Lan truyền văn bản trả lương bằng voucher
Trên các diễn đàn lan truyền thông tin từ một văn bản thông báo có nội dung thay đổi chính sách trả lương đối với cán bộ nhân viên của Tập đoàn Hưng Thịnh và các công ty thành viên bằng voucher.
Theo đó, kể từ kỳ lương tháng 1-2023, thu nhập hằng tháng của cán bộ nhân viên được tập đoàn/công ty thanh toán bằng tiền hoặc bằng voucher.
Trong đó, nếu cán bộ nhân viên muốn lãnh lương bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản, công ty sẽ căn cứ kế hoạch dòng tiền để cân đối và chi theo từng đợt từ 30 - 50% mức tiền lương thực lãnh và có thể trễ hơn quy định 2 - 5 tuần làm việc.
Còn cán bộ nhân viên nếu muốn nhận lương đúng ngày ghi trên hợp đồng lao động, đăng ký với trưởng đơn vị và gửi danh sách về khối nguồn nhân lực, về phòng nhân sự công ty thành viên để nhận lương bằng voucher 110% nhân với tiền lương thực lãnh sau thuế và các khoản trích…
Ngoài ra, văn bản này cũng thông tin cụ thể về điều kiện sử dụng voucher, thời hạn sử dụng trong ba năm…
Tuy có nhiều thông tin về hình thức chi trả lương nhưng văn bản này không có số, ngày ban hành cũng như có nhiều lỗi chính tả.
Hưng Thịnh nói không ban hành văn bản
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 15-2, đại diện truyền thông của Tập đoàn Hưng Thịnh khẳng định tới thời điểm này, phía Hưng Thịnh chưa có thông báo, tin nhắn, kể cả các trao đổi trong các nhóm nội bộ của tập đoàn như văn bản đang lan truyền trên mạng.
Vị đại diện này cho biết việc trả lương bằng voucher cũng chưa hề được lấy ý kiến nội bộ, do đó "công ty chưa có thông tin chính thức về việc này".
Theo vị này, doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn là tình hình chung, song tới thời điểm này Hưng Thịnh vẫn chi trả lương cho người lao động.
Doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, giảm lương
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về dòng tiền, khó khăn trong việc duy trì lương thưởng cho người lao động.
Ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phải quyết liệt tái cấu trúc, tái cơ cấu đầu tư, thay đổi phương án kinh doanh, phải dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công dự án, dừng IPO.
Doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, chuyển nhượng bớt dự án nhưng vẫn không tìm được nhà đầu tư.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải cắt giảm nhân lực, thậm chí có đơn vị giảm đến 50% số lao động, giảm lương từ 30 - 50%, không "lo" được lương tháng 13, không có thưởng Tết.
"Ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản có quan hệ cộng sinh, cùng trên một con thuyền, thuyền chìm thì ngân hàng và doanh nghiệp cùng chìm, thuyền nổi thì ngân hàng và doanh nghiệp cũng thắng lợi".
Xem thêm: mth.352539151203202-rehcuov-gnab-gnoul-art-nit-gnoht-cab-hniht-gnuh/nv.ertiout