Được biết hội nghị sẽ do Thủ tướng chủ trì với sự tham gia của nhiều lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, chuyên gia cùng các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản lớn như Tập đoàn Vingroup, Công ty CP Tập đoàn địa ốc Nova (Novaland), Công ty CP Hưng Thịnh Land, Công ty CP đầu tư bất động sản toàn cầu (GP Invest), Công ty CP đầu tư IMG, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV (Becamex IDC Bình Dương).
Nguồn cung nhà ở giảm 50%
Đây là hội nghị được nhiều doanh nghiệp bất động sản kỳ vọng sẽ tìm ra được giải pháp tháo gỡ cho thị trường bất động sản đang gặp quá nhiều khó khăn hiện nay.
Về tình hình thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết trong năm 2022 nguồn cung nhà ở khan hiếm, cơ cấu sản phẩm nhà ở nghiêng về phân khúc trung, cao cấp, nhà ở cho người thu nhập thấp thiếu.
Cơ cấu sản phẩm nhà ở bình dân trên thị trường giảm từ 20% (năm 2019) xuống dưới 5% năm 2022, số dự án được triển khai trong năm rất hạn chế. Năm 2022, cả nước có 126 dự án phát triển nhà ở thương mại, quy mô 55.732 căn hộ được cấp phép đầu tư, bằng 52,7% năm 2021.
Bên cạnh đó, có 466 dự án bất động sản đang triển khai, quy mô 228.029 căn hộ đang triển khai xây dựng, bằng 47,7% năm 2021.
Và chỉ có 91 dự án, quy mô 18.206 căn hộ hoàn thành xây dựng, bằng 55,2% năm 2021.
Về nhà ở xã hội, trong năm 2022 có 9 dự án (5.526 căn hộ) được cấp phép mới, 114 dự án (6.196 căn hộ) hoàn thành xây dựng, 27 dự án (8.245 căn hộ) đủ điều kiện bán nhà.
Đối với nhà ở công nhân, trong năm có 2 dự án (1.729 căn hộ) được cấp phép mới, 1 dự án (32 căn hộ) hoàn thành xây dựng, 4 dự án (2.328 căn hộ) đủ điều kiện bán nhà.
Bộ Xây dựng cũng cho biết lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ trong năm 2022 không ổn định, số giao dịch thành công quý 4 thấp nhất năm.
Nợ bất động sản vẫn tăng đều
Về vốn cho thị trường bất động sản trong năm 2022, theo Bộ Xây dựng, trong năm 2022 dư nợ tín dụng cho bất động sản vẫn tăng đều qua các quý. Tính đến hết 31-12-2022, dư nợ tín dụng bất động sản khoảng 800.000 tỉ đồng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp bất động sản cũng phát hành trái phiếu doanh nghiệp để vay nợ khoảng 400.000 tỉ đồng.
Tổng vốn đầu tư FDI vào bất động sản năm 2022 khoảng 4,45 tỉ USD.
Nhưng nếu tính tổng dư nợ bất động sản những năm qua, Ngân hàng Nhà nước cho biết tổng dư nợ cho vay bất động sản của hệ thống ngân hàng đã cán ngưỡng 2,58 triệu tỉ đồng, chiếm 21,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Tỉ lệ nợ xấu của bất động sản khoảng 1,81%.
Trong năm 2022 dư nợ bất động sản tăng thêm 800.000 tỉ đồng, tăng khoảng 24% so với năm 2021.
Giai đoạn 2017-2019, tín dụng bất động sản tăng hơn 20%/năm, đến giai đoạn 2020-2021, dịch bệnh xảy ra, dư nợ bất động sản vẫn tăng ở mức 12,06% và 15,37%.
Doanh nghiệp khó vay vốn trong nửa cuối năm 2022
Điều đáng lưu ý với khoản dư nợ bất động sản tăng thêm trong năm 2022 là hầu hết dư nợ này được cho vay trong nửa đầu năm, nửa cuối năm các ngân hàng hết room để cho vay. Hoặc do những biến cố bất lợi trên thị trường tài chính liên quan đến các doanh nghiệp bất động sản nên dòng tiền vào thị trường bị tắc.
Trong tổng số khoảng 800.000 tỉ đồng hệ thống ngân hàng cho các doanh nghiệp bất động sản vay trong năm 2022, có tới 783.942 tỉ đồng được cho vay trong quý 1, và 3 quý còn lại của năm hệ thống ngân hàng chỉ cho các doanh nghiệp bất động sản vay khoảng 16.058 tỉ đồng.
Nên trong khoảng 9 tháng cuối năm 2022 các doanh nghiệp bất động sản rơi vào tình trạng đói vốn. Đó là chưa tính tới cú sốc trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong quý 3-2022, khiến cho các doanh nghiệp bất động sản dường như không huy động được thêm vốn từ thị trường trái phiếu.
Tình trạng khát vốn của các doanh nghiệp bất động sản hiện nay sẽ nghiêm trọng hơn khi áp lực đảo nợ trái phiếu từ cuối năm 2022 đến hết năm 2024 rất lớn.
Theo Bộ Tài chính, giá trị đáo hạn (trả nợ) trái phiếu doanh nghiệp trong 2 tháng cuối năm 2022 của các doanh nghiệp bất động sản là 55.989 tỉ đồng.
Tiếp đó, trong năm 2023 các doanh nghiệp bất động sản đứng trước áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp khoảng 282.160 tỉ đồng, năm 2024 là 362.900 tỉ đồng.
Bộ Xây dựng đánh giá, áp lực đáo hạn trái phiếu đang gây áp lực rất lớn cho nhiều doanh nghiệp bất động sản. Và việc xử lý một số tổ chức, cá nhân liên quan tới sai phạm trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư, họ e ngại, dừng đầu tư và nhiều nhà đầu tư đã rút tiền trước hạn.
Kiến nghị nới room tín dụng ngân hàng
Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Chính phủ điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, khơi thông dòng vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Hoàn thiện chính sách để huy động tối đa các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước cho phát triển nhà ở và thị trường.
Đáng lưu ý, Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét nới trần room tín dụng phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế trong năm 2023 và các năm tiếp theo, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà, nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Tập trung vốn cho các dự án, phương án vay vốn khả thi, khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ, đúng hạn, ưu tiên xem xét cho vay với dự án nhà ở xã hội.
Có giải pháp giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường bất động sản hồi phục.
Đối với thị trường trái phiếu, Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính kiểm soát hoạt động huy động vốn trên thị trường chứng khoán, tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể huy động vốn.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tín dụng bất động sản với các doanh nghiệp bất động sản và người mua.