Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng - chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam, nuôi cá biển thì giá trị gấp 4 - 5 lần cá tra. Ví dụ 1 triệu tấn cá nuôi biển xuất khẩu thì đã thu về khoảng 10 tỉ USD, trong khi tiềm năng biển Việt Nam có thể nuôi được 10 triệu tấn. Thế nhưng đến nay, nuôi thủy sản trên biển của Việt Nam còn nhiều vướng mắc cần giải quyết.
Hướng đến nuôi công nghiệp
Hiện với trên 90% nuôi thủy sản trên biển theo dạng thủ công, theo ông Nguyễn Hữu Dũng, để chuyển từ thủ công sang công nghiệp cần quá trình. Để đưa thủy sản ra nuôi ở vùng biển mở, xa cần phải có lồng bè công nghiệp và phải có quyền giao biển cho tổ chức, cá nhân lâu dài.
Mặc dù Luật thủy sản 2017 có nội dung giao biển để nuôi trồng không quá 30 năm, nhưng đến nay chưa có tỉnh nào làm được. Do đó, nếu không giao biển người dân sẽ mãi nuôi bằng lồng thủ công.
Cũng theo ông Dũng, để các hộ ngư dân chuyển sang nuôi công nghiệp, trước hết chúng ta cần tạo chuỗi giá trị, các hộ dân sẽ là chân rết của chuỗi giá trị đó. "Ngư dân sẽ nuôi ở quy mô nhỏ, trở thành mắt xích trong chuỗi giá trị doanh nghiệp tạo nên sự liên kết bền vững. Chúng ta cần có mô hình và sự hướng dẫn, đưa lồng nuôi bằng vật liệu mới (HDPE) vào cho dân... Tổ chức đào tạo cho ngư dân nuôi cá biển theo hướng công nghiệp và tiếp cận tín dụng", ông Dũng đề nghị.
Trước ý kiến trên, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định Trần Văn Phúc cho biết mục tiêu của địa phương sẽ chuyển từ nuôi thủy sản trên biển truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.
"Tới đây, tỉnh sẽ tổ chức sản xuất nuôi thủy sản trên biển xa kết hợp với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo. Chuyển đổi từ thức ăn tươi sống sang thức ăn công nghiệp phù hợp với đối tượng nuôi, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường, phát sinh dịch bệnh", ông Phúc nói.
Ngoài ra, theo ông Phúc, tới đây tỉnh cũng sẽ hỗ trợ kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực và công nghệ hiện đại đầu tư phát triển nuôi thủy sản trên biển hở, ứng dụng công nghệ cao tại Bình Định. "Trước mắt, đề nghị Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ cho tỉnh mô hình trình diễn nuôi cá biển bằng HDPE để nâng cao hiệu quả kinh tế, an toàn trong vụ nuôi", ông Phúc nói.
Còn giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Phú Yên Nguyễn Trọng Tùng cho rằng nuôi thủy sản trên biển phải có doanh nghiệp đủ năng lực kinh tế, có thị trường và công nghệ. Tuy nhiên rủi ro về thiên tai, dịch bệnh, thị trường bấp bênh - là các yếu tố bị động nên phải có chính sách thu hút, hành lang pháp lý quy hoạch, ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất làm sao để thu hút doanh nghiệp đầu tư.
Theo ông Tùng, hiện nay Phú Yên đang đề nghị xây dựng đề án riêng về phát triển nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên do vướng cơ chế tài chính nên chưa thể xây dựng đề án.
Phải thay đổi công nghệ nuôi
TS Võ Sĩ Tuấn, nguyên viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, cho rằng nuôi thủy sản trên biển truyền thống thường nhỏ lẻ, manh mún, không theo quy hoạch, các bè gỗ nguy hiểm, ô nhiễm môi trường khiến khó tăng năng suất, bền vững.
"Như Phú Yên, chỉ một đêm ngư dân mất 70 tỉ đồng do thiếu nguồn oxy, mất mát này do chúng ta gây ra. Chính vì thế, giải pháp là phải thay đổi kỹ thuật, công nghệ nuôi", ông Tuấn nêu ví dụ.
Theo ông Tuấn, phải nuôi thủy sản trên biển theo hướng công nghiệp để phát triển bền vững. Theo đó cần xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật để có cơ chế vay vốn, làm bảo hiểm cho ngư dân, doanh nghiệp.
"Liên kết khoa học công nghệ và doanh nghiệp hiện nay có thể nói là rất yếu. Chúng ta đầu tư dàn trải, thiếu ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi trồng thủy sản", ông Tuấn nói và đề xuất cần xây dựng mô hình liên kết khoa học và công nghiệp nhằm giải quyết một số vấn đề ưu tiên như sản xuất và cung ứng thức ăn nhân tạo cho tôm hùm.
Trước những đòi hỏi từ thực tế, ông Nguyễn Công Cẩn, phó tổng giám đốc kỹ thuật Tập đoàn Việt - Úc, cho biết tập đoàn cũng đang khẩn trương thực hiện các thủ tục để đầu tư một nhà máy chế biến hải sản tại Bình Định. Từ đó tạo thành một chuỗi khép kín là sản xuất tôm giống - nuôi tôm thương phẩm - chế biến sản phẩm tôm. Thời gian qua, Tập đoàn Việt - Úc đã chia sẻ một số mô hình nuôi tôm hiện đại cho người dân Bình Định và có những thành công bước đầu.
"Chúng tôi tin rằng với những sự chia sẻ đó, sắp tới giữa công ty và người dân sẽ có sự liên kết để nuôi tôm thẻ bằng công nghệ hiện đại. Con tôm do dân nuôi bằng công nghệ chúng tôi chia sẻ, chuyển giao sẽ đạt chất lượng, tiêu chuẩn để đưa vào nhà máy chế biến của chúng tôi. Như vậy đôi bên cùng phát triển và thu nhập của người dân nuôi tôm sẽ tăng cao hơn nhiều so với kiểu nuôi truyền thống thời gian qua", ông Cẩn thông tin thêm.
Ở một góc độ khác, bà Nguyễn Thị Hải Bình, tổng giám đốc STP Group, khẳng định nếu dùng lồng nhựa HDPE và vật liệu tích hợp trong công nghệ cao, kết hợp với xu hướng nuôi thủy sản trên biển bền vững thì sẽ có mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp du lịch trải nghiệm. Và đây sẽ là những mô hình cho tương lai.
Theo bà Bình, hiện có nhiều giải pháp để chuyển giao từ nuôi truyền thống sang nuôi công nghệ cao, bền vững cho bà con. Như STP Group đang kết hợp cùng bộ, ban, ngành tỉnh Quảng Ninh chuyển đổi từ nuôi thủy sản trên biển theo dạng truyền thống sang công nghiệp. Dù suất đầu tư cao hơn gấp 5 - 10 lần vật liệu cũ nhưng cần chuyển đổi vì vật liệu cũ không bền vững, gây ô nhiễm môi trường.
Sớm giao biển cho dân
Nói về chủ đề của hội thảo là chuyển đổi từ việc nuôi thủy sản trên biển theo dạng truyền thống sang công nghiệp, ông Trần Đình Luân, tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), khẳng định vấn đề đặt ra của hội thảo là một định hướng rất đúng, được Thủ tướng quan tâm.
Và để khai thác bền vững, tăng tỉ lệ sản lượng thủy hải sản nuôi so với đánh bắt thì giải pháp nuôi thủy sản trên biển được đánh giá là có tiềm năng, lợi thế hơn tất cả. Định hướng nuôi thủy sản trên biển hiện nay đã có, về cơ chế chính sách hỗ trợ thì nghị định 67 sửa đổi đã hoàn thiện và trình Chính phủ phê duyệt. Nhiều địa phương đã có cơ chế để hỗ trợ nuôi thủy sản trên biển.
Theo ông Luân, trong Luật thủy sản đã quy định rất rõ trong phạm vi 0 - 3 hải lý, từ 3 - 6 hải lý và ngoài 6 hải lý thì cấp nào có thẩm quyền, giao biển trong thời gian bao lâu. Chỉ vướng nhất là quy hoạch không gian biển ngoài 6 hải lý để doanh nghiệp đầu tư lớn.
"Về quy hoạch không gian biển quốc gia không phải xây dựng trong ngày một ngày hai. Vừa rồi Bộ Tài nguyên và Môi trường trình vấn đề này lên nhưng chưa đạt yêu cầu nên phải gia hạn để xây dựng lại. Đối với tiêu chuẩn, quy chuẩn nuôi thủy sản trên biển trong Luật thủy sản đã có quy định. Chỉ còn tiêu chuẩn về lồng, bè thì Tổng cục Thủy sản đang xây dựng. Hiện chúng tôi cũng đang rà soát thiếu căn cứ gì thì sẽ bổ sung vì không đủ căn cứ thì không đơn vị nào dám làm bảo hiểm hay cho vay", ông Luân chia sẻ.
Đối với địa phương, ông Luân nhấn mạnh Luật thủy sản đã quy định việc giao biển trong 3 hải lý là do cấp huyện quyết định. Nếu không giao tọa độ thì vẫn còn tình trạng hằng năm bà con sẽ cơi nới lồng, bè tự phát. Khi ấy thì chính quyền cũng bất lực, doanh nghiệp cũng không dám đầu tư vào. Vì vậy phải giao biển cho người dân, quy định rõ diện tích, mật độ và thành lập một hợp tác xã để bà con tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc.
"Cần chọn mô hình phù hợp, không chọn những mô hình làm người dân nghèo đi. Có thể chọn mô hình nuôi cá, trồng rong, nuôi bào ngư cùng với rong, kết hợp du lịch thì rất hiệu quả. Như ở Nhơn Hải (Bình Định) bà con trồng rong rất phấn khởi. Chúng tôi cũng mong muốn đồng hành cùng địa phương. Hiện đề án chuyển đổi nghề đã được trình lên Thủ tướng, tuy nhiên chuyển sang nghề gì để bà con có đời sống tốt hơn, môi trường được bảo vệ hơn thì phải tính toán sao cho hợp lý", ông Luân nói thêm.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh (phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định):
Cần chính sách hỗ trợ
Địa phương đang hướng đến phát triển kinh tế biển, đồng thời chuyển đổi nuôi lồng bè truyền thống sang nuôi hiện đại. Tuy nhiên Bình Định là vùng biển hở, phải có mức đầu tư rất lớn và cần phải có mô hình nuôi biển thực sự hiện đại và phù hợp. Vì vậy khó thu hút các doanh nghiệp đầu tư.
"Nghề nuôi thủy sản trên biển địa phương diện tích còn hạn chế khoảng 60ha và đa số nuôi thủ công, còn hết sức khiêm tốn... địa phương mong muốn có những chính sách hỗ trợ. Có những mô hình, chính sách nuôi hiện đại hơn. Phát triển nuôi trồng mạnh nhằm giảm khai thác" - ông Thanh nói.
Ông Hồ Tuấn Tú (giám đốc Công ty xây dựng Thanh Trúc, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định):
Nuôi hiện đại quá tốt
Chúng tôi muốn đầu tư nuôi thủy sản trên biển để giảm áp lực ngành khai thác hải sản. Tôi đã tham quan mô hình nuôi của Công ty TNHH thủy sản Australis Việt Nam tại tỉnh Khánh Hòa thì thấy họ làm quá tốt, áp dụng công nghệ nuôi hiện đại. Các đại biểu tại hội thảo đã nêu rất trúng những điểm nghẽn, những vấn đề khó khăn của nuôi thủy sản trên biển ở Việt Nam cần sớm được giải quyết nếu muốn phát triển mạnh nuôi thủy sản công nghiệp, công nghệ cao trên biển. Vậy nên, mong những vấn đề "sát sườn" này phải sớm được giải quyết.
Đó là quy hoạch vùng nuôi trồng hải sản phải cập nhật đầy đủ vào quy hoạch tỉnh để sớm được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Quy hoạch đó phải ổn định lâu dài, chứ nuôi thủy sản trên biển dạng công nghiệp phải đầu tư vốn lớn mà quy hoạch vài năm thay đổi là không ai dám đầu tư.
Thứ hai, việc giao mặt nước cho dân phải được thực hiện nhanh chóng, đúng pháp luật. Tôi xin diện tích mặt nước nuôi biển ở thị xã Hoài Nhơn tám năm nay nhưng chưa được cấp thì làm sao đầu tư nuôi được. Thứ ba là các thủ tục đăng kiểm lồng nuôi, chính sách về bảo hiểm rủi ro... cần được thúc đẩy nhanh chóng.
Ông Nguyễn Hoàng Anh (chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Miền Trung):
Mở rộng nuôi thay cho đánh bắt
Hiện nay nguồn thủy sản cạn kiệt do khai thác tràn lan không kịp sinh sản tái tạo, vi phạm vùng biển quốc tế ảnh hưởng đến thủy sản Việt Nam dẫn tới bị cảnh báo thẻ vàng IUU. Vì vậy, nếu cấu trúc từ khai thác tự nhiên thành nuôi trồng chủ động thì ngành nuôi thủy sản trên biển Việt Nam sẽ mở ra hướng đi phù hợp và mang lại nhiều giá trị.
Chúng ta sẽ chủ động nuôi những loài thủy sản có ưu thế của Việt Nam cạnh tranh quốc tế từ sản lượng đến giá trị kinh tế cao. Ngư dân sẽ không cần bám biển, thay vào đó là chủ động nuôi thủy sản an toàn hơn.
Giải pháp, Nhà nước phải quyết liệt xây dựng đề án chuẩn từ quy hoạch biển, diện tích mặt nước phục vụ nuôi trồng. Xây dựng hạn ngạch, cấp và quản lý hạn ngạch cho từng đối tượng sản phẩm. Khuyến khích các ngành nghề từ giống, công nghệ, vật tư thiết bị phục vụ sản xuất, nuôi trồng, bảo quản, chế biến, thương mại sản phẩm nuôi trồng... đồng bộ để triển khai đến người dân, doanh nghiệp. Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích kêu gọi đầu tư ngành nuôi thủy sản trên biển để Việt Nam thật sự chuyển mình sẽ giàu lên từ kinh tế biển.
Kỹ sư Phạm Đức Phương (giám đốc Trung tâm nuôi biển công nghệ cao, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I, Bộ NN&PTNT):
Thiết bị bền 50 năm, giấy phép cấp...20 năm!
Để đầu tư hạ tầng cho trang trại nuôi thủy sản trên biển là rất lớn. Những trang thiết bị cho trang trại này rất đắt tiền, thời gian sử dụng khoảng 50 năm nhưng giấy phép chỉ 20 năm, rất lãng phí. Tuy nhiên các hộ nuôi trồng, doanh nghiệp có thể làm từ từ rồi phát triển dần phù hợp quy hoạch, tiềm lực của bản thân. Ngoài ra, khó khăn hiện nay là sắp đến mùa bão, các ngư dân nuôi trồng phải thu hoạch, bán vội với giá thấp. Chúng tôi hiện có thể điều chỉnh thời gian thu hoạch, chịu được sóng gió để thu hoạch sau Tết, bán với giá cao.
D.THANH - TR.TÂN - M.CHIẾN - C.TUỆ
Chuyển đổi nghề nuôi biển từ truyền thống sang công nghiệp là xu hướng phát triển tất yếu của thủy sản Việt Nam, đem lại giá trị cao cho ngành thủy sản và cũng góp thêm giá trị để thu hút du khách.
Xem thêm: mth.17323838051203202-nad-ohc-neib-oaig-nac-neib-ioun-ehgn/nv.ertiout