vĐồng tin tức tài chính 365

Bán hoa có độc gây hại cho khách, chủ shop sẽ phải bồi thường?

2023-02-14 03:00

Chiều 9/2, chị Hoài mua 10 cành hoa phi yến giá 180.000 đồng tại một cửa hàng bán hoa tại Bắc Ninh về cắm ở nhà. Con mèo của chị theo thói quen, lại gần bình hoa chơi đùa. Mới gặm được nửa cánh hoa, vài phút sau, con vật bị sưng miệng, co giật, phù bốn chân, tê liệt.

Chị hoảng hốt đưa mèo đi khám và thuật lại sự việc. Bác sĩ cho biết, hoa phi yến có độc tính rất cao, tương tự lá ngón. Con mèo được thải độc, ép nôn nhưng sau đó đã chết.

Gọi điện cho chủ hàng hoa, chị Hoài nhận được lời xin lỗi song chính họ cũng không biết là hoa có độc để cảnh báo. Cửa hàng xin chịu trách nhiệm và cùng chị Hoài lo chi phí điều trị cho vật nuôi.

Hoa phi yến. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hoa phi yến. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cách xử lý của shop hoa khiến chị Hoài nguôi bớt cơn giận, nhưng chưa hết lo lắng. "Đây là con vật, nhỡ người, đặc biệt là trẻ em ăn phải thì sẽ nguy hiểm đến thế nào?", chị chia sẻ.

Trên quan điểm của người kinh doanh mặt hàng này, chị Ngọc Bích, chủ tiệm hoa tại quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết phi yến có quanh năm, lâu tàn, được nhiều người mua. Bán hoa lâu năm nhưng chị cũng thừa nhận, gần đây mới biết loại hoa này có độc tính cao, và cũng rất ít khách biết điều này.

Do đó khi bán hàng, chị Bích đã in biển cảnh báo và dặn nhân viên luôn tư vấn thông tin này cho khách mua hoa phi yến biết để cân nhắc. "Mình mua hoa bày chứ có mua để ăn đâu mà phải dặn", nhiều khách hàng đáp.

"Nếu tai nạn xảy ra do người bán không cảnh báo, tôi nghĩ cả khách và shop đều có trách nhiệm như nhau", chị cho hay.

Chị Bích và chị Hoài có chung thắc mắc, việc bán các loại hoa chứa độc tố được pháp luật quy định ra sao? Nếu không cảnh báo, khiến vật nuôi hoặc người mua bị trúng độc hoa, người bán có phải chịu trách nhiệm?

Khảo sát của VnExpress trên 20 tiệm hoa tại Hà Nội và các tiểu thương ở chợ đầu mối Quảng Bá, chủ tiệm đều không biết có quy định nào về việc cấm hay không cấm kinh doanh các loại hoa có độc tính tự nhiên.

Luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội) cho hay, thực tế luật pháp có nhiều điều khoản quy định vấn đề này tại các điều 10 và 12, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo Điều 12, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ có nghĩa vụ cảnh báo khả năng hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng và các biện pháp phòng ngừa.

Điều 10 cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về hàng hóa, dịch vụ mà mình cung cấp; về uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ và nội dung, đặc điểm giao dịch giữa mình với người tiêu dùng.

Trong trường hợp của chị Hoài, luật sư Bình đánh giá, người bán hoa có nghĩa vụ cảnh báo khả năng hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của chị Hoài và các biện pháp phòng ngừa. Nếu hoa phi yến có độc tố, người bán phải cảnh báo về độc tính của loại hoa này cho khách.

Nếu người bán biết hoa có độc tố nhưng lại không nói rõ, không cảnh báo người mua, đây là hành bị cấm theo quy định tại Điều 10 nêu trên. Người bán hoa, do đó sẽ bị xử lý vi phạm pháp luật, theo Điều 11 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010.

Về xử phạt vi phạm hành chính, hành vi không cảnh báo khả năng hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng và các biện pháp phòng ngừa theo quy định; che giấu thông tin hoặc cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng theo quy định; cung cấp thông tin không đầy đủ, không chính xác về hàng hóa, dịch vụ được cung cấp theo quy định sẽ bị phạt tiền 10-30 triệu đồng (Nghị định 98/2020 ngày 26/8/2020).

Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường. Mức bồi thường căn cứ các Điều 589; 590, 591 Bộ luật Dân sự 2015.

Người bán hoa có nghĩa vụ đưa thông tin về mặt hàng mình cung cấp, song khách hàng cũng cần tìm hiểu kỹ về loại hoa mình mua để tránh tai nạn đáng tiếc. Ảnh Giang Huy

Người bán hoa có nghĩa vụ đưa thông tin về mặt hàng mình cung cấp, song khách hàng cũng cần tìm hiểu kỹ về loại hoa mình mua để tránh tai nạn đáng tiếc. Ảnh Giang Huy

Luật sư Bình cho hay hiện pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc cấm kinh doanh hoa có độc tố tự nhiên nên cũng không có căn cứ để cấm người bán kinh doanh mặt hàng này.

Để phòng ngừa mua phải hoa độc, ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng, người tiêu dùng cần thận trọng khi mua các loại hoa hiếm, hoa lạ và tra cứu thông tin kỹ càng. Người bán hàng cũng cần nắm kỹ đặc tính, nguồn gốc mặt hàng mình kinh doanh và có biện pháp cảnh báo khách.

Bộ Nông nghiệp Mỹ cảnh báo, tất cả loài phi yến (Delphimum Ajacis, Larkspur) đều có độc tố diterpene alkaloid. Chất này ức chế thần kinh, gây ngừng hoạt động các cơ, bao gồm cả tim, do đó có thể gây tử vong nếu tiêu thụ lượng đủ lớn.

Cây phi yến độc nhất trong thời kỳ đầu sinh trưởng, giảm dần khi trưởng thành. Độc tố tập trung nhiều nhất trong hoa, hạt và quả. Hai miligam hạt cây này đủ để giết chết một người trưởng thành.

Các nhà khoa học hiện chưa có cách điều trị với độc từ cây này.

Hải Thư

Xem thêm: lmth.6209654-gnouht-iob-iahp-es-pohs-uhc-hcahk-ohc-iah-yag-cod-oc-aoh-nab/ten.sserpxenv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Bán hoa có độc gây hại cho khách, chủ shop sẽ phải bồi thường?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools