Những ngày đầu năm mới Quý Mão, không khí làm việc tại xưởng bánh đa ở xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) khá nhộn nhịp. Công nhân vừa làm vừa rộn ràng nói cười, hối hả trộn bột, tráng bánh, xếp bánh để kịp đơn hàng cho khách đặt đưa đi Đài Loan.
Phát triển nghề truyền thống quê nhà
Anh Nguyễn Bá Thắng - chủ xưởng bánh đa - cẩn thận kiểm tra kỹ từng kiện hàng trước khi giao đi cho khách. "Ngay sau tết nhưng đơn hàng khá nhiều nên chúng tôi phải chia ca, làm cả ngày và đêm mới đủ số lượng đáp ứng các đơn hàng", anh Thắng phấn khởi nói.
Từng học và tốt nghiệp đại học chuyên ngành xây dựng, anh Thắng trước đó mải mê theo những công trình ngang dọc trong Nam ngoài Bắc. Một ngày nọ, anh Thắng gặp anh Nguyễn Ngọc Phương, người đồng hương và cũng là đồng môn tâm sự muốn được về quê sinh sống với gia đình.
Hai anh chàng đã gặp nhau nhiều dịp sau đó, bàn bạc tới lui khá nhiều rồi cả hai quyết định sẽ cùng trở lại quê nhà. Bỏ ngang công việc khi ấy cũng khá thuận lợi mà nhiều người mơ ước, hai người bạn chọn nghề làm bánh đa truyền thống của cha ông quê mình và bắt tay khởi nghiệp. Dĩ nhiên, khi hai gia đình nghe ý định của các bạn đều phản đối quyết liệt vì cuộc sống, công việc đang yên lành.
"Tự nhiên đòi bỏ việc nhà nước thu nhập cả chục triệu đồng mỗi tháng để về nhà tráng bánh đa. Gia đình bảo cho con ăn học cũng chỉ mong chúng thoát khỏi lũy tre làng, không phải còng lưng bên bếp lửa, chạy mưa, chạy nắng, nai lưng đi bán từng cái bánh đa để đổi lấy bữa ăn hằng ngày như đời cha ông", anh Phương nhớ lại.
Cũng tính toán tỉ mỉ và cả dự trù những rủi ro có thể gặp phải. Nhưng cả hai đã quyết rồi, cứ thế bắt tay mà làm thôi.
Đổi cách làm
Cả hai nói không xa lạ gì với việc tráng bánh của những người quê mình. Cả tuổi thơ đã chứng kiến cảnh bà con lam lũ trên đồng ruộng làm ra hạt gạo, hạt vừng rồi vất vả xay bột, mướt mồ hôi tráng từng chiếc bánh, gánh bánh đi chợ bán lẻ. Chưa kể còn lệ thuộc vào thời tiết. Trời nắng không nói làm gì, hôm trời mưa là coi như treo lò vì làm sao phơi bánh khô được. Họ muốn thay đổi cách làm bánh thủ công đó.
Năm 2017, cả hai xắn tay hiện thực hóa khát vọng khởi nghiệp với sản phẩm bánh đa vừng, một thứ đặc sản quê hương mà cũng là món quà gắn liền với tuổi thơ của hai anh và bao đứa trẻ quê mình. Thay cho việc đắp lò đất, đốt củi tráng bánh, hai anh mượn đất mở nhà xưởng, thuê thiết kế dây chuyền máy móc sản xuất bánh đa. Tất cả công đoạn từ chuẩn bị bột cho đến tráng bánh đều tự động hóa.
Họ kỹ lưỡng trong việc chọn nguyên liệu đầu vào để ra đúng vị bánh đa xứ Lường, rồi khảo sát thị trường. Sản phẩm bánh đa Lương Sơn của hai chàng trai trẻ lên kệ các gian hàng siêu thị từ Hà Nội đến Bình Dương, TP.HCM. Năm 2020, bánh đa Lương Sơn được công nhận "3 sao" OCOP cấp tỉnh, cũng là năm họ có đơn hàng đầu tiên xuất khẩu sang Nhật Bản.
Đến nay, xưởng đã được mở rộng quy mô, đầu tư 4 tỉ đồng vận hành công nghệ sấy khép kín, cho công suất tối đa gần 40 triệu chiếc bánh/năm, tạo việc làm cho hơn 50 lao động địa phương. Tính riêng năm 2022, cơ sở đã xuất khẩu 1 triệu bánh sang các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... Và ngoài bánh đa vừng truyền thống, họ hiện đã có thêm dòng bánh đa gạo lứt cao cấp.
"Người Nghệ ở muôn phương, xa quê càng lâu lại càng nhớ quê và muốn được thưởng thức món ăn hương vị quê nhà. Đây là động lực giúp chúng tôi mở rộng sản xuất và hướng đến xuất khẩu", anh Thắng chia sẻ.
TTO - Tiếp nối sự thành công của bản đồ ẩm thực (Foodtour), Hải Phòng chuẩn bị ra mắt bản đồ hướng dẫn các điểm chụp ảnh nổi tiếng tại thành phố cảng với tên gọi "Hải Phòng lòng vòng check-in". Đây chính là những điểm nhấn để bứt phá.
Xem thêm: mth.73240739061203202-iaogn-taux-gnuv-ad-hnab-aud/nv.ertiout