chăn, ôm con nhỏ nhảy xuống trước. Cú nhảy khiến anh gãy tay, nhưng vẫn nén đau gọi vợ: "Em cứ nhảy, có anh ở dưới này".
Còn lại một mình, khoảng không bên ngoài cánh cửa hằng đêm nữ giáo viên vẫn nhìn xa xăm khi soạn giáo án, đêm nay khiến chị phải lựa chọn. Giữa nỗi sợ và lo lắng va phải chồng con ở phía dưới, chị Hương đã nhảy xuống. Cú nhảy giúp 3 người thoát chết, nhưng cũng khiến họ phải chịu chấn thương nặng.
Đêm ấy Hà Nội mưa tầm tã, cậu con trai 8 tuổi của chị Hương được đưa lên xe cấp cứu khi mặt trời chưa rạng. Còn cô con gái cả không may mắn. Em đã qua đời.
Những ngày điều trị trong viện một mình, chị Hương sống chung với cơn đau thắt người do đốt sống đã gãy. Nhìn vào người thân, đồng nghiệp, học trò và cả những nhà giáo chưa từng gặp mặt, chị tự nhủ "không thể đáp lại tình cảm của mọi người bằng hình ảnh đau buồn và yếu ớt".
Bác sĩ nói chị chuyển biến từng ngày, luôn gắng ăn hết phần của mình, tự nâng giường để tăng dần độ cao để ngồi dậy. Hai tháng sau vụ cháy, cơn đau chỉ về trong những ngày trở gió.
Khi sức khỏe dần ổn định, chị Hương lập tức đi ra khỏi con ngõ để nhìn thoáng qua ngôi trường cho vơi nỗi nhớ học trò. Nhìn khung cảnh quen thuộc, nhớ về những ngày con gái tan học sớm, chạy quanh trường chờ mẹ hết tiết dạy, người phụ nữ như "chết lặng".
"Đó có lẽ là lý do lớn nhất khiến mình chưa đủ can đảm quay lại trường. Giá như tất cả những gì đã qua chỉ là một giấc mơ và mình sớm được tỉnh lại", chị nói rồi gạt đi nước mắt.
Gia đình và học trò là động lực
Ra trường và gắn bó với nghề giáo từ năm 2009, bốn năm sau chị Hương và anh Thắng về chung một nhà.
Đầu năm 2016, khi vừa sinh người con thứ 2, kinh tế gia đình không khá giả nhưng hai vợ chồng vẫn quyết tâm tìm một chốn an cư mới. Nói về nguyên nhân, chị lý giải sau một đêm mưa đá, căn nhà cấp 4 đang thuê được lợp mái bằng fibro xi măng đã thủng. Mái ấm mới mang theo những mong ước của họ về một cuộc sống bình an cho các con. Thế nhưng tất cả như khép lại sau ngọn lửa oan nghiệt đêm 12-9.
Sau hỏa hoạn, nhìn chồng, 2 con cùng những học trò hằng ngày mong ngóng mình quay trở lại giảng đường, người phụ nữ dần ổn định tinh thần sau biến cố. Mỗi đêm, giấc ngủ về với chị không trọn vẹn, chợp mắt rồi lại tỉnh dậy, nhưng trong cảm thức, chị luôn mơ về ngày được quay lại giảng đường với những ánh mắt dõi theo của học trò phía dưới.
Làm giáo viên hơn 14 năm, dạy môn sinh học tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân (Hà Nội), chị nói ngành giáo dục thường xuyên tuy có nhiều trăn trở, nhưng luôn để lại những điều đáng trân quý về tình cảm cô - trò. Ở đó, mỗi học trò là một hoàn cảnh, một mảnh đời khác nhau.
Ngày chị nằm cấp cứu ở bệnh viện, sau cơn đau, ngoài những bóng áo blouse trắng, người đầu tiên nhìn thấy luôn là phụ huynh và học sinh trong trường. Có phụ huynh chỉ dám đứng qua khe cửa, đỏ hoe mắt trông vào để không phiền giấc nghỉ của chị.
Dịp 20-11 năm nay cũng là lần đầu tiên chị Hương đón ngày tôn vinh trong một bối cảnh khác. Những bó hoa và lời chúc được học trò gửi qua điện thoại kèm những dòng tin nhắn ngóng trông chị sớm có thể "đứng lớp".
"Nếu bạn sống trong điều kiện sống tốt với một tâm hồn đẹp thì việc thể hiện tình cảm ra ngoài rất dễ. Nhưng với học sinh giáo dục thường xuyên, khi các con đến từ những hoàn cảnh khó khăn thì sẽ khó hơn. Đôi khi chỉ cần cái gật đầu, một ánh mắt đồng tình ủng hộ đã rất hạnh phúc", người giáo viên nói và cho rằng sau 14 năm đứng lớp, chị luôn thấu cảm trong sâu thẳm mỗi học trò đều có những cảm xúc chân thành.
Đầu tháng 11, chị Hương nén đau về thăm mộ, thắp hương cho con gái. Chuyến đi với 2 chiếc ô tô 16 chỗ có sự góp mặt của thầy cô và đầy đủ các bạn cùng lớp của cô bé.
Nhìn nhận tích cực, chị Hương cho rằng nỗi đau của mình là một lần để các con biết cảm thông, chia sẻ cho những số phận không may mắn. "Các con có thể giỏi, có điều kiện kinh tế, nhưng nếu không có tấm lòng thì sẽ giống như một người máy. AI hoàn toàn có thể thay thế và làm tốt hơn", chị nói và cho rằng khi gặp sự cố, liều thuốc mạnh nhất luôn là tình thương, nó có thể vực dậy hoặc làm đổi thay về số phận hoặc cục diện của một con người.
Sau biến cố, cô giáo Trần Thị Thanh Hương dự kiến quay trở lại trường lớp sau dịp 20-11. Nhớ lại cú nhảy từ tầng 4, chị nói khi ấy bầu trời đêm đen thẳm nhưng ánh đèn từ những ngôi nhà phía xa vẫn hắt lên, đủ để cảm nhận thế giới này. 3 lần hét lên "xin cảm ơn" trong khoảnh khắc ấy là tất cả những gì chị muốn nói với cuộc đời, trước khi mạnh mẽ bước tiếp chặng đường phía trước.
"Khi ấy tôi nghĩ nếu hy sinh, nhất định tôi sẽ hy sinh trong màu áo lính", hạ sĩ Nguyễn Quốc Trung, chiến sĩ bị thương khi làm nhiệm vụ tại vụ cháy chung cư mini trong ngõ 29 Khương Hạ, nhớ lại.