Thị trường nhà đất "đóng băng"
Khác với những năm trước dù ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng sau Tết Nguyên đán thị trường bất động sản thường có "sốt", thì thời điểm hiện tại các phân khúc từ đất nền, biệt thự, nhà liền kề đến chung cư ở Hà Nội giao dịch rất "nhỏ giọt".
Tại xã An Khánh (huyện Hoài Đức), nhiều biệt thự nằm sát đường, trị giá khoảng 10 tỉ đồng/căn đã được chủ nhà sửa lại cho thuê từ 35 - 50 triệu đồng/tháng.
Chị Hoài Anh (xã An Khánh) - nhân viên môi giới làm việc tại văn phòng nhà đất P.Q. - cho biết: "Mua bán nhà đất ven đô ảm đạm chưa từng có, dù cắt lỗ 10 - 12% nhưng vẫn không có khách mua. Riêng văn phòng tôi có hơn 20 sản phẩm được khách ký gửi nhưng gần 2 tháng nay vẫn chưa chốt được".
Theo nữ nhân viên môi giới này thì nhiều chủ nhà sau khi ký gửi, đăng tải thông tin không có người mua đã chủ động sửa lại biệt thự để cho thuê.
"Sửa lại, sơn, làm nền, thêm thiết bị vệ sinh... mỗi căn chi phí khoảng 500 triệu đồng đầu tư. Mỗi tháng một căn thu về vài chục là giải pháp tốt nhất lúc này", chị Hoài Anh nói.
Nhiều tháng không có giao dịch, nhân viên nhà đất nghỉ việc hàng loạt
Nhu cầu sửa lại nhà nhiều nên nghề thợ xây, phụ hồ cũng đắt khách, từ 400.000 - 600.000 đồng/ngày công. "Dù trả công cao nhưng do đầu năm nên lao động làm nghề thợ xây tìm rất khó. Phụ hồ thì dễ hơn, thợ chính có tuần tôi trả đến 700.000 đồng/ngày mà vẫn không tìm ra người...", ông Tiến (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức) cho biết.
Tại quận Hà Đông (Hà Nội), cũng có nhiều dãy nhà liền kề với các kiến trúc theo phong cách hiện đại châu Âu… đã hoàn thiện đang căng biển cho thuê. Theo môi giới bất động sản ở địa bàn phường Dương Nội (quận Hà Đông), phân khúc nhà hạng sang đang "ế" khách mua cũng như người thuê vì giá quá cao.
"Nhà liền kề tổng mặt sàn khoảng 200m2 nhưng cho thuê đến 50 triệu đồng/tháng thì giá rất cao. Năm nay dự báo kinh tế khó khăn, người dân "thắt lưng buộc bụng" nên sức mua sẽ giảm mạnh.
Dòng tiền đầu tư bất động sản ngắn hạn đã chuyển hướng qua kênh đầu tư khác an toàn hơn bởi vậy nên thị trường nhà đất khu vực Hà Đông rất trầm lắng. Đến nhân viên nhà đất cũng phải nghỉ việc đồng loạt, chuyển nghề do nhiều tháng không có giao dịch", nhân viên môi giới nhà đất K.C. cho hay.
Trong khi đó thị trường đất nền ở nhiều xã thuộc huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Ba Vì, thị xã Sơn Tây thì rơi vào tình trạng "đóng băng", chủ bán cắt lỗ nhưng khách vẫn ngó lơ...
Trong bối cảnh doanh nghiệp bất động sản "khát vốn" thì giải pháp gỡ khó dòng tiền cho thị trường sẽ là vấn đề nóng bỏng nhất tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển thị trường bất động sản, dự kiến diễn ra ngày 17-2 tới.
Được biết hội nghị sẽ do Thủ tướng chủ trì với sự tham gia của nhiều lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, chuyên gia cùng các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản lớn.
Hình ảnh phóng viên Tuổi Trẻ ghi nhận thị trường chuyển nhượng nhà đất "ảm đạm":
Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Sinh - thứ trưởng Bộ Xây dựng - cho biết đơn vị này đang triển khai hàng loạt giải pháp để gỡ vướng cho bất động sản, từng bước đưa thị trường trở lại quỹ đạo tăng trưởng lành mạnh.
Để phát triển bền vững thị trường bất động sản trong thời gian tới, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ loạt giải pháp phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để đáp ứng nhu cầu nhà ở của số đông người dân hiện nay.
Trong đó, đề xuất đáng lưu ý nhất của Bộ Xây dựng là kiến nghị Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỉ đồng cấp cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn, giống như gói 30.000 tỉ đồng đã thực hiện trong giai đoạn 2013 - 2016 khi thị trường gặp khó.
"Doanh nghiệp làm gì để đứng vững trong bối cảnh thị trường bất động sản hiện nay?" đang là câu hỏi khiến không ít chủ đầu tư, nhà phát triển bất động sản phải đau đầu tìm giải pháp
Xem thêm: mth.43013317151203202-euht-ohc-ial-aus-gnouh-neyuhc-uhc-mad-ma-tad-ahn-nab-aum/nv.ertiout