Cử tri Lâm Đồng đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo xem xét trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan đến vi phạm trong biên tập, lựa chọn sách giáo khoa để xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Bên cạnh đó, cử tri TP.HCM cũng gửi kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ vấn đề quản lý giá sách giáo khoa.
Đã thanh kiểm tra 14 tỉnh thành
Trả lời kiến nghị của cử tri Lâm Đồng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết hiện nay, quy trình biên soạn sách giáo khoa được các tổ chức, cá nhân thực hiện theo quy định của Luật xuất bản, bảo đảm các tiêu chuẩn, tiêu chí về sách giáo khoa.
Ngoài ra, thực hiện việc xã hội hóa khâu biên soạn sách giáo khoa theo nghị quyết 88 của Quốc hội, các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa theo quy định tại thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT và thông tư số 05/2022/TT-BGDĐT.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết trong năm qua bộ đã thanh kiểm tra 14 tỉnh thành, kết quả cho thấy các cơ sở giáo dục phổ thông và Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa đã thực hiện việc lựa chọn sách giáo khoa đúng theo quy định, lựa chọn sách giáo khoa của các hội đồng môn học trùng với kết quả lựa chọn của các cơ sở giáo dục phổ thông.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tăng cường công tác giám sát việc biên soạn sách giáo khoa của các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra địa phương trong việc lựa chọn sách giáo khoa, phát hiện những vướng mắc và xử lý các tiêu cực trong quá trình lựa chọn sách giáo khoa nếu có.
Kiến nghị nghiên cứu đưa giá sách giáo khoa vào danh mục do Nhà nước quản lý giá
Đây là kiến nghị của cử tri TP.HCM, trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, theo quy định của Luật giá 2012 và các văn bản hướng dẫn, sách giáo khoa thuộc danh mục hàng hóa thực hiện kê khai giá. Theo đó, nhà xuất bản và các doanh nghiệp được quyết định mức giá và thực hiện kê khai giá với Bộ Tài chính.
Ông Sơn cho biết thời gian vừa qua bộ đã phối hợp Bộ Tài chính rà soát phương án kê khai giá sách giáo khoa mới của các nhà xuất bản và các doanh nghiệp. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện các giải pháp để tăng cường bình ổn giá sách giáo khoa, đảm bảo an sinh xã hội.
Một số hợp đồng cung cấp giấy in sách của Nhà xuất bản Giáo Dục Việt Nam với Công ty giấy Phùng Vĩnh Hưng bị xác định cao hơn 1,7 lần giá nhập khẩu trực tiếp, với số tiền chênh lệch khoảng 210 tỉ đồng.
Xem thêm: mth.96655727151203202-aohk-oaig-hcas-nohc-aul-gnort-mohn-hci-iol-gnohk-yah-oc/nv.ertiout