Chở chúng tôi trên một con thuyền dọc sông Rạch Đĩa, anh Nguyễn Văn Phương khoát tay chỉ hai bên bờ: "Mấy vùng đất này xưa kia các ông tổ bên nội - ngoại của tôi sinh sống, khai phá, chắc cũng hàng trăm năm. Nay đất ruộng, đầm lầy thành những khu biệt thự sang trọng cả rồi, mình thì vẫn sống đời dân dã sông nước, nhà bè vậy thôi...".
Nhà Bè nước chảy
Nhà bè mà Phương nói là chiếc thuyền với đủ vật dụng mà anh neo ở một đoạn sông Phước Long.
Hơn 20 năm trước, khi đường Nguyễn Hữu Thọ khởi công, gia đình anh đã rời những mảnh ruộng chỉ trồng được một vụ vì chua mặn ven bờ Rạch Đĩa - Phước Long để tìm việc trong các khu công nghiệp Tân Thuận, Hiệp Phước; riêng Phương vẫn cặm cụi với nghề đưa đò, chài lưới truyền đời trên chiếc thuyền cũ và sau này là đưa khách du ngoạn đường sông trên những tàu du lịch, như cái thuở nào "Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về".
Nhà Bè ấy được chép trong Gia Định thành thông chí: "Lúc ấy dân cư thưa thớt lại xa xôi, đò xa thuyền nhỏ, hành khách thường khổ sở về mặt ăn uống. Có người nhà giàu ở tổng Tân Chánh là Võ Thủ Hoằng bó tre làm bè, dựng nhà, sắm đủ đồ dùng nấu nướng để hành khách tự ý lấy dùng, không phải trả tiền. Sau đó, người buôn bán cũng đóng bè, bán thức ăn, nhiều đến hai ba chục bè, họp thành chợ sông, vì thế chỗ này gọi là Nhà Bè".
Bây giờ Nhà Bè khác lắm, "thay đổi hoàn toàn" như anh Phương nhận xét ngắn gọn, hay như chính sự hình thành con đường Nguyễn Hữu Thọ làm chứng nhân.
Hơn 20 năm trước, những chuyến đi của chúng tôi xuống xã Long Thới (huyện Nhà Bè) để thực hiện một dự án tình nguyện ở cù lao Ngã Ba Đình thật sự là vất vả.
Từ trung tâm thành phố qua cầu Nguyễn Tất Thành sang quận 4 là người xe chen chúc, qua cầu Tân Thuận thì đường Huỳnh Tấn Phát vừa nhỏ hẹp vừa dày dặc ổ voi, ổ gà, nắng thì bụi đất bụi đá, mưa thì vũng nhỏ vũng to, lại thêm xe bồn chở xăng chạy qua là gần hết bề mặt đường.
Lặn lội đi mãi mới tới cầu Phú Xuân, đi tiếp chặng đường thăm thẳm mới tới ngã ba Nguyễn Bình - con đường đất đỏ quanh co qua những thửa vườn thửa ruộng dẫn vào Long Thới. Nay cũng điểm đi điểm đến ấy, đi thẳng theo đường Nguyễn Hữu Thọ chỉ tốn 30 phút.
Hàng trăm năm từ ngày được lịch sử chọn để trở thành cửa ngõ đón những chiếc thuyền vùng Thuận - Quảng, Nhà Bè là một trong những nơi đầu tiên những lưu dân người Việt đặt chân lên và bắt đầu công cuộc khai phá đất Gia Định nhưng gần như lại là vùng đất cuối cùng của Gia Định - Sài Gòn - TP.HCM được đưa vào bản đồ phát triển.
Những chiếc thuyền, đò chèo dọc chèo ngang trên các ngã sông rạch đã hình thành những chợ "nhà bè" đầu tiên, nhanh chóng trở thành bến sông nhộn nhịp lãng mạn: "Nhà Bè nước chảy trong ngần/ Thuyền nâu, thuyền trắng chạy gần chạy xa/ Thon thon hai mái chèo hoa/ Lướt qua lướt lại như là gấm thêu".
Đầm lầy chua mặn, giống cói, lác mọc lan tràn, làng dệt chiếu mau chóng hình thành cùng những làng chài lưới trên sông. Nhà Bè nổi tiếng vì lúa ngon trồng chỉ một vụ, nổi tiếng với cá chìa vôi, tôm càng trên sông...
Mấy trăm năm, từ khi mới hình thành cho đến mãi những năm 1980 sau này, để đến Nhà Bè bằng đường bộ vẫn chỉ có một đường tỉnh lộ 15 (nay là Huỳnh Tấn Phát) với cây cầu Tân Thuận, và xuyên qua huyện bằng hương lộ 34 (nay là Lê Văn Lương).
Nhà Bè vẫn cứ là ngã ba sông ngóng những tàu thuyền đi qua, đi lại. Ngoài kho xăng Nhà Bè được bắt đầu xây dựng từ 1906, toàn khu vẫn sình lầy, rừng lá, ruộng chua mặn, và người Tân Thuận, Phước Kiển, Nhơn Đức, Long Thới vẫn lặn lội trên ruộng, lênh đênh trên sông như ngày nào, dù rằng Sài Gòn - TP.HCM đã trải qua bao nhiêu biến đổi.
Con đường "dát vàng"
Đến thập niên 1990, với những người tiên phong mở đường phát triển cho Nhà Bè như ông Phan Chánh Dưỡng và đối tác Lawrence S. Ting cùng sự ủng hộ, quyết tâm thực hiện của các cấp lãnh đạo như ông Võ Văn Kiệt, Võ Trần Chí, Võ Viết Thanh, Phạm Chánh Trực..., lần lượt những công trình lớn xuất hiện đổi thay Nhà Bè: Khu chế xuất Tân Thuận, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Nhà máy điện Hiệp Phước, đại lộ Nguyễn Văn Linh, đường Nguyễn Hữu Thọ...
Ít được nhắc đến hơn những công trình khác, nhưng đến hôm nay, sau 20 năm hiện diện, đường Nguyễn Hữu Thọ đã thật sự xứng đáng là con đường huyết mạch phía Nam thành phố.
Từ chân cầu Kênh Tẻ phía quận 7, con đường quy hoạch rộng 60m, dài 16km được khánh thành năm 2002, chạy thẳng cắt qua đại lộ Nguyễn Văn Linh, xuyên tâm Nhà Bè đến thẳng khu công nghiệp Hiệp Phước, được coi là một đoạn rất quan trọng trong trục giao thông Bắc - Nam TP.HCM, kết nối các tỉnh miền Tây với thành phố và nối với đường quốc tế xuyên Á. Đồng lầy ruộng cạn thoáng chốc thành đại lộ.
Làm cư dân Nhà Bè mười mấy năm, mỗi ngày xuôi ngược trên đường Nguyễn Hữu Thọ vài bận, tôi chứng kiến con đường mỗi ngày mỗi được "dát vàng".
Giá đất tăng cấp số nhân cùng tiến độ mở đường, những dự án bất động sản trung - cao cấp nối nhau mọc lên, biến những đầm lầy thành cao ốc, biệt thự, siêu thị, trung tâm thương mại, trường đại học...
Con đường từ những ngày trông rộng mênh mông, xanh mướt ban ngày, đen thẫm và mát lạnh ban tối đã dần chật cứng ô tô, xe máy, đèn điện từ cửa hàng, nhà hàng sáng rực mặt đường, lấp lánh trên cao.
Đường Nguyễn Hữu Thọ đã chỉ mất vài năm đi những bước thần tốc từ nguy cơ kém an toàn vì vắng người, thiếu đèn đường đến vấn nạn kẹt xe nghiêm trọng vào giờ cao điểm.
Có dạo cầu Kênh Tẻ đã được gọi là "cây cầu dài nhất Việt Nam" vì dù chỉ hơn 700m nhưng người đi đường từ Nguyễn Hữu Thọ phải mất từ 15 phút đến cả tiếng đồng hồ để có thể vượt qua để sang hướng quận 4.
Cầu đã được mở rộng, và tiếp tục đến lượt ngã tư Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh đang được thi công hầm chui để hạn chế ùn tắc, tăng tốc độ lưu thông.
Hơn 40 dự án khu dân cư, căn hộ đã và đang triển khai phủ kín gần hết hai bên đường, sự phát triển thăng trầm của thị trường bất động sản hiển hiện mồn một trong mắt quan sát của người đi đường, lắm hứa hẹn cũng lắm nghiệt ngã cuộc đời.
Nhà Bè thế là đã thay đổi tận gốc rễ để chuyển mình thành đô thị vệ tinh của TP.HCM, đón những ý tưởng vươn về phía Biển Đông của thành phố với con đường Nguyễn Hữu Thọ chỉ mới 20 xuân xanh, hàng cây lộc vừng hai bên còn chưa kịp tỏa tàng.
Dấu tích Nhà Bè xưa chỉ còn ở tên những cây cầu dọc đường: Rạch Bàng, Rạch Đĩa, Rạch Cây Me, Bà Chiêm, Đồng Điền... Chỉ vậy đã đủ để những người ngày xưa như anh Phương thương nhớ Nhà Bè.
Những người dân cố cựu như gia đình anh Phương chẳng còn ai ở trên con đường này nữa. Cuộc sống thị dân với căn hộ trên cao ốc và siêu thị không phải lựa chọn của họ. Tất cả đã dời đi, sâu vào những con đường xung quanh - Lê Văn Lương, Phạm Hữu Lầu, Nguyễn Bình, Nguyễn Văn Tạo... để tiếp tục sống với mảnh vườn, khúc sông.
Cư dân đường Nguyễn Hữu Thọ giờ đây là những người trẻ mà cuộc sống gắn chặt với điện thoại thông minh, máy tính xách tay và đường truyền Internet như các cư dân trong khu căn hộ của tôi, còn trong các khu biệt thự cao cấp lại là nơi bình yên bí mật của nhiều đại gia nổi tiếng.
Chỗ giao lưu với xóm giềng không còn là bàn trà - rượu bên hàng hiên hay dưới gốc cây trước nhà mà là những nhóm hội thoại của tòa nhà được thiết lập trên mạng; chỗ đi chợ không phải chợ quê Rạch Đĩa, Long Kiểng mà những sạp chợ rao online trao tận cửa...
***************
Mấy lần đổi tên theo sự đổi thay thời cuộc, đặc biệt có cả lần được trao tên Hoàng Sa ngay sau sự kiện hải quân Trung Quốc đánh chiếm đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nhưng con đường xưa cũ ấy vẫn vẹn nguyên hồn cốt của vùng Chợ Lớn sầm uất.
Kỳ tới: Tổng đốc Phương - Châu Văn Liêm, đường xưa in dấu
Đinh Tiên Hoàng là con đường quá thân thương với những ai đã từng học Trường Văn khoa Sài Gòn trước 1975, nay là ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM, vì cổng chính của ngôi trường bạc màu thời gian ở ngay góc đầu đường này.