"Dự thảo Luật Nhà ở yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở đang được thực hiện trên địa bàn phải được công khai trên cổng thông tin điện tử cấp tỉnh, nhưng “đang được thực hiện” thì không rõ", ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM phát biểu tại hội thảo.
Theo ông Khiết, dự luật yêu cầu công khai dự án đang được thực hiện nhưng Sở kiến nghị là chỉ công khai những dự án nhà ở đã có quyết định chủ trương đầu tư, các loại khác thì không cần. "Cái này tránh được những trường hợp gian gian díu díu mập mờ vì dự án "đang được thực hiện" không rõ nội hàm, nội dung”, ông Khiết phân tích.
Ngoài ra, theo ông Khiết, nhà ở - kinh doanh BĐS đang chịu điều chỉnh và chi phối của hàng chục luật: luật đất đai, luật đầu tư, luật kinh doanh BĐS, luật nhà ở, luật doanh nghiệp, luật xây dựng, luật quy hoạch, luật quản lý xây dựng tài sản công, luật quản lý xây dựng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp, luật đấu thầu, luật đấu giá, luật thuế…
Hội thảo Lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) chiều 14-2. Ảnh: K.C |
“Để tránh xung đột về quản lý nhà nước, UBND TP cũng kiến nghị Bộ Xây dựng xây dựng dự thảo đồng bộ thống nhất với các điều luật kể trên, hiện nay 2 dự thảo luật đang được xây dựng vẫn còn vướng nhiều luật khác”, ông Khiết nói.
Góp ý thêm về chính sách nhà ở xã hội, ông Trần Việt Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cho rằng đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội hiện nay là trong các khu công nghiệp (KCN), vậy còn các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp thì sao?.
"TP.HCM có khoảng 50% doanh nghiệp ngoài KCN, có doanh nghiệp có 10.000 lao động, vậy họ có được hưởng chính sách nhà ở xã hội không, còn cụm công nghiệp và khu chế xuất nữa", ông Anh nêu.
Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam đánh giá Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS, sau 8 năm đi vào thực thi đã có những quy định không phù hợp thực tiễn, có sự chồng chéo luật, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã xây dựng 2 dự thảo sửa đổi 2 luật quan trọng này.
“Hội thảo được tổ chức sẽ nêu các ý kiến phản biện xã hội 2 luật này để Ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội. Hội thảo có ý nghĩa quan trọng để chuẩn bị luận chứng để làm cơ sở cho phản biện xã hội đóng góp cho quá trình xây dựng 2 dự luật”, bà Ánh khẳng định.