Nhu cầu tăng năng lực phòng thủ của các nước châu Âu trong bối cảnh mới đang thúc đẩy tăng trưởng của các tập đoàn sản xuất vũ khí, cũng như các doanh nghiệp cung cấp quân trang quân dụng.
Trên các sàn chứng khoán châu Âu, cổ phiếu các tập đoàn công nghiệp quốc phòng đã tăng vững chắc trong 12 tháng qua.
Tờ Mặt trời 24h ra tại Italy có bài về tổ hợp công nghiệp quân sự Rheinmetall của Đức, niêm yết trên sàn chứng khoán Frankfurt. Trong năm 2022 vừa qua, tập đoàn đã giành được các đơn đặt hàng mới trị giá 1 tỷ Euro, trong đó có các radar di động và hệ thống phòng không mở đường cho các dòng sản phẩm tập đoàn Đức có thế mạnh. Cổ phiếu của Rheinmetall đã tăng 2,5 lần kể từ cuối tháng 2/2022.
Radar phòng thủ cũng là sản phẩm chủ lực của Tập đoàn Thalès của Pháp, niêm yết trên sàn chứng khoán Paris. Nhật báo Tây Ban Nha El Economista đăng biểu đồ cho thấy cổ phiếu Thalès hồi cuối tháng tháng 2/2022 đang là 84 Euro, đã tăng vọt gấp rưỡi, và giữ ở mức cao ổn định ấn tượng cho đến nay, 128 Euro và có thể lên tới 150 euro, gần gấp đôi sau 1 năm.
(Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg)
Năm nay, thị trường tài chính châu Âu tiếp tục kỳ vọng vào cổ phiếu quốc phòng. Tờ Göteborgs-Posten ra tại Thụy Điển tuần qua cho biết cổ phiếu của tập đoàn Saab đã tăng hơn 10%, ngay sau khi biết kết quả doanh thu cùng lợi nhuận năm ngoái và đơn đặt hàng cho năm nay đều tăng.
Saab là nhà sản xuất máy bay chiến đấu Gripen, tên lửa, ngư lôi chống tàu ngầm và hệ thống tác chiến điện tử. Giám đốc điều hành của công ty này được tờ báo trích đăng: "Chúng ta thực lòng hy vọng chiến sự Ukraine sớm chấm dứt. Nhưng các nước châu Âu đã bừng tỉnh, các quốc gia đang chi nhiều tiền hơn cho quốc phòng và sẽ tiếp tục chi, kể cả khi chiến sự kết thúc". Ông này kỳ vọng năm 2023 lợi nhuận của tập đoàn sẽ tăng trưởng 15%.
Tờ Neue Zürcher Zeitung của Thụy Sĩ khẳng định cổ phiếu quốc phòng không được ưa chuộng, cho đến khi xảy ra chiến sự tại Ukraine. Châu Âu sau gần 80 năm sống trong hòa bình, đột nhiên, nhu cầu phòng thủ, vũ khí và đạn dược, phòng không và thiết giáp… trở thành cấp thiết. Bài báo viết: "Lượng vũ khí tồn kho tại các nước châu Âu vẫn luôn ở mức thấp, bây giờ nhiều quốc gia mong muốn sớm có thêm vũ khí, đồng thời đặt hàng để mở rộng kho vũ khí về dài hạn. Dựa trên các tuyên bố chính trị, có thể dự đoán gia tăng chi tiêu mua sắm vũ khí sẽ còn được duy trì ít nhất cho đến năm 2030".
VTV.vn - Từ khi chiến sự nổ ra tại Ukraine, thị trường vũ khí sôi động, cổ phiếu của các công ty sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự tăng vọt trên thị trường chứng khoán châu Âu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.43675651102203202-us-neihc-man-1-uas-hnam-gnat-ua-uahc-gnohp-couq-ueihp-oc/et-hnik/nv.vtv