Gần 1 năm kể từ khi xung đột Ukraine nổ ra, nhu cầu của châu Âu đối với vũ khí của Mỹ đang tăng vọt. Tuy nhiên, thay vì những mặt hàng có giá trị lớn như máy bay phản lực và xe tăng, danh sách mua sắm lại tập trung vào những vũ khí rẻ hơn, kém tinh vi hơn như tên lửa vác vai, pháo và máy bay không người lái (UAV), theo hãng tin Reuters.
Theo các tùy viên quân sự châu Âu giấu tên, nhu cầu hiện tại tập trung vào các loại vũ khí và đạn dược cơ bản như đạn pháo 155 ly, hệ thống phòng không, thiết bị liên lạc, tên lửa vác vai Javelin và UAV. Theo Reuters, những vũ khí này đã chứng minh được hiệu quả đối với quân đội Ukraine trong chiến đấu.
Tên lửa Javelin là một trong những vũ khí được châu Âu đặt mua nhiều nhất trong thời gian gần đây. Ảnh: REUTERS |
Việc tập trung vào vũ khí số lượng lớn, ít tốn kém hơn cho thấy xung đột ở Ukraine đã định hình lại tư duy chiến lược ở châu Âu về cách thức giải quyết các cuộc xung đột trong tương lai, theo Reuters.
Bài học NATO rút ra từ xung đột Ukraine
Theo ông Roman Schweizer - nhà phân tích chính sách quốc phòng tại ngân hàng đầu tư Cowen & Co, nhu cầu sử dụng của Ukraine đối với "cả vũ khí chính xác và không điều khiển đã cho các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thấy rằng bất kỳ cuộc chiến nào trong tương lai cũng sẽ đòi hỏi lượng dự trữ cao hơn nhiều so với dự tính".
Một số tùy viên quân sự cho biết chính phủ của họ đặc biệt quan tâm việc mua tên lửa Javelin sau khi thấy hiệu quả của loại vũ khí này ở Ukraine. Các tên lửa đã chứng minh tính sát thương đối với xe tăng Nga.
Theo các tùy viên, quốc gia của họ đã đảm bảo các khoản thanh toán cho các nhà thầu quốc phòng đúng tiến độ để tránh tình trạng giao hàng chậm trễ. Các nguồn tin cho biết việc mua vũ khí hiện là một ưu tiên trong chính sách đối nội của nước họ.
Nhu cầu mua UAV cỡ nhỏ gia tăng
Có giá khoảng 20 triệu USD/chiếc và không được trang bị cảm biến tinh vi, máy ảnh và các phụ kiện khác, UAV cỡ nhỏ cũng đã xuất hiện trong danh sách mua sắm.
Sau khi chiến sự nổ ra ở Ukraine, Phần Lan và Đan Mạch đã đàm phán với tập đoàn năng lượng và quốc phòng Mỹ General Atomics, theo một nguồn tin của Reuters. Nguồn tin này cho biết hai nước bắc Âu muốn mua một số lượng nhỏ UAV MQ-9B SeaGuardian với năng lực giám sát hàng hải và đất liền.
Đạn pháo 155mm được đóng gói tại Nhà máy Đạn dược Lục quân Scranton (bang Pennsylvania, Mỹ) ngày 16-2. Ảnh: REUTERS |
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Phần Lan từ chối bình luận về thông tin. Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đan Mạch cho biết họ đã khởi động quá trình mua ít nhất hai hệ thống máy bay điều khiển từ xa có độ bền cao để "tăng cường năng lực quân sự ở Bắc Cực". Tuy nhiên, ông không nêu tên bất kỳ công ty nào.
Ba Lan hiện đang tạm sử dụng các mẫu đời trước của MQ-9B SeaGuardian, trong lúc chờ sự chấp thuận của Mỹ để được mua mẫu mới, theo hai nguồn thạo tin của Reuters. Bộ trưởng Quốc phòng Mariusz Blaszczak cho biết các máy bay đời cũ đang được sử dụng để giám sát biên giới phía đông của đất nước, nơi nước này chia sẻ với Ukraine và đồng minh Belarus của Nga.
Trong khi đó, một số nước châu Âu khác cũng muốn sản xuất vũ khí Mỹ trên lãnh thổ mình nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu nước ngoài và giảm chi phí.
Giám đốc điều hành Armin Papperger nói với Reuters rằng tại Đức, nhà sản xuất vũ khí Rheinmetall đã sẵn sàng tăng sản lượng đạn sử dụng cho xe tăng và pháo binh. Đại diện Rheinmetall cho biết công ty có thể bắt đầu sản xuất các bệ phóng tên lửa di động của hệ thống pháo binh cơ động cao (HIMARS).
Hệ thống này hiện do công ty Lockheed Martin Corp sản xuất. Hiện vẫn chưa rõ việc sản xuất sẽ được thực hiện theo giấy phép, liên doanh hay thỏa thuận khác.
Người phát ngôn của Lockheed Martin từ chối bình luận trực tiếp về khả năng Rheinmetall bắt đầu sản xuất HIMARS. Bà Rita Flaherty - Giám đốc phát triển kinh doanh một số chương trình tên lửa ở khu vực Đông Âu của Lockheed Martin cho biết công ty đang "xem xét hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ với một số đối tác quốc tế".
Pháo binh vẫn là vũ khí then chốt
Nhu cầu của châu Âu đối với đạn pháo 155 ly đặc biệt tăng cao. Cuộc chiến ở Ukraine đã làm nổi bật tầm quan trọng của pháo binh trong việc giúp áp đảo hoặc ngăn bước tiến của đối thủ. Năm ngoái, Mỹ đã vận chuyển hơn 1 triệu quả đạn 155 ly tới Ukraine, một quả đạn tiêu chuẩn tiêu tốn của Quân đội Mỹ khoảng 800 USD, theo Reuters.
Quân đội Ukraine khai hỏa lựu pháo FH-70 ở tỉnh Zaporizhia, Ukraine ngày 27-10-2022. Ảnh: REUTERS |
Theo một quan chức quân đội, mục tiêu sản xuất đạn 155 mm của Mỹ đã tăng gấp ba lần, từ 30.000 lên 90.000 quả đạn mỗi tháng trong hai năm tới. Sự gia tăng phản ánh nhu cầu bổ sung nguồn cung của Mỹ cũng như các đồng minh gồm Na Uy, Canada, Phần Lan, Pháp, Đức và Ý. Những nước này đã gửi nhiều vũ khí trong kho dự trữ cho Ukraine.
Ông Seth Jones - thành viên Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) cho biết: “Điều thực sự rõ ràng là đây là một cuộc chiến kiểu công nghiệp, một xung đột đòi hỏi một lượng lớn vũ khí trong một khoảng thời gian ngắn".
Theo Reuters, các quốc gia cũng dần nhận ra tầm quan trọng của việc trang bị tên lửa chống tăng Javelin. Tháng 4-2022, Lithuania chi 1 tỉ euro để mua Javelin và các loại vũ khí khác. Đến tháng 5-2022, Lockheed tăng gấp đôi sản lượng và phối hợp với đối tác sản xuất Raytheon để "chốt" đơn hàng tên lửa Javelin trị giá 309 triệu USD cho Na Uy, Albania, Latvia và Mỹ.