Án Nước ngoài:
Cái chết của cô bé 3 tuổi
Người phụ nữ 50 tuổi, họ Seok, bị cáo buộc đã đánh tráo đứa con gái 3 tuổi với đứa cháu gái cùng tuổi nhiều năm trước ở Tp.Gumi, tỉnh Gyeongbuk, phía Đông Nam Hàn Quốc.
Sự việc xảy ra vào tháng 2/2021 sau khi xác của bé gái 3 tuổi được tìm thấy tại nhà con gái bà Seok (cô con gái họ Kim).
Ngày 10/2/2021, bà Seok (bà ngoại của bé gái) báo tin cho cảnh sát rằng đã phát hiện thi thể cô cháu 3 tuổi phân hủy trong căn hộ bỏ hoang lâu ngày. Bé gái ban đầu được xác định đã bị nhốt, bỏ đói và mặc kệ đến chết trong căn hộ từ 6 tháng trước đó.
Ngay sau đó, mẹ bé gái (thời điểm đó 22 tuổi) bị truy lùng. Kim đã ly hôn với chồng và là người nuôi đứa trẻ. Tháng 8/2020, cô này tái hôn nên đã bỏ mặc đứa trẻ đó đến chết.
Tuy nhiên, sau đó, thông qua các xét nghiệm ADN, cảnh sát phát hiện ra Kim không phải là mẹ của đứa bé xấu số, mà lại là chị gái. Người được cho là bà của đứa trẻ (tức bà Seok) thực chất là mẹ ruột. Xét nghiệm ADN cũng cho thấy cả chồng cũ và chồng hiện tại của bà Seok đều không phải là cha ruột của bé gái.
Kim và mẹ cùng mang thai và sinh con trong một khoảng thời gian (từ tháng 3 đến tháng 4/2018). Bà Seok đã tráo đổi 2 đứa trẻ sau khi chúng chào đời mà Kim không hề hay biết. Cô ta nuôi đứa trẻ và nghĩ là con của mình, sau đó bỏ rơi đến chết. Mục đích hoán đổi của bà Seok được cho là để con gái nuôi hộ con mình. Tung tích của con ruột của Kim vẫn đang được tìm kiếm.
Theo hãng tin Yonhap, bà Seok kiên quyết phủ nhận cáo buộc, nói rằng kết quả ADN không chính xác.
Về phần Kim, cô ta bị tuyên mức án 20 năm tù giam cho tội bỏ mặc em gái đến chết và buộc phải tham gia 160 giờ khóa học tâm lý trị liệu liên quan đến bạo hành trẻ em.
Trong khi đó, bà Seok bị truy tố các tội bỏ mặc thi thể con gái và bắt cóc cháu ngoại. Trong phiên tòa ngày 17/8/2021, tòa án phạt bị cáo Seok 8 năm tù giam.
Tại phiên phúc thẩm ngày 2/2, tòa án quận Daegu phạt bà Seok 2 năm tù giam, 3 năm tù treo vì phi tang xác đứa con gái 3 tuổi. Về cáo buộc bắt cóc cháu gái cùng tuổi, tòa cho rằng bằng chứng chưa đủ. Tòa cho rằng kết quả xét nghiệm ADN không thể là bằng chứng cho việc bà Seok đánh tráo con và cháu gái.
Luật Việt Nam:
Bỏ mặc trẻ em là tội ác
Con người được coi là vốn quý của xã hội, là đối tượng hàng đầu được luật hình sự nói riêng cũng như pháp luật nói chung bảo vệ. Bảo vệ con người trước hết là bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, bảo vệ nhân phẩm, danh dự và tự do của họ, đây là những điều có ý nghĩa quan trọng hàng đầu đối với con người.
Vì lẽ đó, Bộ luật Hình sự của nước CHXHCN Việt Nam đều quy định các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự của con người ở vị trí thứ hai sau các tội xâm phạm an ninh quốc gia.
Chiếu theo pháp luật Việt Nam, hành vi của bà Seok và con gái họ Kim sẽ bị xử lý như thế nào?
Trước hết, nếu muốn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với bà Seok, cơ quan điều tra phải chứng minh được bà này đã thực hiện hành vi đánh tráo con đẻ với cháu ngoại. Nếu đã có đầy đủ bằng chứng, bà này sẽ bị xử lý về tội Đánh tráo người dưới 01 tuổi, quy định tại Điều 152 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Tội phạm này xâm phạm đến quyền được sống với cha mẹ ruột của người dưới 01 tuổi, quyền chăm sóc, nuôi dưỡng từ cha mẹ và quyền được bảo vệ của trẻ em.
Động cơ, mục đích không phải là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội phạm. Do vậy, không cần biết động cơ của bà Seok là gì, chỉ cần chứng minh được bà ta đã thực hiện hành vi đánh tráo 2 đứa trẻ mới sinh thì có thể xử lý bà ta về tội này.
Về hình phạt, người nào đánh tráo người dưới 01 tuổi, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.
Nếu phạm tội đối với người dưới 01 tuổi mà mình có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng, thì người phạm tôi có thể bị phạt từ 03 năm đến 07 năm tù.
Trong vụ án trên, cô con gái họ Kim bị cáo buộc đã bỏ mặc con đẻ (theo kết quả giám định ADN thì nạn nhân là em gái ruột của Kim) đến chết. Hành vi này có dấu hiệu bạo lực gia đình.
Theo quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007, bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.
Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng đều bị coi là bạo lực gia đình.
Người có hành vi bạo lực gia đình, nhẹ thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 52 Nghị định 144/2021/NĐ-CP với mức phạt từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng tùy vào mức độ vi phạm.
Trong vụ án này, mặc dù là mẹ nhưng lại bỏ mặc nạn nhân đến chết, do đó cô con gái họ Kim sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Ngược đãi hoặc hành hạ con, quy định tại Điều 185 Bộ luật Hình sự.
Điều luật trên quy định: Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần; bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Do nạn nhân mới 3 tuổi, vì vậy Kim sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng định khung là phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, với khung hình phạt từ 02 năm đến 05 năm.
Ánh Dương (Thực hiện)